Con đường không phép lù lù mọc lên vùi phá hàng nghìn m2 rừng, chính quyền tìm không ra "thủ phạm"?
Một con đường dài 2km chạy quanh lòng hồ thuỷ điện Đắk R’Tih ở Đắk Nông lù lù xuất hiện xóa sổ hàng nghìn mét vuông rừng bán ngập bị vùi lấp. Nhưng chính quyền loay hoay mãi chưa tìm ra thủ phạm
Tự ý mở đường trái phép
Nhiều diện tích rừng trồng bán ngập lòng hồ thuỷ điện Đắk R’Tih bị vùi lấp. |
Theo quan sát, con đường chạy quanh lòng hồ thuỷ điện Đắk R’Tih có mặt đường được nới rộng hơn 8m, vách taluy dương cao tầm 10m, chiều dài của tuyến đường hơn 2km bao quanh gần hết hồ.
Tìm hiểu từ người dân địa phương, khi thuỷ điện Đắk R’Tih hoàn thành, chủ đầu tư có để một con đường mòn dân sinh nhỏ khoảng hơn 2m để người dân đi làm rẫy. Tuy nhiên vì con đường nhỏ quá nên người dân muốn mở rộng đường song chưa được.
Tuy nhiên, cách đây hơn 1 tháng nhiều người hết sức bất ngờ khi thấy xe ủi, xe múc tập kết mở rộng con đường mới chạy quanh lòng hồ thủy điện đồng thời lấp luôn cả một khoảnh rừng trồng rộng hàng nghìn mét vuông.
Dù sự việc xảy ra trong thời gian dài và được làm rầm rộ công khai nhưng chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan không hề có động thái nào can thiệp khiến cả rừng bán ngập dọc lòng hồ thuỷ điện Đắk R’Tih bị lấp khá lớn.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân, GĐ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Đắk Nông (đơn vị chủ đầu tư trồng rừng bán ngập dọc lòng hồ thuỷ điện Đắk R’Tih) thông tin, diện tích rừng bán ngập dọc lòng hồ thuỷ điện Đắk R’Tih rộng hơn 160ha, được trồng sau khi thuỷ điện Đắk R’Tih đi vào hoạt động.
Theo ông Xuân, sau khi phát hiện sự việc, đơn vị đã kiểm tra, đo đếm khu vực mở đường, ước tính diện tích ảnh hưởng khoảng 5.000m2.
Ông Xuân cũng cho biết, đơn vị đã đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông vào cuộc để kiểm tra, làm rõ vụ việc.
Con đường trái phép được mở ra |
Còn phía đại diện Công ty Cổ phần Thuỷ điện Đắk R’Tih cho hay, hiện đơn vị đã nắm được sự việc và đã làm công văn gửi UBND xã Đắk R’Moan cùng các đơn vị liên quan yêu cầu đơn vị thi công ngừng lại.
Vị đại diện Thuỷ điện Đắk R’Tih khẳng định, khu vực san ủi làm đường thuộc đất của thuỷ điện Đắk R’Tih, việc mở rộng đường khiến đất đá rơi xuống lòng hồ gây mất an toàn.
Sáng 30/3, trao đổi với PV, ông Đỗ Ngọc Trai, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm TP Gia Nghĩa cũng đã xác nhận, có 1 con đường tự phát dài khoảng 2km chạy quanh lòng hồ thuỷ điện Đắk R’Tih vừa được mở. Trong số đó có nhiều cây rừng trồng (gáo vàng) thuộc rừng bán ngập lòng hồ thuỷ điện Đắk R’Tih.
Ông Trai khẳng định, số diện tích bị vùi lấp là rừng phòng hộ lòng hồ thuỷ điện Đắk R’Tih khoảng 5.624m2, tuy nhiên rừng này chưa được UBND tỉnh công bố.
Kỳ lạ con đường vô chủ?
Trao đổi với PV, ông Phạm Trung Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk R’Moan (TP Gia Nghĩa) cho hay, cách đây gần 1 tháng xã đã tiến hành xuống kiểm tra và lập biên bản hiện trường đồng thời làm báo cáo gửi UBND TP Gia Nghĩa xem xét, chỉ đạo và có biện pháp xử lý.
Theo ông Đông, vào ngày 1/3 vừa qua xã đã đi kiểm tra và phát hiện 1 xe ủi đang dừng hoạt động, 1 xe múc đang múc bên taluy dương đỗ xuống phía dưới lòng hồ và lấp lên nhiều cây rừng. Sau khi kiểm tra, được biết số máy móc, phương tiện thuộc sở hữu của ông Phạm Văn Thắng (trú tổ dân phố 2, TP Gia Nghĩa).
Tuy nhiên, báo cáo của Hạt kiểm lâm TP Gia Nghĩa cho hay, sau khi vụ việc xảy ra đơn vị có gửi giấy mời cho ông Phạm Văn Thắng (người được thuê múc đất, san gạt…) nhưng bị bưu điện trả về vì không rõ địa chỉ.
Đến ngày 22/3, Hạt kiểm lâm TP Gia Nghĩa tiếp tục gửi công văn cho UBND xã Đắk R’Moan phối hợp giải quyết nhưng đến nay, dù qua gần 10 ngày nhưng chưa nhận được phản hồi từ phía UBND xã Đắk R’Moan.
Hàng loạt cây gáo vàng bị chôn lấp. |
“Xã đã mời ông Thắng lên làm việc để xác minh nhưng ông Thắng khai được ông Nguyễn Thế Hưng (chưa rõ địa chỉ) thuê thực hiện san ủi nhưng chỉ bằng miệng chứ không có hợp đồng, vì vậy xã cũng đề nghị phía công an xác minh ai là người đã thuê ông Thắng”, ông Đông thông tin thêm.
Tuy nhiên theo ông Đông, sau khi lập biên bản vi phạm thì ông Thắng cũng mất tích và các cơ quan chức năng cũng đang đi tìm ông này để có hướng xử lý vụ việc.
Vì vậy, đến vẫn chưa có ông chủ nào đứng ra nhận trách nhiệm việc san lấp này nên chưa thể xử lý được, đồng thời đang cho công an xã xác minh đây là đất của ai.
Ông Đông cũng khẳng định, từ khi xảy ra vụ việc trên, UBND TP Gia Nghĩa vẫn chưa có chỉ đạo vụ việc bằng văn bản mà chỉ có chỉ đạo qua điện thoại.
Từ sau khi thành lập TP Gia Nghĩa, giá đất khu vực hồ thủy điện tăng cao nên người dân đã bán hết rồi chuyển đi nơi khác ở, chỉ còn 1 số ít người dân còn "bám trụ" lại. |
Giá đất nông nghiệp tăng phi mã
Ông Đông cho biết thêm, hiện nay có nhiều người vào mua đất trong lòng hồ thuỷ điện Đắk R’Tih và đã tự ý mở đường, việc mua bán họ không hề thông qua xã.
Theo khảo sát của PV, từ sau khi TP Gia Nghĩa được thành lập thì giá đất ở đây tăng phi mã, nhất là khu vực hồ thủy điện.
Cụ thể, trước khi chưa thành lập TP Gia Nghĩa, giá đất ở khu vực hồ thủy điện chỉ rơi vào khoảng 500 - 600 triệu đồng/1ha. Tuy nhiên, sau khi thành lập TP Gia Nghĩa thì đất ở đây đã tăng giá lên gấp 4 đến 6 lần.
Trước Tết Nguyên Đán 2021 tới nay, toàn bộ quả đồi gần hồ thủy điện có diện tích hơn 100ha đã được một Công ty đến từ TP Hồ Chí Minh lên mua lại với giá từ 2-3 tỷ đồng/ha.
Điều đáng nói đây đều thuộc đất nông nghiệp, vì người dân thấy giá tăng cao gấp nhiều lần bình thường nên đã đua nhau bán.
Theo chị Lý Thị Tuyết (người có 3 hecta rẫy ngay trên lòng hồ) cho biết, xung quang khu vực lòng hồ này đã có 1 người mua hết nên không còn rẫy của người dân. Còn con đường này được làm hơn 1 tháng rồi.
"Trước khi Gia Nghĩa chưa lên thành phố thì giá đất khu vực này cao nhất chỉ khoảng 700 triệu đồng/1ha nhưng bây giờ giá đã vọt lên khoảng 3 - 4 tỷ đồng/ha và không còn để mua vì xung quanh bờ hồ đã bị mua sạch. Hiện nay do giá đất tăng cao nên người dân ở đây đã bán hết và đi nơi khác sinh sống", chị Tuyết nói.
Hải Dương – Phạm Gia
Lạ đời dân mua đất dự án có sổ đỏ nhưng không đất, huyện nói "trượt tọa độ"
2 hộ dân mua đất tại chợ Quảng Tín có sổ đỏ nhưng không có đất, nhiều năm qua không được giải quyết. Lý giải sự kỳ lạ này, cơ quan chức năng cho hay, trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư bị “trượt tọa độ” và "biệt vô âm tín" từ lâu.