Cơ sở thẩm mỹ mở cửa trở lại: Cách nào đảm bảo an toàn?
“Mặc dù đã nhiều ngày Việt Nam không có ca mắc mới Covid-19 ngoài cộng đồng. Đây là một tín hiệu đáng mừng nhưng chúng ta tuyệt đối không thể chủ quan, tránh để bùng phát dịch lần 2”.
Cơ sở thẩm mỹ mở cửa trở lại: Cách nào an toàn? |
Đây là chia sẻ của PGS. TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (PHEOC) tại buổi công bố quy trình dịch tễ phòng chống Covid- 19 tại Zema Việt Nam diễn ra vào sáng 17/5.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, trong thời điểm hiện nay Chính phủ đặt ra mục tiêu phải đạt mục tiêu kép- vừa phát triển kinh tế vừa chăm sóc sức khoẻ cho người dân, đặc biệt là phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, đến thời điểm hiện nay, gần như nới lỏng toàn bộ, thiết lập trạng thái trong tình hình mới, các hoạt động được mở cửa trở lại (chỉ trừ vũ trường, karaoke chưa được phép).
“Chúng tôi nghĩ rằng các hoạt dịch vụ mang ý nghĩa cho cuộc sống, cũng phải làm như thế nào để phục vụ cho người dân được tốt hơn, người dân được chăm sóc tốt hơn, ngay kể cả ở những cơ sở thẩm mỹ, spa, nail, hair... Việc đảm bảo phòng chống dịch tại những cơ sở này nói riêng và các dịch vụ khác nói chung phải làm sao an toàn cho khách hàng, cho người dân, rất quan trọng. Không thể để một cơ sở dù là dịch vụ gì có sự lây từ nhân viên tới khách hàng, rồi từ khách hàng lây ra khách hàng khác...”, PGS. TS Trần Đắc Phu nói.
Ông cũng cho biết thêm ngay cả các cơ sở tiêm chủng, lao động sản xuất... cũng phải xây dựng quy trình phòng chống dịch. Do đó, dù không phải là cơ sở y tế, nhưng do thường xuyên tiếp xúc gần với hàng nghìn học viên, khách hàng và nhân viên, nên hệ thống thẩm mỹ viện (TMV) phải đảm bảo yếu tố phòng, chống dịch Covid-19 như cơ sở y tế, để an toàn cho mọi người, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn phức tạp ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Với đặc thù thường tiếp xúc gần với khách hàng, PGS. TS Trần Đắc Phu đã xây dựng quy trình dịch tễ đối với cơ sở thẩm mỹ dựa trên ba yếu tố chính: Khách hàng, nhân viên và cơ sở hạ tầng.
Cụ thể: đối với khách hàng khi đi làm đẹp, PGS. TS Trần Đắc Phu khuyến cáo cơ sở kinh doanh phải phát khẩu trang, xịt sát khuẩn, đo thân nhiệt và đề nghị khách hàng khai báo y tế bắt buộc. Việc làm này giúp phát hiện ngay những người có thể mắc bệnh Covid-19 hoặc các bệnh truyền nhiễm khác ngay từ khi bắt đầu tới.
Đối với nhân viên tại các cơ sở chăm sóc sắc đẹp cũng phải được sử dụng đồ bảo hộ (đeo khẩu trang, sử dụng kính chắn giọt bắn...) trong suốt quá trình làm việc, đo thân nhiệt và giãn cách khách hàng cũng như các nhân viên khác. Đặc biệt, các nhân viên cũng phải được tập huấn thuần thục thực hiện các quy trình và xác định rõ tinh thần: phòng bệnh cho khách hàng cũng là phòng bệnh cho chính mình.
Đối với các cơ sở cần thực hiện các biện pháp xoa, lau chùi phòng dịch bệnh. Cụ thể, nhân viên tạp vụ cần lau chùi bằng dung dịch sát khuẩn cồn 70% ít nhất 2 lần/giờ tại các khu vực: tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, nút bấm thang máy, ghế ngồi, bồn cầu, vòi nước nhà vệ sinh. Tương tự sàn nhà được lau thường xuyên bằng dung dịch xà phòng với tần suất ít nhất 4 lần/ngày (vào giờ làm, trước giờ nghỉ trưa, sau giờ nghỉ trưa và trước giờ ra về). Phòng điều trị được trang bị nước rửa sát khuẩn tay ngay cửa để khách hàng sử dụng mỗi lần khi ra vào…
PGS. TS Trần Đắc Phu cũng nhấn mạnh, mặc dù đã nhiều ngày Việt Nam không có ca mắc mới Covid-19 ngoài cộng đồng. Đây là một tín hiệu đáng mừng nhưng chúng ta tuyệt đối không thể chủ quan tránh để bùng phát dịch lần 2.
N. Huyền