Cô giáo Mỹ thuật bật mí về điều ẩn giấu trong tranh lá cây sinh động của học trò
Tranh ghép từ những chiếc lá hay những loại quả rất khác các bức tranh thông thường ở chỗ không cần phải vẽ nhưng lại cần trí tưởng tượng bay cao, bay xa.
Những ngày qua, những tác phẩm biến lá thành tranh của học sinh Trường Tiểu học Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khiến không ít người ngạc nhiên bởi sự sáng tạo trong cách dạy và học trực tuyến của cô trò trường này.
Chính những ý tưởng độc đáo, mới lạ sẽ khiến cuộc sống của chúng ta trở nên nhiều màu sắc và phong phú hơn. Đối với những bức tranh thông thường, chúng được tạo nên từ những mảng màu và vẽ bởi những cây bút. Tuy nhiên, tại Trường Tiểu học Phúc Diễn, các em học sinh lại tạo ra những bức tranh bằng cách xé dán thủ công những loại lá cây.
Những bức tranh của học sinh Tiểu học Phúc Diễn đã khiến nhiều người phải yêu thích ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi màu sắc mới lạ, bố cục lạ mắt và hơn nữa chúng vừa rất mộc mạc nhưng lại toát lên vẻ cầu kỳ mà không phải ai cũng có thể làm được.
Con bướm được học sinh làm từ hoa mào gà, hoa cúc, cây cỏ... |
Hai chú ếch được làm từ quả mướp đắng, lá làm từ quả dưa chuột. |
Chia sẻ với PV Infonet về những bức tranh của học sinh, cô Viết Thị Thanh Huyền - giáo viên Mỹ thuật tại Trường Tiểu học Phúc Diễn cho hay: “Đây là chủ đề 4 của môn Mỹ thuật của học sinh lớp 5, các con hoàn thiện trong 2 tuần. Bình thường đi học các con có thể nhặt lá cây khô, cành cây khô... trong khuôn viên trường để sáng tác tranh, các con có thể làm nhóm hoặc làm cá nhân.
Thời gian này, học sinh tạm dừng đến trường thì mình hướng dẫn cho các con mở rộng sáng tác tranh từ những nguyên liệu sẵn có trong bếp, trong vườn nhà”.
Cô Viết Thị Thanh Huyền - giáo viên Mỹ thuật tại Trường Tiểu học Phúc Diễn |
Nói sâu hơn về việc dạy trực tuyến môn Mỹ thuật trong bối cảnh hiện nay, cô Huyền cho biết trước khi dịch chưa bùng phát thì các em học sinh đã luôn được các thầy cô tạo ra nhiều sân chơi bổ ích và lý thú.
Môn Mỹ thuật là một trong những môn học mà các em đặc biệt yêu thích vì được thư giãn, được thể hiện những suy nghĩ, ước mơ của mình vào tác phẩm. Câu lạc bộ Mỹ thuật của trường là nơi các em được thoả mãn niềm đam mê của mình sau mỗi buổi học.
“Chính vì vậy nên khi dịch bùng phát, các con phải học online tại nhà thì các con đã có một nền móng vững chắc về môn học. Để học sinh có thêm hứng thú trong việc học tại nhà thì bản thân những giáo viên như mình luôn phải tìm tòi các nguồn thông tin, sử dụng công nghệ thông tin để giúp học sinh tiếp cận tốt nhất với những kiến thức mới, từ đó kích thích gợi mở các em sáng tạo các sản phẩm mỹ thuật.
Ngoài ra, giáo viên cũng kết hợp linh hoạt chủ đề bài học trong sách với thực tiễn trong cuộc sống để các con dễ dàng thể hiện và phát huy hết khả năng sáng tạo.
Để khơi gợi và kích thích học sinh thích sáng tạo thì mình có những buổi học ngồi nói chuyện, lắng nghe suy nghĩ của học trò xem các con thích học chủ đề nào, chủ đề nào khó... Sau đó gợi ý về nguyên liệu khi sáng tác tranh, góp ý cho các con thêm mỗi tác phẩm để các con thể hiện được hết suy nghĩ, mong ước và cảm xúc vào các bức tranh”, cô Huyền chia sẻ.
Xuất phát từ tình yêu với Mỹ thuật, cô Huyền đặt ra cho bản thân mục tiêu là luôn nỗ lực để giúp học sinh cảm nhận được nét đẹp của cuộc sống, hiểu được ý nghĩa và vẻ đẹp riêng biệt trong từng tác phẩm.
Quá trình dạy học, cô không đặt nặng việc bắt học sinh trở thành một họa sĩ mà để các em tự do phát triển năng lực của mình.
Mỗi học sinh có năng lực thẩm mĩ khác nhau, đối với học sinh có năng khiếu mĩ thuật thì cô Huyền sẽ hướng dẫn các em cách để phát huy tốt nhất thế mạnh của bản thân. "Với các em học sinh còn lại, mình giúp các em hình thành kiến thức mĩ thuật cơ bản, giúp các em biết nhận thức và đánh giá cái đẹp. Quan trọng nữa là giúp các em hiểu học Mỹ thuật đem lại niềm vui cho mọi người, làm cho mọi người nhìn ra cái đẹp, thấy cái đẹp luôn có xung quanh mình, gần gũi và đáng yêu.
Đồng thời thông qua môn Mỹ thuật mình muốn giúp các em tạo ra cái đẹp theo ý mình và thưởng thức nó ngay trong sinh hoạt thường ngày, làm cho cuộc sống thêm hài hoà, hạnh phúc", cô Huyền tâm sự.
Cô Huyền luôn mong rằng qua môn Mỹ thuật, mỗi thế hệ học sinh của cô đều có thể biết cách cảm nhận được cái đẹp và biết cách tạo ra cái đẹp theo năng lực, theo sự sáng tạo của bản thân.
Cùng xem thêm những tác phẩm biến lá thành tranh của học sinh Tiểu học Phúc Diễn nhé:
Nâng cao hiệu quả học online: 'Phải giảm thiểu thời gian học sinh ngồi nghe giảng trước màn hình'
Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng một tiết học 45 phút có thể rút xuống 30 phút, giáo viên có thể gọi từng em, từng nhóm nhận xét và giáo viên kết luận. Như vậy, có nhiều sự tương tác, khắc phục được hạn chế khi học trực tuyến.
Hoàng Thanh