Cô dâu chú rể vui vẻ chịu trận 'bôi bẩn' trước đám cưới
Những người thân trong gia đình, họ hàng, và bạn bè thân thiết sẽ thực hiện nghi lễ cho cặp đôi. Bởi họ tin rằng, nghi lễ này sẽ giúp xua đuổi vận đen bám đôi vợ chồng sắp cưới.
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Sheila Young tại Đại học Aberdeen, phong tục “bôi đen” trong đám cưới ra đời vào thế kỷ 19, mà xuất phát từ nghi lễ rửa chân cho phụ nữ sắp kết hôn. Trước khi được rửa chân, bàn chân của người phụ nữ bị bôi đen bằng muội than lấy từ ống khói.
Song vào đầu thế kỷ 20, nghi lễ này trở thành hoạt động vui đùa ngoài trời, nhất là đối với các cặp đôi kết hôn vào mùa hè. Từ đây, phong tục bôi đen được mở rộng thêm nhiều hoạt động khác như đóng cọc, và diễu phố. Qua thời gian, phong tục bị biến tướng thiên về ý nghĩa bôi bẩn cho cặp đôi, thay vì tẩy rửa như ban đầu.
Phong tục bôi đen mang ý nghĩa cảnh báo cho các cặp đôi về những thử thách, và khó khăn sắp tới trong cuộc sống hôn nhân.
Theo trang Medium.com, như đúng nghĩa đen, các cặp đôi sắp cưới sẽ bị bôi bẩn bằng đủ loại rác từ lông gà vịt, cá chết, trứng, thức ăn ôi thiu, sữa đông, hắc ín, bùn, hoặc bột mì... Sau đó, mọi người sẽ đưa cô dâu chú rể bị nhuộm bẩn đi diễu hành quanh khu dân cư, hoặc trói họ vào một cái cây trong vài giờ. Mục đích là khiến cặp đôi cảm thấy càng khó chịu càng tốt, và để càng nhiều người chứng kiến sự việc càng tốt.
Người dân Scotland tin rằng sau khi cùng nhau vượt qua khó khăn này, cặp đôi có thể đồng cam cộng khổ trong hôn nhân. Không có quy định nào cụ thể, phong tục bôi bẩn có thể chỉ áp dụng với cô dâu, nhưng đôi khi cả chú rể cũng phải chịu trận.
Hiện phong tục này hiện chủ yếu được thực hiện ở các vùng nông thôn ở đông bắc Scotland.
Một số hình ảnh "bôi đen" cặp đôi sắp làm đám cưới ở Scotland:
Minh Thu