Con gái có nên học ngành Công nghệ ô tô - 'địa hạt' của nam giới?
Ngành Công nghệ ô tô rất hot, thu nhập tốt nhưng nhiều bạn nữ vẫn ngần ngại khi chọn ngành học này.
Những năm gần đây, ngành ô tô Việt Nam phát triển rất ấn tượng. Hàng loạt các dự án lớn về ô tô được khởi động và ra đời. Vì thế, nhu cầu về nhân sự tăng cao cả về chất lượng và số lượng. Các công ty sẵn sàng chi mức lương cao để tìm các kỹ sư công nghệ ô tô thực sự có tài.
Nữ giới vẫn có những ưu điểm khi theo ngành học về công nghệ ô tô. (ảnh minh họa: Dantri) |
Trong bối cảnh đó, nhiều nữ thí sinh băn khoăn trước việc có nên chọn học ngành kỹ thuật như công nghệ ô tô vì lo không đáp ứng thể lực, vất vả và không có nhiều cơ hội thăng tiến...
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Phạm Văn Bổng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho hay: “Các khoa/ngành của trường Đại học Công nghiệp đều có nữ sinh theo học. Với ngành Công nghệ ô tô thì vẫn có nữ sinh theo học nhưng ít hơn.
Một thực tế là, nữ sinh có hạn chế về mặt sức khỏe không bằng nam sinh. Tuy nhiên, lợi thế ở chỗ ít nữ nên các nữ sinh viên sẽ được giảng viên quan tâm hơn.
Các em sau này ra trường có thể làm kỹ thuật ở các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, bảo hành, sửa chữa ô tô và cho thu nhập tương đối tốt phù hợp với năng lực”.
Nhân lực trong ngành công nghệ kỹ thuật ô tô hiện nay đa phần là nam giới nên hiện tại số lượng nữ sinh theo đuổi lĩnh vực này ngày càng tăng và quan trọng là cơ hội việc làm của nữ sinh tốt nghiệp nghề này rất tốt.
Nhiều thí sinh cho biết bản thân là nữ thích ngành công nghệ ô tô nhưng lại gặp phải phản đối gay gắt từ bố mẹ. Nói về vấn đề này, PGS.TS Phạm Văn Bổng khuyên: “Trước hết các em phải tự lựa chọn ngành nghề theo năng lực đam mê của mình. Tuy nhiên, mong muốn của bố mẹ không phải là không đúng nhưng phải tìm hiểu xem xuất phát từ lý do gì.
Bố mẹ phải phân tích rõ ràng để các em hiểu thêm về suy nghĩ của người lớn. Em phải có sự trao đổi thẳng thắn với bố mẹ để tìm được tiếng nói chung chứ không áp đặt.
Bất cứ ngành nghề nào cũng có những đặc thù khác nhau. Nếu các em hội tụ đầy đủ các tố chất trên thì nên lựa chọn đi theo ngành đó và ngược lại”.
PGS.TS Phạm Văn Bổng đưa ra lưu ý cho thí sinh tham gia đăng ký xét tuyển năm nay: Khi đăng ký xét tuyển theo phương thức xét tuyển sớm của ĐH Công nghiệp Hà Nội, nếu đủ điều kiện trúng tuyển, thí sinh phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT.
Đây là yêu cầu bắt buộc mà thí sinh phải thực hiện khi đăng ký xét tuyển vào các trường đại học. Do đó, em phải thực hiện đầy đủ các bước theo quy định để tránh bị trượt oan. Có trường hợp, thí sinh đăng ký xét bằng học bạ THPT đã được thông báo đủ điều kiện trúng tuyển, nhưng nếu không đăng ký trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT để lọc ảo theo kế hoạch chung thì sẽ không nằm trong danh sách trúng tuyển của nhà trường. Nếu các em đã được thông báo trúng tuyển và xác định sẽ theo học thì nên đăng ký làm nguyện vọng 1.
TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết chọn ngành thì quan trọng là chọn ngành phù hợp với mình nhất. Lưu ý, ngành mình thích nhất chưa chắc đã phù hợp với mình nên thí sinh cần cân nhắc giữa hai yếu tố: thích nhất và phù hợp nhất khi lựa chọn ngành học, trường học.
Rất khó để có công cụ cho việc lựa chọn ngành học, trường học nhưng thí sinh cần lưu ý: Kết quả học tập so với yêu cầu của trường, rà soát những điểm trúng tuyển của một số năm trước so với kết quả học tập của mình đặc biệt cần lưu ý các điều kiện, tiêu chuẩn của trường, kể cả tiêu chí phụ.
Tất cả các trường đại học đều công khai đề án tuyển sinh và có bộ phận giải đáp về tuyển sinh, thí sinh có thể tìm hiểu về trường học, ngành học mà mình dự định xét tuyển.
Theo tôi, thí sinh nên chọn ngành, chọn trường gần với mức điểm của mình và nên chọn nhiều phương án khác nhau (nhiều nguyện vọng xét tuyển). Hiểu một cách đơn giản là, thí sinh biết phải lượng sức mình và không nên “bỏ trứng vào 1 giỏ”. Các trường sẽ xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến đủ chỉ tiêu.
Hoàng Thanh