Con trai 5 tuổi đã dậy thì
Thực tế có tháng bệnh viện tiếp nhận 5 trẻ dậy thì sớm phải điều trị, nhiều bé vào điều trị khi dậy thì ở giai đoạn 3, tuổi xương già trước vài tuổi.
Tại hội thảo về dậy thì sớm mới đây do BV Nhi đồng 2 tổ chức, BS.CK1 Ngô Thị Ngãi, khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết trong quá trình khám và điều trị đa số là nữ. Bệnh nhân đáp ứng điều trị tốt. Với dậy thì sớm ở bé trai ít trẻ hơn bé gái.
Bác sĩ Ngãi đưa ra ví dụ bệnh nhân Phạm H. H. là trường hợp điển hình. Bệnh nhân nam sinh năm 2016, tiền căn con thứ 3. Từ 5 tuổi mẹ bé thấy dương vật bé to, chiều cao lớn đột ngột nên đã đưa đi khám ở bệnh viện tỉnh và không có điều trị.
Bé thường xuyên thèm ăn mặn, không có tiền căn co giật, chấn thương nhưng thần kinh hơi chậm chạp.
Lúc bé đến BV Nhi đồng 2 khám bác sĩ thấy có dương vật to, có lông vùng kín nhưng không có lông nách. Khi Xquang xương bàn tay bác sĩ thấy tuổi xương của trẻ tương đương trẻ 14 tuổi. Siêu âm có khối u tinh hoàn.
Vì là dậy thì sớm ở bé trai bác sĩ nghi có nguyên nhân thứ phát nên làm thêm các CT ngực, MRI não, xét nghiệm tuyến thượng thận, siêu âm bụng. Kết quả, các xét nghiệm cận lâm sàng đều bình thường. Bệnh nhân chỉ có u tinh hoàn hai bên.
Bác sĩ lâm sàng nghi u tuyến thượng thận lạc chỗ do tăng sinh thượng thận bẩm sinh. Bác sĩ Ngãi cho biết các chẩn đoán trên cũng phù hợp với bệnh nhân vì bé đã xác định dậy thì sớm từ 5 tuổi nhưng không điều trị kịp thời.
Bệnh nhân khác là một bé trai 6 tuổi nhập viện vì cao nhanh, dương vật to. Chẩn đoán dậy thì sớm ngoại biên vì siêu âm có 2 u tinh hoàn. Sau 1 năm điều trị, bệnh nhân lại thấy có biểu hiện dậy thì sớm tiến triển hơn như mộng tinh, có lông nách, lông mu, tuổi xương 14 tuổi gấp đôi tuổi của bé.
Bác sĩ tầm soát lại dậy thì sớm nguyên nhân do đâu và thay đổi điều trị kết quả các vấn đề dậy thì sớm của bệnh nhân đã hạn chế. Hiện tại, bệnh nhân đã 12 tuổi đến khám siêu âm không còn u tinh hoàn, chiều cao 1,56 cm.
Ảnh minh hoạ. |
BS.CK2. Hoàng Ngọc Quý - khoa Thận – Nội tiết, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết tuổi khởi phát dậy thì có khuynh hướng ngày càng sớm so với thế hệ ông bà, cha mẹ trước đây. Được xem là dậy thì sớm nếu xuất hiện đặc tính sinh dục thứ phát (vú, huyết trắng, kinh nguyệt, lông mu, lông nách, tinh hoàn, dương vật…) trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai.
Từ lúc xuất hiện triệu chứng dậy thì cho đến lúc các đặc tính sinh dục thứ phát hiện diện đầy đủ, ở nữ là 10,5 - 11 tuổi, ở nam là 11,5 – 12 tuổi. Dậy thì sớm thường gặp ở bé gái hơn bé trai, gấp 5 lần. Thường gặp ở thành thị hơn nông thôn.
Theo BS Quý, dậy thì sớm được chia thành 3 nhóm:
Thứ nhất, ậy thì sớm trung ương: Do sự bài tiết quá mức hocmon sinh dục từ trên não (Hạ đồi – tuyến yên). Đây là nhóm thường gặp nhất.
Nguyên nhân dậy thì sớm của nhóm này đa số lại là vô căn (nhất là bé gái), tức là không có nguyên nhân thực thể gây ra dậy thì sớm.
Nhóm này được điều trị bằng thuốc Triptoreline để ngăn sự phát triển nhanh các cơ quan sinh dục thứ phát.
Thứ hai, dậy thì sớm ngoại vi: Dạng này ít phổ biến hơn so với dậy thì sớm trung ương. Thường liên quan đến bướu buồng trứng, tinh hoàn, thượng thận…
Nhóm này không dùng Triptoreline để điều trị.
Thứ ba, dậy thì sớm không hoàn toàn: Phát triển sớm, đơn độc, một đặc tính sinh dục thứ phát (VD: tăng sinh tuyến vú đơn độc)
Dậy thì là quá trình phát triển tất yếu của con người.
Bác sĩ Quý cho biết nếu trẻ dậy thì sớm quá sẽ có những tác động, ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý và thể chất của trẻ và gia đình. Mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào tuổi khởi phát dậy thì, mức độ phát triển các cơ quan sinh dục thứ phát (kích thước, kinh nguyệt…), tùy điều kiện hoàn cảnh kinh tế, xã hội, môi trường sống của trẻ và gia đình...
Bé gái dậy thì sớm dễ bị lạm dụng tình dục do trẻ chưa có khả năng nhận thức những hành vi lạm dụng và tự bảo vệ mình.
Mục đích điều trị dậy thì sớm là cải thiện chiều cao, ngưng trưởng thành sinh dục, giảm nguy cơ quan hệ sinh dục sớm, lạm dụng tình dục. Dự phòng những rối loạn tâm lý.
Thời gian điều trị đến tuổi trung bình của dậy thì (khoảng 11 tuổi), khi ngưng điều trị thì sự phát triển dậy thì về lâm sàng và sinh học sẽ được lặp lại.
K.Chi