Chuyện một xóm vạn lên bờ

Trong các cuộc di dân sông nước tại TT-Huế, chuyến lên bờ của xóm vạn đò Phú Xuân (huyện Phú Vang) cách đây 16 năm được xem là đặc biệt, khiến báo chí tốn bao giấy mực và làm nhiều cán bộ phải vướng vòng lao lý...

Ám ảnh “nhà” mui thuyền rách nát

Tròn 16 năm trước, tháng 6 năm 2006, khi dự họp báo chuẩn bị khai mạc Festival Huế lần thứ 4, tôi nhận được thông tin cán bộ xã, thôn tại Phú Xuân (huyện Phú Vang, TT-Huế) ép dân vạn đò nghèo nộp nhiều triệu đồng nếu muốn được nhận đất lên bờ định cư. Nhận thông tin, tôi cứ băn khoăn ngờ ngợ. Bởi trước đó, khi còn làm phóng viên báo TT-Huế, lần về công tác viết bài tại huyện Phú Vang, tôi từng được lãnh đạo huyện giới thiệu về “điểm sáng” Phú Xuân, đây là Đảng bộ nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh. Ngay như cá nhân lãnh đạo xã lúc đó cũng đang là điển hình tiên tiến cấp tỉnh.

Ban trưa, trên đường phóng xe máy về xã Phú Xuân, dù cố hình dung bức tranh đời sống khó khăn của dân vạn đò, nhưng những gì chúng tôi tận thấy sau đó còn vượt xa tưởng tượng. Trước mắt là một xóm vạn đò xác xơ, các gia đình đông con khốn khó chui rúc trong những con thuyền cũ kỹ, với vòm mui tơi tả. Ám ảnh nhất là hộ vạn đò tàn tật Trần Lễ (thôn Lê Bình, khi đó 34 tuổi), cùng vợ và hai con nhỏ sống chui rúc trong một vòm mui thuyền rách nát được che tạm trên lô đất vừa được xã giao theo diện có thu “phí” lên cạn.

Trong xóm vạn đò nghèo ấy, hộ anh Trần Lễ được xem là tận khổ. Anh bị dị tật ở chân từ nhỏ, đi lại khó khăn. Vợ anh là chị Huỳnh Thị Mão vốn không phải dân sông nước. Tuy nhiên, vì miếng cơm manh áo, cả hai sau khi lấy nhau phải dắt díu xuống một con đò nhỏ để “liều mạng” rong ruổi khắp nơi kiếm sống. Mùa đông, chiếc đò nhỏ không đủ sức chịu đựng các cơn sóng dữ của đầm phá, gia đình anh Lễ đành lui vào sông Đại Giang đánh bắt cá tôm nhỏ, lấy gầm cầu Phú Thứ nối hai huyện Phú Vang và Hương Thủy thay mái nhà che mưa tạm qua những đêm trường buốt lạnh. Tận khổ là vậy, nhưng khi xã Phú Xuân triển khai chương trình định cư dân vạn đò, hộ nghèo Trần Lễ lại bị cán bộ địa phương tận thu khoản “phí” lên bờ 17 triệu đồng.

Chuyện một xóm vạn lên bờ ảnh 1

Xóm vạn Lê Bình (xã Phú Xuân) đã thay da đổi sắc, nhà cửa kiên cố thay cho “nhà” mui thuyền rách nát một thuở.

Theo xác minh lúc đó, ngoài gia đình anh Trần Lễ, 20 hộ vạn đò nghèo khác của thôn Lê Bình cũng bị chính quyền xã Phú Xuân tận thu “phí” lên bờ. Ngày đó gặp chúng tôi, anh Lễ nói như khóc: “Bao nhiêu tiền dành dụm, vay mượn, xoay xở đã nộp hết cho cán bộ xã, thôn để được nhận đất ở. Gia đình chỉ còn con thuyền nhỏ và một ít ngư cụ, nếu có gom bán tất tật cũng không đến 10 triệu đồng. Không biết đến bao giờ gia đình tui mới dựng được ngôi nhà tạm, thoát ra khỏi mui thuyền rách ni”.

Tìm gặp lãnh đạo xã Phú Xuân lúc đó, họ thừa nhận các hộ vạn đò trên địa bàn có nộp tiền cho chính quyền xã khi nhận đất lên bờ định cư. Tuy nhiên, lãnh đạo xã bao biện rằng dân đóng tiền trên tinh thần “tự nguyện”.

Bài học đắt giá về công tác cán bộ

Ngay sau đó, loạt bài điều tra về ép dân nghèo làm “mạnh thường quân” của tôi được đăng tải trên Tiền Phong. Nhiều báo cũng vào cuộc phản ánh về dấu hiệu tiêu cực của cán bộ xã, thôn tại Phú Xuân khi thực hiện định cư dân vạn đò.

Hôm thăm lại Phú Xuân, gặp ông Đỗ Công Khiêm, Chủ tịch UBND xã đương nhiệm, vị này chia sẻ với tôi rằng đời sống của dân vạn đò Lê Bình khốn khó một thuở nay đã đổi thay, bà con từng bước thoát đói nghèo, cảnh đời đã bước sang một trang mới. Sự đổi thay đó có đóng góp đáng kể của báo chí!

Không lâu sau vụ việc tận thu tiền dân vạn đò nghèo xã Phú Xuân được phản ánh trên báo, cuối tháng 6/2006, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã có ý kiến chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, giải quyết. Nhận ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế lúc đó là ông Hồ Xuân Mãn đã về tiếp xúc, lắng nghe những phản ánh, tâm tư, bức xúc kéo dài của dân nghèo xã Phú Xuân để tìm hướng xử lý, tháo gỡ.

Hàng loạt sai phạm do một bộ phận cán bộ xã, thôn ở Phú Xuân lúc đó gây ra cũng dần hé lộ. Theo xác minh bước đầu của báo chí và kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng: Lợi dụng chính sách của nhà nước về định cư dân sông nước vào các năm 2005 - 2006, chính quyền xã Phú Xuân và cán bộ thôn lúc đó đã ép 21 hộ ngư dân nghèo thôn Lê Bình nộp từ 3-17 triệu đồng, trên danh nghĩa “ủng hộ” xã xây công trình phúc lợi để được giải quyết về đất ở vốn dĩ dành cấp miễn phí cho dân lên cạn định cư. Mở rộng điều tra, cơ quan công an kết luận, từ năm 1999 đến 2005, UBND xã Phú Xuân đã thu nhiều khoản tiền từ nhân dân hơn 4,128 tỷ đồng, không nộp vào ngân sách trên 3,39 tỷ đồng, chi sai mục đích (quà biếu, phí giao dịch, tư túi), gây thiệt hại công quỹ hơn 571,2 triệu đồng.

Chuyện một xóm vạn lên bờ ảnh 2

Ngư dân xã Phú Xuân không còn cảnh sống vô định lênh đênh trên những con đò như thế này.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Hồ Xuân Mãn khi về làm việc với tập thể lãnh đạo huyện Phú Vang và xã Phú Xuân đã đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc phát hiện, phản ánh kịp thời tiêu cực về tái định cư vạn đò. Ông Mãn nhìn nhận, sai phạm nghiêm trọng ở Phú Xuân là bài học đắt giá về công tác cán bộ, xây dựng Đảng. Bởi trước khi vụ tiêu cực bị báo chí phanh phui, Đảng bộ xã Phú Xuân vẫn đang là đơn vị đạt danh hiệu “trong sạch vững mạnh” nhiều năm liền. 

Cảm ơn báo Tiền Phong và những người làm báo đã góp phần giúp dân vạn đò nghèo thôn Lê Bình chúng tôi có được cuộc sống đổi thay như hôm nay. Lớp cán bộ mới của xã giờ đây hiểu và gần dân hơn, người dân chúng tôi cảm thấy tự tin, an tâm hơn để làm ăn, sinh sống trên chính quê hương mình”, Ngư dân Huỳnh Thị Mão

Qua hàng chục cuộc làm việc và hơn 10 lần lãnh đạo tỉnh, huyện về xin lỗi dân Phú Xuân kéo dài trong hơn 2 năm (từ 2006 đến 2008), đến đầu tháng 12/2008, sau khi vụ việc tiêu cực được giải quyết thỏa đáng, nhiều cán bộ địa phương bị bắt, bị kết án tù, 21 hộ dân vạn đò Phú Xuân mới chịu nhận lại số tiền bị lạm thu để ổn định cuộc sống. Vụ việc tiêu cực tại xã Phú Xuân sau đó cũng là đề tài “thắng giải” tại Giải thưởng báo chí quốc gia năm 2007…

Tháng 6 năm 2022. Nắng chan hòa trên làng chài Lê Bình, xã Phú Xuân. Những căn nhà xiêu vẹo, những nơi ở bằng mui thuyền rách nát của xóm vạn nghèo ngày trước nay không còn. Cũng như nhiều ngư dân quần cư xung quanh, trong ngôi nhà xây khang trang, thoáng rộng, ngư dân Huỳnh Thị Mão sắp xếp lại ngư cụ chuẩn bị cho chuyến đánh bắt mới trên đầm phá.

Theo tienphong.vn

Ký ức ngày hòa bình của hai nữ biệt động nổi tiếng

"Lúc bấy giờ, cảm giác trong người tôi nhẹ nhàng như đi trên mây" - cựu chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đến giờ vẫn nhớ như in về thời khắc thiêng liêng của lịch sử dân tộc, ngày mà đất nước thống nhất, liền một cõi.

Những 'bí kíp' tránh bị ép giá dịp nghỉ lễ 30/4-1/5

Trước khi đi taxi hay sử dụng đồ ăn uống nên hỏi rõ giá, đặt phòng ở khách sạn, nhà nghỉ uy tín... là những lưu ý để khách du lịch không bị ép giá trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.

Kho tàng kỉ vật chiến tranh vô giá của người đàn ông Quảng Trị

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất lửa Quảng Trị, ông Duyệt thấu hiểu những mất mát, khổ đau do chiến tranh gây nên. Hơn 20 năm qua, ông đã miệt mài sưu tầm hơn 1.000 kỉ vật thời chiến và trưng bày tại nhà của mình.

Người đàn ông dồn cỗ tặng mẹ con chị bán vé số khiến dân mạng ấm lòng

Người xưa thường nói "của cho không bằng cách cho", cách người đàn ông trong clip đưa túi đồ ăn cho 2 mẹ con chị bán vé số khiến dân mạng thấy ấm lòng.

Thăm ngôi nhà hình hộp diêm hơn 130 tuổi giữa phố cổ Hà Nội

Ngôi nhà cổ được ví như hộp diêm tại phố hàng Cân (Hà Nội) là một trong những kiến trúc độc đáo được giữ gìn đến ngày nay.

Quán cơm 2 nghìn đồng cho bệnh nhân ung thư của cặp vợ chồng Hà Nội

Nhiều lần trong lúc ngồi trò chuyện sau bữa ăn, các cô nói: “Hai nghìn có đáng gì đâu so với bữa cơm này. Các cháu là muốn cho các cô đỡ ngại thôi đúng không?”

Những chiếc bánh đặc biệt của anh thợ từng lang thang đánh giày

Những chiếc bánh đó có thể là dành cho những đứa trẻ lần đầu tiên trong đời được tổ chức sinh nhật, cũng có thể là để chào đón một nạn nhân mới trở về sau những ngày tháng bị bán sang xứ người.

Học nghề từ một cuốn sách, người đàn ông thành 'vua đồ cũ', có tài sản khủng

Vì mưu sinh, ông Nguyễn Công Nhân bắt tay vào nghề sửa chữa đồ điện tử điện lạnh và rồi gắn bó suốt 26 năm, trở thành người thợ với biệt danh “vua đồ cũ”.

Hàng cây 2,5 tỷ nghi chết khô trên con đường mới thông xe ở Hà Nội

Được trồng từ nhiều tháng nay nhưng hai hàng cây trên đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (Đống Đa, Hà Nội) không chịu đâm chồi nảy lộc, đứng trơ trụi giữa vỉa hè.

Hà Nội nghiên cứu phương án cho thuê vỉa hè theo giờ

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu đơn vị liên quan nghiên cứu phương án cho thuê, thu phí vỉa hè theo giờ, đồng thời bố trí điểm đỗ xe ở lòng đường tại những nơi phù hợp.

Đang cập nhật dữ liệu !