Công an khuyến cáo người dân cảnh giác với tội phạm gọi điện thoại lừa đảo
Tin nhắn Công an TP.HCM gửi khuyến cáo người dân |
Ngày 10/5, nhiều chủ thuê bao điện thoại di động tại TP HCM nhận được tin nhắn khuyến cáo của Công an thành phố.
Nội dung tin nhắn ghi rõ “Công an TP HCM khuyến cáo nhân dân cảnh giác với tội phạm gọi điện thoại để hăm dọa, nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Cơ quan Công an, Viện kiểm sát khi điều tra vụ án không tùy tiện thu giữ tiền và làm việc với người dân qua điện thoại. Tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản của người lạ. Khi phát hiện dấu hiệu phạm tội của bọn lừa đảo, người dân hãy gọi về đường dây nóng 113 để báo tin”.
Trước đó, bà Mỹ (80 tuổi, Q. Phú Nhuận)-một người dân đã nhận được cuộc điện thoại của gã cảnh sát giả, đe dọa lừa đảo, gần mất 1,3 tỷ đồng.
Cụ thể, ngày 20/11/2015, bà Mỹ nhận được điện thoại bàn của một người phụ nữ xưng danh là nhân viên tổng đài VNPT với thông báo, bà nợ gần 9 triệu tiền cước ở Hà Nội. Bất ngờ, người phụ nữ 80 tuổi đã nói, mỗi tháng bà chỉ dùng cước phí 50 ngàn đồng nên không có chuyện đó. Tiếp đó, cô nhân viên đã yêu cầu bà Mỹ nói chuyện với công an để giải đáp thắc mắc.
Khi trò chuyện, người đàn ông xưng là đại úy, Công an TP.Hà Nội và lấy thông tin cá nhân và gọi vào số di động của bà Mỹ. Từ sự chỉ dẫn của gã đại úy giả, bà Mỹ gọi điện tới tổng đài để xác nhận số điện thoại gọi tới là của công an.
Biết nạn nhân bắt đầu tin tưởng, gã đại úy tiếp tục đe dọa: “Bà có liên quan đến đường dây buôn bán hồ sơ giả, 10 tỷ đồng đã được đường dây này chuyển vào tài khoản của bà”. Phản ứng lại, bà Mỹ nói, trước giờ tôi có làm ăn gì đâu mà liên quan đến họ. “Công an sẽ bắt bà ra Hà Nội để điều tra”, đầu dây bên kia nói.
Hoảng sợ, cụ bà đã nói toàn bộ hết về số tiền gần 1,3 tỷ trong tài khoản. Để trấn an bà lão, gã đại úy giả dụ bà lão chuyển toàn bộ số tiền trên vào tài khoản của ban chuyên án tại ngân hàng An Bình, chi nhánh Bắc Giang. Nếu đây là tiền sạch, cơ quan điều tra sẽ chuyển trả lại.
Lo sợ, bà Mỹ đã chuyển toàn bộ số tiền trên vào tài khoản đối tượng đã cho. Thấy bà Mỹ khóc lóc, sợ hãi, con trai bà đã gặng hỏi và biết toàn bộ về sự việc liền đưa bà Mỹ đến trình báo với Phòng Cảnh sát Kinh tế và Chức vụ (PC46) Công an TP.HCM.
Tiếp đó, một người đàn ông tên Hùng đã tới ngân hàng tại Bắc Giang để làm thủ tục rút gần 1,3 tỷ tiền mặt do bà Mỹ gửi. Tuy nhiên, khi các nhân viên yêu cầu một số bảo mật thì người này bỏ đi. Từ thông tin trên và trình báo của nạn nhân, Cảnh sát đã nhanh chóng phong tỏa số tiền trên.
Theo Thượng tá Cao Xuân Lợi - Phó trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế và Chức vụ (PC46) Công an TP HCM, cơ quan này đã tiếp nhận hàng loạt trình báo của các nạn nhân bị lừa mất tiền.
Riêng trong năm 2014, cảnh sát đã bắt và khởi tố hơn 70 bị can, trong đó có 15 người Đài Loan - Trung Quốc cầm đầu.