Cô giáo viết thư tay gửi học trò, tiếc nuối khi phải học online
Cô Phan Thị Hồng Cẩm, giáo viên THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Tĩnh), hy vọng học sinh không ngại ngần với công nghệ và học cách thích nghi với những thay đổi bất ngờ.
Ngày 24/8, cô Phan Thị Hồng Cẩm đăng tải ảnh chụp bức thư tay lên mạng xã hội. Bức thư này được cô giáo sinh năm 1980 viết khi nghĩ về công việc, học sinh và tình hình dịch bệnh trên cả nước. Cô Hồng Cẩm cho rằng, trong thời điểm này, giáo viên cần giữ bình tĩnh để làm chỗ dựa cho học sinh.
Bức thư tay đặc biệt của cô giáo dạy Văn thu hút gần 500 lượt thích trên mạng xã hội. Nhiều người bày tỏ sự yêu thích, cảm động trước những lời nhắn nhủ tình cảm của cô giáo.
Được biết, cô Hồng Cẩm có thói quen viết thư tay cho những người thân thiết. Cô nhận thấy những lá thư tay chứa đựng tình cảm từ trái tim, thể hiện tình yêu, sự ân cần và có sức lay động hơn.
"Tôi thấy xúc động vì lời tâm sự của mình được nhiều người quan tâm. Tôi hy vọng bản thân có thể lan tỏa tiếng lòng của các giáo viên đến mọi người", cô Hồng Cẩm nói với Zing.
Bức thư dài ba trang được cô Hồng Cẩm chia sẻ lên mạng xã hội. Ảnh: NVCC. |
Giáo viên, học sinh đều muốn được đến trường
Trong thư, cô Phan Thị Hồng Cẩm bày tỏ sự thông cảm với học sinh khi phải học online trong thời gian dài. Với học sinh, học online không còn là điều xa lạ, nhưng nó khiến các em hụt hẫng vì mất đi cảm giác chờ đến mùa thu tựu trường.
“Hôm nay, thầy cô lại được tập huấn lại về kỹ năng dạy học trực tuyến, rồi miệt mài thiết kế lại bài học để linh hoạt thích nghi với mọi hoàn cảnh", cô Hồng Cẩm viết, đồng thời cho biết giáo viên phải đặt ra những tình huống dạy học khác nhau để phù hợp với điều kiện thực tế.
Điện thoại của giáo viên thường xuyên nhận được thông báo từ nhà trường. Những cập nhật này thay đổi từng buổi, từng ngày.
Với cô giáo trẻ, mong ước lớn nhất chính là được dạy trực tiếp. Thậm chí, những tiếng bước chân nghịch ngợm và lý do đi học muộn của học sinh cá biệt cũng là "ước mơ đến cháy lòng".
Cô giáo dạy Văn chia sẻ thêm, một học sinh lớp 12 đã nhắn tin, bày tỏ mong muốn bị cô búng tai, bị cô nhắc nhở và gọi lên bảng trả bài. Do phải học online, học sinh cũng đang "thèm" cảm giác được giáo viên phạt như ngày được đến trường.
Với tình hình hiện tại, mong muốn của cô và trò vẫn chưa thể thực hiện. Cô giáo phân tích rằng các tỉnh, thành vẫn đang gồng mình chống dịch, hàng triệu con tim, khối óc đang chiến đấu với niềm tin mãnh liệt.
"Khi chúng ta đang chìm vào giấc ngủ, các quân nhân, y, bác sĩ đã âm thầm làm lễ xuất quân để kịp thời chiến đấu. Chúng ta hãy học cách biết ơn và tiếp tục hành động", cô viết.
Thiết lập "đường truyền niềm tin"
Là một giáo viên, cô Phan Thị Hồng Cẩm luôn coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống và rèn luyện tâm hồn yêu cuộc sống. Cô khẳng định khi đạt được những yếu tố này, học sinh sẽ thấy được giá trị đích thực của văn chương.
Qua những dòng chữ nắn nót, cô Hồng Cẩm hẹn học sinh gặp nhau qua mạng xã hội và những trang web học trực tuyến. Cô khuyên những "đứa con" của mình xác lập thói quen thích nghi với những thay đổi bất ngờ trong cuộc sống và không ngại ngần với công nghệ.
"Có thể không gặp nhau trực tiếp trên giảng đường, cô tin rằng chúng ta vẫn luôn cùng chung một chí hướng, chung một bầu trời ước mơ và nhiệt huyết cháy bỏng”, cô nhắn gửi.
Bức thư của cô giáo sinh năm 1980 gây ấn tượng khi nhắc nhở học sinh thiết lập "đường truyền". Cụ thể, mỗi học sinh sẽ là một "sợi truyền" để giữa lửa và tạo thành trường truyền vô hạn của niềm tin, đam mê, bản lĩnh và trí tuệ.
Trong thời gian học tại nhà, cô giáo trẻ hy vọng học sinh của mình giúp đỡ những người bạn khó khăn, không có máy tính hoặc thiết bị thông minh để truy cập Internet.
Cô cho rằng, khi học sinh biết san sẻ, động viên lẫn nhau, đường truyền niềm tin sẽ được thiết lập và duy trì lâu dài.
Cuối thư, cô Hồng Cẩm viết: “Khi chúng ta đã thiết lập đường truyền, cô tin rằng virus sẽ không thể hạ gục. Các em hãy là những chiến sĩ yêu nước trên mặt trận văn hóa, không ngừng học tập và sáng tạo. Các em hãy học từ những điều bình dị nhất, yêu thương từ những điều nhỏ bé nhất. Các em hãy học các yêu thương bản thân và những người xung quanh. Chúng ta nhất định sẽ có một đường truyền bất tận".
Khi được hỏi về những kế hoạch trong tương lai, cô Hồng Cẩm nói rằng khi dịch bệnh được kiểm soát, học sinh quay lại trường học, cô sẽ tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để trẻ có thêm cơ hội trải nghiệm bản thân và có trách nhiệm với cộng đồng.
Với cô giáo trẻ, dạy học online có nhiều bất lợi, cô luôn mong được quay lại trường học, đứng trên bục giảng và gặp gỡ học sinh. Chỉ khi được đến trường, cô và trò mới được gặp gỡ và trực tiếp gửi gắm tình cảm, sự yêu thương.
Phụ huynh xôn xao trước tình huống cô giáo yêu cầu 'đọc thông, viết thạo' trước khi vào lớp 1
Nhiều phụ huynh cho rằng yêu cầu này là vô lý, nếu học sinh đọc thông, viết thạo trước khi vào lớp 1 thì... cần gì học lớp 1.
Theo zingnews.vn