Có cách "vô hiệu hóa" hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và Nga?
Phương án thứ nhất: Tên lửa siêu thanh HGV
Minh họa tên lửa siêu thanh HGV do Trung Quốc chế tạo. |
Hiện nay, chủ đề về vũ khí siêu thanh đang được bàn tán xôn xao. Nhiều quốc gia trên thế giới, cụ thể là Mỹ, Nga và Trung Quốc đều đang chủ động chế tạo các loại vũ khí siêu thanh khác nhau, từ tên lửa hành trình cho đến máy bay quân sự. Trong số này, tên lửa siêu thanh HGV là một trong những loại khí tài đang được chú ý nhất.
Nhìn bề ngoài, chúng không khác các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) thông thường, cũng có khả năng bay với tốc độ siêu thanh là 7km/giây. Tuy nhiên, khác với ICBM, tên lửa này sẽ bay vào không gian sớm hơn và hướng thắng xuống mục tiêu đã định. Bởi phần lớn đường bay của tên lửa này đều ở tầm tương đối thấp, các hệ thống phòng không như GMD hoặc Aegis, vốn được thiết kế để đánh chặn các loại tên lửa tầm cao, khó phát huy hiệu quả.
Thêm nữa, khi quay trở lại bầu khí quyển với tốc độ cao, quanh tên lửa sẽ phát sinh một luồng nhiệt năng lớn, khiến các hệ thống cảm biến gặp khó khăn để xác định vị trí của nó. Và theo một số nguồn thông tin, các loại tên lửa HGV do Nga chế tạo còn có khả năng thay đổi mục tiêu trên không, càng khiến chúng không thể bị hệ thống phòng không ngăn chặn.
Cho đến nay, loại vũ khí này đang được Nga và Trung Quốc tiếp tục phát triển. Hiện có rất ít thông tin về tên lửa HGV do hai nước này chế tạo, song theo các kênh truyền thông Mỹ, các cuộc thử nghiệm tên lửa đều kết thúc thành công. Trong khi đó, Mỹ cũng đang tìm cách phát triển loại tên lửa HGV, tuy nhiên vẫn chưa có được kết quả khả quan. Các chuyên gia tin rằng, tên lửa HGV sẽ được đưa vào sử dụng khoảng những năm 2022 - 2025.
Phương án thứ hai: Vũ khí hạt nhân ngoài vũ trụ
Tên lửa Sarmat sẽ là một trong những loại vũ khí hạt nhân lợi hại nhất của Nga. |
Việc triển khai vũ khí hạt nhân ra ngoài quỹ đạo Trái Đất đã bị nghiêm cấm theo Hiệp ước Ngoài không gian được Mỹ và Liên Xô cũ ký kết vào năm 1967. Tuy nhiên, trong trường hợp một mối đe dọa có thể khiến khả năng tấn công hạt nhân đáp trả của một quốc gia bị mất đi, các cường quốc có thể tạm gác hiệp ước này lại. Công nghệ quân sự hiện tại cho phép Nga và Mỹ có thể đưa các vệ tinh mang đầu đạn hạt nhân lên quỹ đạo Trái Đất, sẵn sàng tấn công vào một mục tiêu đã định.
Một cách khác để có thể tấn công từ ngoài vũ trụ, đó là trang bị tên lửa đạn đạo cho các vệ tinh không gian. Điều này cho phép tầm bắn của tên lửa được nâng lên rất nhiều, đồng thời nó có thể tấn công từ bất kỳ hướng nào. Dự kiến tên lửa RS-28 Sarmat sẽ được đưa vào không gian theo cách này. Mỹ sẽ phải thiết lập một lưới lửa phòng không rộng lớn để có thể đối phó với những loại ICBM như vậy, và đây là một giải pháp rất tốn kém.
Phương án thứ ba: Tên lửa tầm xa được nâng cấp
Tàu ngầm lớp Borei do Nga chế tạo. |
Một cách khác để đối phó với các hệ thống phòng không đó là cải tiến tên lửa ICBM cũng như các khí tài mang vũ khí hạt nhân, qua đó nâng cao độ cơ động và khả năng hoạt động bí mật của chúng. Điều này cho phép các nước có thể đáp trả trong trường hợp bị tấn công bất ngờ.
Cả Mỹ và Nga đều đã đạt được những bước tiến lớn về mặt này. Mỹ chủ yếu tập trung vào hạm đội tàu ngầm của mình, khi họ sẽ chi 95,8 tỉ USD để phát triển và chế tạo các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân. Nga cũng phát triển tàu ngầm lớp Borei, đồng thời bắt tay chế tạo thêm một loại tên lửa đạn đạo mới. Bên cạnh tên lửa Sarmat đã nêu ở trên cùng tên lửa RS-24 Yars hiện có, một loại tên lửa khác là RS-26 Rubezh, được cho là có thể “nghiền nát” hệ thống phòng không của các nước châu Âu cũng đang được chế tạo. Ước tính hai loại này có tầm bắn ít nhất vào khoảng 2.000km.
Một loại khí tài đáng chú ý khác của Nga đó là hệ thống tên lửa trên đường ray Barguzin. Một đoàn tàu mang theo 6 tên lửa đạn đạo RS-24, mỗi quả mang theo tối đa 4 đầu đạn hạt nhân, sẽ có thể di chuyển hơn 1.000km mỗi ngày. Do RS-24 có kích thước nhỏ hơn so với các loại tên lửa cùng chủng loại trước đây, quân đội Nga có thể dễ dàng ngụy trang tàu để có hình dáng giống với các tàu hỏa chở hàng thông thường. Mỹ cũng có một dự án tương tự được bắt đầu vào thời Chiến tranh Lạnh, song đã bị hủy bỏ khi Liên Xô tan rã.
Phương án thứ tư: Các loại khí tài không người lái dưới nước
Một số hình ảnh về ngư lôi Status-6 của Nga (ngư lôi lớn nằm giữa trang giấy). |
Một biện pháp khác để vượt qua lưới lửa phòng không đó là sử dụng các loại khí tài không người lái, hoạt động dưới biển sâu và mang theo các đầu đạn hạt nhân. Liên Xô đã từng xem xét phương án này trong thời Chiến tranh Lạnh, song kỹ thuật công nghệ thời đó vẫn còn hạn chế. Đến năm 2015, một số hãng tin cho biết Nga đang chế tạo một loại “ngư lôi” tự động được lắp đặt lò phản ứng hạt nhân, có thể hoạt động ở độ sâu 1.000m, tốc độ tối đa 185km/giờ và tầm hoạt động là 1.000km.
Loại vũ khí này được đặt tên là Status-6, và có thể thấy rằng chúng có thể dễ dàng tiêu diệt các cơ sở hạ tầng của Hải quân Mỹ và thành phố gần bờ biển. Chúng hiện được coi là không thể bị ngăn chặn, bởi Status-6 gần như không gây tiếng ồn, tốc độ rất nhanh và thường hoạt động ở rất sâu dưới biển.
Kết luận
Như ta đã thấy, có rất nhiều cách để đối phó với các hệ thống phòng không hiện có cũng như trong tương lai. Điều này cho thấy rằng quốc gia nào tập trung vào việc phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ tiêu tốn nhiều hơn các nước phát triển vũ khí tấn công mới.