Covid 19: 66.887 người mắc, 1.523 người tử vong trên toàn thế giới
Bệnh nhân nhiễm Corona gia tăng |
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 7h ngày 15/02/2020, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do COVID-19 (nCoV) trên thế giới có 66.887 trường hợp mắc, trong đó tại Trung Quốc đại lục 66.279 trường hợp. Tổng số trường hợp tử vong 1.523 và chỉ có 3 ca ngoài Trung Quốc đó là ở Nhật Bản, Philippiness, Hong Kong.
Trong ngày này, cơ quan y tế Trung Quốc ghi nhận thêm 2.641 ca nhiễm mới và 143 trường hợp tử vong, trong đó có 139 trường hợp tử vong tại tỉnh Hồ Bắc - vùng tâm dịch bệnh. Hiện tại Trung Quốc còn có 11.953 trường hợp đang nguy kịch.
Bộ Y tế Ai Cập ngày 14/2 cũng đã xác nhận ca dương tính đầu tiên với chủng mới của virus corona gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây cũng là ca COVID-19 đầu tiên ở châu Phi.
Nhà chức trách Ai Cập đã thông báo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và bệnh nhân đã được đưa đi cách ly ở một bệnh viện để theo dõi và điều trị. Thông báo chung của Bộ Y tế và Bộ Dân số Ai Cập cho biết người này không có triệu chứng nhiễm bệnh, nhưng không nêu rõ quốc tịch của bệnh nhân.
WHO ngày 14/2 đã bảo vệ Trung Quốc sau khi Mỹ chỉ trích Bắc Kinh thiếu minh bạch trong phản ứng đối với sự bùng phát dịch bệnh do COVID-19.
Tại Việt Nam có 16 người dương tính với COVID-19, trong đó có 7 người đã được điều trị khỏi. Hiện nay có 61 người đang được cách ly vì nghi nhiễm Covid – 19.
Cục Công nghệ Thông tin – Bộ Y tế đã chính thức ra mắt Trợ lý ảo (chatbot) hỏi đáp về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới của virus corona (COVID-19) trên trang thông tin điện tử của Cục (https://ehealth.gov.vn).
Trợ lý ảo (chatbot) được phát triển dựa trên nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo, có khả năng giải đáp tự động, liên tục theo thời gian thực (24/7) cho phép nhiều người dùng cùng lúc hỏi đáp về dịch bệnh COVID-19.
Theo thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn từ nay Bộ Y tế đã phân tuyến chỉ đạo ở các cấp theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và hậu cần tại chỗ) với sự chi viện của bác sĩ tuyến Trung ương sẽ giúp cơ sở tuyến tỉnh, huyện đáp ứng được điều trị cho người bệnh.
Cụ thể, phát hiện, chẩn đoán, cách ly, theo dõi được tổ chức ở các tuyến, đặc biệt các tuyến huyện - tuyến cơ sở đầu tiên và sau đó đến các tuyến cao hơn (tỉnh, Trung ương) khi có các triệu chứng vượt quá khả năng điều trị, đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh. Việc phân tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện của Bộ Y tế như hiện nay là hợp lý, hiệu quả. Người dân hoàn toàn có thể yên tâm về công tác phòng, chống dịch bệnh.