Cô gái 'nát mũi' vì làm đẹp ở spa
Nhu cầu thẩm mỹ mũi ngày càng tăng nên rất nhiều cơ sở làm đẹp không được phép nâng mũi cũng thực hiện phẫu thuật này và khách hàng là người lãnh đủ.
Tháo ra rồi lại lắp vào
TS Nguyễn Huy Thọ - nguyên chủ nhiệm Khoa PT Hàm mặt, tạo hình, BV Trung ương quân đội 108 cho biết trường hợp của một bệnh nhân đã phẫu thuật 4 lần nâng mũi tại một spa có ghép sụn tai - tháo ra- đặt lại- rồi lại tháo ra.
Theo TS Thọ, vì tháo ra đặt vào nhiều lần khiến cho đường rạch không đúng vị trí làm biến dạng đầu mũi, xơ hoá trụ mũi, mất độ cong tự nhiên hai lỗ mũi .
Với những trường hợp như này, TS Thọ cho biết rất khó để xử lý lại. Hiện TS Thọ dự kiến sẽ ghép mỡ tự thân để mong cải thiện dinh dưỡng vùng đầu mũi rồi tiến hành thực hiện các bước tiếp theo.
Hiện nay nhu cầu thẩm mỹ mũi rất lớn. Nhu cầu thay đổi hình dáng của mũi, theo thống kê tại TP.HCM, một năm có trên 1000 người sửa mũi. Mũi gồm có: sống mũi, cánh mũi, đầu mũi, trụ mũi. Không chỉ nâng tháp mũi cho cao, nhiều người còn sửa đầu mũi, cánh mũi để mũi được “Tây”.
TS Nguyễn Huy Cảnh – Quyền Phó chủ nhiệm khoa Y học thực nghiệm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết khi nâng mũi không chỉ cần là đặt chất liệu lên là xong. Những người có nhu cầu thẩm mỹ cần tìm hiểu thật kỹ và nên đến các cơ sở uy tín. Các spa sẽ không có chức năng nâng mũi.
Cô gái bị biến chứng khi nâng mũi ở spa |
TS Cảnh cho biết nâng mũi không đơn giản như đặt sụn vào mũi là cao mà bác sĩ còn tư vấn đo đạc các thông số, đo đạc các thông số trên tháp mũi để cho phù hợp với các thông số chuẩn để chọn vật liệu cho phù hợp với từng người.
Hiện nay, nâng mũi thường có hai loại chính.
Thứ nhất, nâng mũi bằng vật liệu nhân tạo silicon hay Mepor. Silicon hiện nay ở Việt Nam nhập từ nhiều nguồn khác nhau. Ví dụ như của Mỹ phải có FDA còn Hàn Quốc không có tiêu chuẩn nhưng người ta vẫn nhập về và các chất liệu này có thể tin tưởng được. Tuy nhiên, bác sĩ Cảnh cho biết nó có thể gây dị ứng, rò…
Thứ hai, nâng mũi bằng chất liệu tự thân như sụn sườn, vách mũi, vành tai. Ưu điểm của vật liệu này là bớt dị ứng, viêm rò.
Người ta sử dụng trong trường hợp vật liệu nhân tạo không đáp ứng được. Tuy nhiên, nhược điểm là khách hàng sẽ phải chịu nhiều biến chứng khác như chịu thêm các vết mổ. Vật liệu này hay bị cong vênh, biến dạng thứ phát. Một số trường hợp đầu mũi dùng sụn vành tai thì lộ sụn vành tai, in hình sụn vành tai trên đầu mũi.
Những biến chứng thường gặp
Thông thường, thời gian mũi hồi phục chỉ trong khoảng từ 5-7 ngày. Tuy nhiên, có không ít trường hợp do bác sĩ thực hiện sai kỹ thuật nên 10 ngày mà mũi vẫn bị sưng đau và không có dấu hiệu thuyên giảm.
TS Cảnh khuyến cáo bất kỳ phẫu thuật nào cũng có biến chứng. Khi phẫu thuật kết hợp sửa đầu mũi, vách mũi, trụ mũi thì tỉ lệ biến chứng nhiều hơn. Bệnh nhân có thể có các biến chứng như tụ máu sau mổ.
Một số trường hợp có thể có biến chứng như nhiễm trùng. Nếu phòng mổ không vô trùng thì chỉ cần một sai sót cũng có thể dẫn tới nhiễm trùng. Khách hàng nâng mũi sẽ bị sưng đau, đỏ và sốt. Nhiều trường hợp phẫu thuật ở cơ sở không đảm bảo đã phải tháo bỏ mũi do nhiễm trùng.
Một số trường hợp biến chứng xa, tức là biến chứng lâu đó là biến dạng mũi, từ nhẹ đến nặng, mất khả năng ngửi, có người còn biến dạng mũi, ngoằn nghèo, cứng, không mềm mại, bong mảnh ghép silicon, sờ vào thấy sự di động, chất liệu nâng sống mũi xoay chuyển, lệch sang trái hoặc lệch sang phải. Một số bị mảnh ghép chọc vào đầu mũi nên đầu mũi hay đỏ và đau.
“Hạn sử dụng” cho nâng mũi, TS Cảnh cho biết nếu ổn thì hầu như không gặp biến chứng và không phải thay thế chất liệu. Sau thời gian 2-3 tháng thấy đạt được tiêu chuẩn thì chất liệu này trong mũi tồn tại mãi.
Khánh Chi