Công an Cầu Giấy điều tra vụ bé trai tử vong trên xe đưa đón của trường Gateway
Thông tin với PV Infonet, Thượng tá Dương Văn Hiếu – Trưởng Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Vụ bé trai tử vong trên xe đưa đón của trường học xảy ra vào ngày hôm qua (6/8), Cơ quan chức năng vừa hoàn tất công tác khám nghiệm tử thi nạn nhân (lúc 6h30’ ngày 7/8-PV). Sau khi khám nghiệm tử thi và xác nhận nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu bé, cơ quan công an sẽ tiến hành khởi tố vụ án để tiến hành điều tra, làm rõ các vấn đề liên quan”.
Người nhà cháu bé tập trung tại Bệnh viện E - nơi cấp cứu cháu bé sau khi được phát hiện trong xe ô tô. |
Bên cạnh đó, Thượng tá Dương Văn Hiếu cũng thông tin: "Trước mắt, cơ quan công an cùng các cơ quan liên quan phải làm công tác tư tưởng, ổn định tâm lý cho gia đình, người thân cháu bé..., sau đó mới tính đến các việc khác.
Sau khi xảy ra vụ việc đau lòng này, nhà trường cùng các cơ quan chức năng cũng như gia đình cháu bé luôn hợp tác tốt với cơ quan điều tra để tìm ra nguyên nhân cháu bé tử vong nên công tác điều tra, xác minh vụ việc có thể nói là rất thuận lợi".
Nói về vụ việc, luật sư Trương Anh Tú – Trưởng VPLS Trương Anh Tú chia sẻ: “Sự việc xảy ra vào ngày 6/8 đối với cháu bé ở Hà Nội, khiến tất cả chúng ta đều bàng hoàng. Tôi xin gửi lời chia buồn đến gia đình của cháu bé.
Đây là một bài học đắt giá cho toàn thể xã hội chúng ta trong công tác đưa đón học sinh tới trường. Khi mà cha mẹ không có nhiều thời gian để có thể đưa đón được các con đi học, việc nhà trường tổ chức đưa đón giúp ích rất nhiều cho các gia đình, nhưng hôm nay chúng ta mới thấy được mặt trái của vấn đề giao phó hoàn toàn con cái cho nhà trường, thông qua vụ việc cụ thể là trường hợp học sinh lớp 1 của trường quốc tế Gateway tử vong vừa xảy ra".
Ở góc độ pháp luật, luật sư Tú phân tích: “Trong sự việc trên, có thể thấy rằng, để xảy ra sự việc trên, lỗi chính thuộc về người tài xế, bên cạnh đó thì còn có lỗi của cô giáo chủ nhiệm; và nếu thông thường thì trên mỗi một chuyến xe, ngoài tài xế thì còn có một cô giáo phụ trách việc đưa đón... Tất cả những người này đều có một phần trách nhiệm khi để xảy ra sự việc đau lòng trên.
Lẽ ra trước khi tắt máy đóng cửa xe thì người tài xế cần phải quan sát trong xe, vì ở trong xe toàn trẻ em. Cô giáo chủ nhiệm khi không thấy học sinh đến lớp, theo nguyên tắc thì phải hỏi lại người tài xế xem cháu có đi học hay không, nếu không thể gọi được người tài xế thì phải gọi cho phụ huynh học sinh để nắm được tình hình học sinh.
Nhưng việc làm đó đã không được thực hiện một cách nghiêm túc. Đây là biểu hiện của sự cẩu thả trong công tác quản lý của nhà trường và giáo viên. Việc xem xét trách nhiệm, xử lý trách nhiệm hình sự ở đây như thế nào, có hay không thì còn tùy thuộc vào việc quá trình điều tra, kết luận của cơ quan chức năng.
Thế nhưng, rõ ràng ở đây chúng ta đã thấy có dấu hiệu hình sự về tội vô ý làm chết người. Do đó, khi xảy ra hậu quả thì rất có thể những người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 129 của Bộ luật Hình sự.
Điều 129. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính 1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, thì nhà trường phải thực hiện ngay với gia đình cháu bé. |
Sự việc trên cũng cho chúng ta thấy khiếm khuyết của người lớn, của cả xã hội hiện nay là thiếu các khóa đào tạo về sinh tồn cho trẻ em mà vốn trước đây chúng ta có cả một hoạt động hướng đạo sinh rất mạnh mẽ để dạy cho các em kỹ năng sinh tồn. Khi nhà báo gửi câu hỏi cho tôi về vyh việc này thì cũng chính là lúc tôi đang mở các clip về kỹ năng thoát hiểm, hướng dẫn dùng búa trên xe ô tô để thoát hiểm cho trẻ em và chỉ cho con tôi những kỹ năng này. Thiết nghĩ, toàn thể xã hội chúng ta cần có những động thái kịp thời để làm sao chúng ta khắc phục triệt để tình trạng này. Chúng ta cần phải góp ý xây dựng các quy trình của ngành giáo dục hoặc là từng trường phải xây dựng các quy trình đảm bảo an toàn cho học sinh trong công tác đưa đón học sinh nói riêng vào mọi hoạt động của nhà trường nói chung. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải có chương trình đào tạo về các kỹ năng sinh tồn cho trẻ em. Luật sư Trương Anh Tú |