Những phát minh hài hước chiến thắng giải Ig Nobel 2021
Thí nghiệm lật ngửa tê giác là một trong những nghiên cứu khoa học đoạt giải Ig Nobel, đúng với tiêu chí 'đầu tiên khiến con người cười, sau đó khiến họ suy nghĩ'.
Thí nghiệm treo ngược tê giác khi vận chuyển |
Thay vì diễn ra ở Đại học Harvard, Mỹ như mọi năm, lễ trao giải Ig Nobel hay còn gọi là 'Nobel nhái' năm nay diễn ra trực tuyến. Đã có 10 giải được trao cho các nhà khoa học từ nhiều quốc gia khác nhau.
Trái với giải Nobel danh giá, giải Ig Nobel được trao tặng vào đầu mùa thu hàng năm bắt đầu từ năm 1991, trao cho 10 nghiên cứu khoa học "đầu tiên khiến con người cười, sau đó khiến họ suy nghĩ".
Thay cho chiếc huy chương sáng chói của giải Nobel, người chiến thắng Ig Nobel được trao một khối lập phương và một tờ bạc trị giá 10.000 tỉ đô la Zimbabwe. Mục đích chính là tạo không khí vui vẻ nhằm khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu.
Một trong những chiến thắng năm nay thuộc về nhóm các nhà khoa học đứng sau thí nghiệm liên quan đến việc treo ngược con tê giác, lơ lửng trên không.
Nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Namibia, Nam Phi, Tanzania, Zimbabwe, Brazil, Anh và Mỹ thực hiện thí nghiệm với mục đích tìm hiểu xem liệu có an toàn hơn hay không khi vận chuyển tê giác bằng cách treo chúng ngược lên.
Robin Radcliffe, giảng viên cao cấp về động vật hoang dã và y học bảo tồn tại Đại học Cornell, người đứng đầu nhóm nghiên cứu đã dùng phi tiêu trên không để giúp an thần 12 con tê giác đen ở Namibia, trói chân chúng lại và treo ngược lên. Sau đó, họ đo các thông số sinh học về hơi thở, nồng độ oxy trong máu.
Mặc dù phương pháp nghiên cứu nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng những thí nghiệm của nhóm Robin Radcliffe có ý nghĩa quan trọng đối với các nỗ lực bảo tồn.
Tê giác thường được vận chuyển bằng đường bộ, đôi khi bằng đường hàng không, xung quanh các khu vực khác nhau của thảo nguyên châu Phi.
Các nhà bảo tồn đã sử dụng máy bay trực thăng để di chuyển tê giác qua những địa hình không thể tiếp cận bằng đường bộ trong khoảng một thập kỷ. Họ đặt chúng nằm nghiêng trên một chiếc cáng gắn vào máy bay, treo ngược chân của chúng.
Nhưng cho đến nay vẫn còn có tranh cãi về phương thức vận chuyển tê giác, phương thức nào tốt hơn cho sức khỏe của tê giác.
Robin Radcliffe cho biết ban đầu nhóm nghiên cứu của ông đưa ra giả thuyết rằng việc treo ngược tê giác khi vận chuyển sẽ gây hại cho chúng, tuy nhiên, kết quả thu được khiến họ bất ngờ. Những con tê giác có nồng độ oxy trong máu cao hơn khi bị treo ngược.
"Chúng tôi dự đoán rằng những con tê giác sẽ tệ hơn khi bị treo ngược nhưng kết quả ngược lại hoàn toàn", Robin Radcliffe nói.
Kết quả nghiên cứu công bố vào tháng 1/2021. Nhóm bắt đầu nghiên cứu vào năm 2015, thực hiện với 12 con tê giác nặng từ 800 kg đến 1.200 kg.
Trong số các nghiên cứu của lĩnh vực khác, đáng chú ý là hóa học. Giải thưởng thuộc về nhóm nghiên cứu mùi cơ thể con người thay đổi khi xem các cảnh phim bạo lực, gay cấn hay hài hước.
Ngoài ra, một nhóm các nhà nghiên cứu đã xem xét các vi khuẩn sống trên kẹo cao su bỏ đi trên vỉa hè cũng đạt giải Ig Nobel năm nay.
Thuỷ thủ sốc khi phát hiện cá lạ, thân cá mập mặt con heo
Các thuỷ thủ phát hiện con cá khác thường có thân hình cá mập nhưng mặt giống heo nổi trên mặt nước ở Darsena Medicea, Italia.
Hoàng Dung (lược dịch)