Công nghệ vũ khí laser Nga: Từ viễn tưởng đến thực tế
Khi Albert Einstein diễn giải học thuyết về bức xạ cưỡng bức vào năm 1917, nhà văn Alexei Tolstoy và các tác giả khác trên thế giới đã sử dụng ý tưởng tia laser vào tác phẩm của mình. Từ trí tưởng tưởng cho đến hiện thực, ngày nay laser có rất nhiều ứng dụng, từ phẫu thuật cho đến xử lý dữ liệu. Tuy nhiên, ứng dụng laser trong chiến tranh mới được nhiều người nghĩ đến nhiều nhất, và đến nay laser vẫn là một đề tài nóng hổi trong lĩnh vực khoa học quân sự.
Được phát triển trước Thế chiến II bởi các nhà khoa học như Einstein, Charles Fabry, Alfred Perot, Rudolf Ladenburg và Valentin Fabrikant, ý tưởng laser đã chiếm lĩnh tâm trí của những nhà nghiên cứu vào những năm 1950.
Chẳng bao lâu sau, các nhà khoa học Liên Xô và Mỹ đã vượt qua các nước khác trong việc phát triển hệ thống laser. Những nghiên cứu về đề tài này đã mang về giải Nobel năm 1964 cho các nhà vật lý Charles Townes của Mỹ, Nikolai Basov và Alexander Prokhorov của Nga.
Được thúc đẩy bởi căng thẳng quan hệ leo thang giữa phương Đông và phương Tây, các nhà khoa học đã luôn đi tìm bước đột phá nhằm đưa vũ khí laser vào sử dụng trong quân đội của các siêu cường quốc.
Ở Liên Xô, một nhóm các nhà khoa học dẫn đầu bởi Basov đã đề đạt sử dụng một “máy phát tia lượng tử quang học”, hay tia laser, trong hệ thống phòng thủ tên lửa, tiêu diệt các tên lửa đạn đạo bằng chùm một tia năng lượng cao.
Hệ thống laser trên bộ Terra-3. |
Vào năm 1966, Liên Xô triển khai chương trình Terra-3 nhằm chế tạo hệ thống laser trên mặt đất, được thử nghiệm vào tháng 11/1973. Kết quả cuộc thử nghiệm không bao giờ được tiết lộ, tuy nhiên Bộ Quốc phòng tỏ ra hài lòng và cho phép tiếp tục chế tạo một hệ thống nữa mạnh hơn, được đặt tên là 5N76.
Thế nhưng việc phát triển 5N76 đã bị gián đoạn do thiếu năng lượng, bởi hệ thống laser này cần một máy phát điện với công suất mà công nghệ thời đó vẫn chưa thể đạt được.
Mẫu 5N76 dần đi vào quên lãng, tuy nhiên việc thí nghiệm laser còn tiếp tục cho đến năm 1991, khi Liên Xô tan rã. Kết quả của chương trình Terra-3 vẫn được giữ bí mật cho đến bây giờ.
Một chương trình khác cũng tồn tại song song với Terra-3, nó có tên là Omega. Ý tưởng ban đầu của dự án là một hệ thống laser có thể săn tìm đầu đạn tên lửa, nhưng dần dần dự án đã chuyển sang mục tiêu khác là chế tạo một thiết bị có khả năng phòng không.
Vào năm 1972, tại trưởng bắn Sary-Shagan ở Kazakhstan các nhà chế tạo đã cho thử nghiệm hệ thống Omega đầu tiên nhưng không sử dụng laser quân sự thật, chỉ dùng một máy phát yếu để chứng minh tính chính xác của hệ thống.
Thiết bị này được sử dụng để phát triển thiết bị định vị mục tiêu, và sau đó hệ thống Omega-2 mạnh hơn đã chứng minh khả năng bắn trúng những mục tiêu khí động học. Tuy nhiên, một điều rất rõ ràng là hệ thống này thiếu sức công phá cần thiết.
Do thiếu năng lượng từ máy phát, nhạy cảm với những biến đổi thời tiết và thời gian cần để bắn mục tiêu quá lâu đã ngăn căn sự phát triển của hệ thống với vai trò vũ khí chiến đấu.
Các nhà khoa học sau đó tính đến việc sử dụng laser để tiêu diệt những hệ thống định hướng chính xác, cụ thể là vệ tinh. Các thiết bị thiết giáp địch sẽ bị mất phương hướng nếu vệ tinh định hướng ở trên cao bị tiêu diệt.
Vào những năm cuối thập kỷ 1970, Liên Xô đã phát triển tên lửa không gian Skif, một trong những thiết bị có thể mang vũ khí laser nhằm vô hiệu hóa vệ tinh của đối phương.
Năm 1987, tên lửa Skif được thử nghiệm cùng lúc với một tên lửa khác. Do lỗi kỹ thuật, tên lửa không thể đạt quỹ đạo cần thiết và mặc dù hệ thống điều khiển dưới đất đã thu được một số dữ liệu. Cuối cùng tên lửa Skif trang bị laser không bao giờ được phát triển tiếp.
Tuy hê thống laser không lên được vũ trụ, nó đã tìm được vị trí của mình trên không. Song song với một chương trình laser của Mỹ là máy bay laser thử nghiệm NKC-135ALL của Boeing, Liên Xô đã thử nghiệm máy bay laser thử nghiệm A-60 theo chương trình Falcon Echelon.
Máy bay laser Beriev A-60. |
A-60 vốn là một máy bay chuyên chở quân sự Il-76MD đã được hoán cải, sau đó được lắp đặt thiết bị laser trên máy bay. Thiết bị không được gắn ở phần mũi máy bay, vốn có lẽ được đặt các thiết bị rađa tầm xa và hệ thống điều khiển. Thay vào đó, với hai bên hệ thống là bộ phát điện, vũ khí laser được đặt sâu bên trong thân máy bay.
Quá trình thử nghiệm bắt đầu vào năm 1984, với thiết bị laser được gắn không chỉ trên máy bay. Hệ thống còn được lắp đặt trên các khinh khí cầu, tên lửa đạn đạo và các vệ tinh bay thấp ở các độ cao từ 30 đến 110 km.
Chỉ có 2 chiếc A-60 được chế tạo, một trong số đó đã bốc cháy vào năm 1989 ở sân bay. Chiếc thứ hai, là phiên bản đã nâng cấp, chỉ được phép cất cánh vào năm 1991 khi Liên Xô sắp tan rã.
Chiếc A-60 này bị xếp xó thêm một thập kỷ nữa trước khi dự án được lật lại. Năm 2002, quân đội Mỹ đã cho cất cánh thử nghiệm máy bay laser Boeing YAL-1 được thiết kế nhằm tiêu diệt các tên lửa đạn đạo chiến lược.
Không lâu sau đó, Nga quyết định lật lại các dự án laser quân sự trước đây và tái khởi động lại dự án A-60 và chương trình Falcon Echelon vào năm 2005.
Mặc dù dự án vẫn được giữ bí mật cẩn thận, trưởng bộ phận vũ khí của Bộ Quốc phòng Nga, ông Anatoly Gulyayev, tiết lộ vào năm 2011 rằng “máy bay laser tác chiến trên không đã được phục hồi”.
A-60 sẽ được lắp đặt hệ thống quang học với một loại laser mạnh hơn, và theo kênh truyền hình của bộ Quốc phòng, “máy bay laser chiến đấu trên không dự kiến sẽ xuất hiện vào khoảng những năm 2015 - 2020”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Russia & India Report (RIR), ấn bản tại Ấn Độ của website tin tức Russia Beyond the Headlines của Nga.