Có nên giao “núi” bài tập cho học sinh ăn tết?
Vài năm gần đây, nhiều trường thường giao cả “núi” bài tập, bài học cho học sinh...ăn tết.
Nghỉ tết là khoảng thời gian học sinh cần được vui chơi, sum vầy bên gia đình, đi thăm người thân hay đi tham quan. Nhưng thực tế vài năm gần đây, nhiều trường thường giao cả “núi” bài tập, bài học bắt học sinh phải hoàn thành để qua tết kiểm tra, khiến các em đều ngao ngán, nghỉ tết mà như không nghỉ.
Trong khi đó, theo một số giáo viên, việc giao cả “núi” bài như thế không cải thiện được gì, thậm chí còn tác dụng ngược như tâm lý đối phó: mượn bài của bạn sao chép, học tủ…
Học sinh cần thời gian nghỉ tết với ít áp lực bài vở (Ảnh minh hoạ) |
Tết này, cô Hình Hoàng Thuận Thiên, giáo viên chủ nhiệm lớp Bốn/1 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM), vẫn giao “bài tập tết” cho học sinh nhưng với khối lượng vừa phải.
Như môn toán, tiếng Việt, học sinh được nhắc nhở xem lại bài cũ và làm bài có sẵn trong vở bài tập. Hay với môn tự nhiên xã hội, ở những bài kiến thức mới, học sinh được giao việc theo từng nhóm thảo luận, làm ra sản phẩm dưới dạng powerpoint. Sau tết trở lại trường, học sinh chỉ cần trả bài bằng cách thuyết trình những sản phẩm mà nhóm đã làm.
Cô Thuận Thiên chia sẻ, tết là khoảng thời gian các em cần được vui chơi, sum vầy bên gia đình, nếu bắt học quá nhiều sẽ khiến các em mất vui. Hơn nữa, qua tết, các giáo viên đều dành thời gian ôn bài cho học sinh nên đừng bắt các em chìm trong “núi” bài và phụ huynh cũng không nên bắt con phải học nhiều.
Mặt khác, tết này học sinh nghỉ chín ngày, không quá nhiều. Đây cũng là thời điểm các em vừa kiểm tra học kỳ I xong nên cần có thời gian nghỉ ngơi, sẵn sàng bước vào học kỳ II sẽ tốt hơn. Mỗi ngày, học sinh chỉ cần dành khoảng 30 phút ôn lại bài cũ để không quên nền nếp, các kỹ năng tính toán là đủ.
“Nhồi nhét kiến thức trong mấy ngày tết không nói lên được điều gì, cũng chẳng thể giúp học sinh giỏi lên. Điều quan trọng để học tốt là khi học sinh có sự chủ động tìm đến kiến thức. Do đó, phụ huynh, giáo viên cần động viên, khích lệ tính tự giác học tập để các em tiếp cận kiến thức nhẹ nhàng, thoải mái. Khi đã có sự yêu thích thì học sinh tiếp thu bài nhanh, không quên kiến thức và có thể hình thành niềm đam mê”, cô Thuận Thiên giải thích.
Cô Vũ Thị Huyền Trang, giáo viên tiếng Anh Trường THCS Hoàng Văn Thụ (Q.10, TP.HCM), cũng chia sẻ, tết là khoảng thời gian rộn ràng không khí xuân thì nên để các em đón tết với tinh thần vui tươi nhất, chứ không nên bắt các em làm quá nhiều bài tập.
“Đặc thù môn tiếng Anh phải kiểm tra từ mới hằng ngày để các em không quên bài. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chỉ nhắc nhở các em dành ít thời gian mỗi ngày xem lại bài cũ chứ không bắt học nhiều. Ngay trước khi nghỉ tết, các em đã được làm một bài kiểm tra 15 phút, một bài kiểm tra miệng thì chỉ cần ôn lại phần kiến thức này là đủ”, cô Huyền Trang nói.
Mỹ Bình
Công văn “nghỉ Tết không giao bài tập” của Bà Rịa-Vũng Tàu nhận được sự ủng hộ của hàng nghìn phụ huynh, học sinh
Những ngày qua, hàng chục nghìn phụ huynh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và những tỉnh khác đã chia sẻ công văn của Sở GĐ&ĐT Bà Rịa-Vũng Tàu liên quan đến việc cấm giáo viên ra bài tập về nhà cho học sinh trong dịp nghỉ Tết.
Theo www.phunuonline.com.vn