Những cây cầu đáng sợ nhất thế giới không dành cho những người yếu tim
Cầu là một trong những phát minh xây dựng tốt nhất trong lịch sử loài người. Chúng cho phép tổ tiên của chúng ta đi từ vùng này sang vùng khác mà không cần phải đi đường vòng dài hoặc để bắc qua vùng nước chảy xiết.
Trong khi nhiều cây cầu cũ đã được cải tạo, bạn có thể ngạc nhiên khi thấy một số cây cầu cũ này vẫn đứng vững và được khai thác với mục đích du lịch.
Cầu treo Hussaini (Pakistan)
Cầu treo Hussaini được coi là cây cầu nguy hiểm nhất thế giới. Cây cầu dây này bắc qua Hồ Borit ở Thượng Hunza. Cây cầu được bảo trì kém và rung chuyển dữ dội khi người ta đi qua nó. Nếu bạn bước sai, bạn sẽ bay xuống sông Hunza bên dưới. Tuy nhiên, những người đi bộ đường dài thích thử thách lòng dũng cảm của mình bằng cách băng qua cây cầu này.
Cầu Langkawi Sky (Malaysia)
Cây cầu gây tò mò ở Malaysia này cao 400 feet so với mặt đất và đã bị đóng cửa nhiều lần để bảo trì. Việc mở cửa trở lại đã bị trì hoãn vài lần nhưng hiện nó đã được mở để sử dụng, mặc dù không có nhiều người thực sự muốn vượt qua nó.
Cầu Bảy Dặm (Florida)
Cầu Bảy Dặm đúng như tên gọi của nó - trải dài 7 dặm. Khi được xây dựng, đây là một trong những cây cầu dài nhất thế giới. Nó đã giành được 8 giải thưởng và một trong số này là Giải thưởng Đặc biệt cho Cải tiến Tiết kiệm Chi phí của Cục Quản lý Đường cao tốc Liên bang. Cây cầu nhìn có vẻ không đáng sợ, nhưng ý nghĩ về việc bị mắc kẹt trên cây cầu này trong một trận cuồng phong quả là đáng sợ.
Cầu Carrick-a-Rede Rope (Bắc Ireland)
Cây cầu dài 66 feet và nhiều người đi qua đó nhưng không đi quay lại. Đừng lo lắng, họ không bị rơi, họ chỉ không thể vượt qua cuộc hành trình hai lần và vì vậy họ chọn một chuyến phà trên đường trở lại. Cây cầu nằm trên những tảng đá gồ ghề và dòng nước chảy xiết. Nó trở thành một điểm thu hút khách du lịch và bạn thực sự phải trả tiền để vượt qua. Nếu bạn không có gan dạ sắt thép, có lẽ tốt nhất bạn nên mua vé một chiều.
Cầu Deception Pass (Washington)
Cầu cao 180 feet trên mặt nước và nối Đảo Whidbey và Đảo Fidalgo. Cây cầu chủ yếu chỉ dành cho du lịch. Du khách đến đây bằng phà để ngắm nhìn cây cầu. Cây cầu là một kỳ quan danh lam thắng cảnh nhưng không có vẻ ngoài vững chắc.
Cầu bất tử (Trung Quốc)
Cây cầu Bất tử nối các dãy núi Hoàng Sơn ở phía Nam tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc. Khi băng qua cây cầu này, người ta sẽ cảm thấy rất chóng mặt, nhưng quang cảnh tại cây cầu này thì không làm cho du khách thất vọng. Cây cầu được xây dựng bên sườn núi từ một vài tấm ván. Nếu bạn quyết định vượt qua, chúng tôi chỉ có một lời khuyên dành cho bạn là… Đừng nhìn xuống!
Cầu treo Ghasa (Nepal)
Cây cầu ngoạn mục này trông có vẻ đáng sợ, nhưng nó cũng là một trong những nguồn giao thông chính của người dân địa phương trong làng. Cây cầu được xây dựng để chở người và gia súc; những người chăn cừu và động vật di chuyển tự do trên đó hàng ngày.
Cây cầu rất hẹp và nó vươn cao trên một thung lũng sông. Nó cũng dễ bị gió làm trao đảo. Người dân địa phương đã quen với cây cầu, nhưng nhiều du khách quá sợ hãi khi đi qua cây cầu do nó trông như sắp bị gãy. Nó trông mỏng manh và không ổn định, nhưng nó cũng có lan can cao giúp an toàn hơn.
Cầu Storseisundet (Na Uy)
Cầu Storseisundet là một trong những cây cầu nổi tiếng nhất và vì lý do thuyết phục. Khung cảnh từ trên cao thực sự ngoạn mục và nó là một trong những tuyến đường du lịch nổi tiếng nhất trong cả nước. Mặc dù quang cảnh núi thật đáng kinh ngạc, nhưng tuyến đường cũng có một chút khó khăn.
Cây cầu thường được mô tả là “Con đường dẫn đến hư không” vì nó dường như kéo dài ra phía xa. Nếu bạn là người thích cảm giác mạnh khi đi tàu lượn siêu tốc, băng qua cây cầu này có lẽ sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời dành cho bạn.
Cầu Keshwa Chaca (Peru)
Trong khi hầu hết các cây cầu được làm từ gỗ hoặc thép, cầu Keshwa Chaca được làm từ cỏ dệt. Nếu bạn lo lắng nó sẽ không đỡ được trọng lượng của bạn, đừng sợ hãi, cây cầu đã tồn tại 500 năm, và mọi người vẫn đi qua nó. Chính người Inca ban đầu đã xây dựng cây cầu và nó đòi hỏi một đội ngũ nhân công lớn. Phụ nữ bện những sợi dây mảnh nhỏ, đàn ông bện những dây cáp đỡ lớn. Kết quả là cây cầu tuyệt đẹp này đã thể hiện tài năng của người Inca và phương pháp xây dựng hấp dẫn của họ.
Cầu Eshima Ohashi (Nhật Bản)
Chúng tôi không phải là kiến trúc sư, nhưng cũng nhận thấy cây cầu này dường như bẻ cong các quy tắc vật lý. Cây cầu cao 144 feet và có độ dốc 6,1%. Cây cầu mất bảy năm để xây dựng và là cây cầu khung cứng lớn nhất ở Nhật Bản và lớn thứ ba trên thế giới. Thật không thể hiểu được, làm thế nào mà ô tô lại có thể xuống một con dốc lớn như vậy chứng minh rằng vật lý là ma thuật.
Cầu Trift (Thụy Sĩ)
Vâng, cây cầu này hoàn toàn tuyệt đẹp nhưng không, chúng tôi sẽ không băng qua nó. Cây cầu được treo cao 558 feet trên sông băng của Thụy Sĩ và 328 feet trên mực nước biển. Bạn có thể đi đến cây cầu từ thị trấn Gadmen trên dãy Alps của Thụy Sĩ.
Cây cầu đã có từ năm 2004 nhưng đã gặp khó khăn trong những năm qua do tình trạng gió của Thụy Sĩ. Vào năm 2009, cây cầu đã được gia cố an toàn hơn với việc bổ sung các dây cáp ổn định. Thật sự khâm phục những ai dám vượt qua cây cầu này.
Cầu treo Long Giang (Trung Quốc)
Cầu treo Long Giang, thường được gọi là Cầu sông Long, tại ngoại ô Bảo Sơn, Vân Nam, Trung Quốc. Nó kết nối các thành phố Baoshan và Tengchong. Đây là cây cầu treo cao nhất châu Á. Trung Quốc phải mất 5 năm để xây dựng và hoàn thành cây cầu này vào năm 2016.
Cây cầu có độ dài tổng cộng 3.900 feet và treo lơ lửng trên mặt sông 920 feet. Băng qua cầu thuận tiện hơn nhiều so với đi đường vòng 8,4 dặm từ Baishan đến Tengchong. Nhưng cây cầu này không dành cho những người yếu tim.
Cầu U Bein (Myanmar)
Cây cầu này có vẻ ngoài của một cây cầu đang được cải tạo nhưng thực tế nó luôn luôn trông như thế này. Cây cầu bắc qua hồ Taungthaman ở Myanmar và dài 1,2 km. Cây cầu này được xây dựng vào năm 1850, được cho là cây cầu gỗ tếch lâu đời nhất trên thế giới.
Nó hiện là một điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng và tạo ra một số bức ảnh đẹp vào lúc hoàng hôn. Trong ảnh, người dân địa phương đứng dọc theo cây cầu để bán đồ lưu niệm và bạn có thể đi bộ qua toàn bộ cây cầu.
Cây cầu Gốc sống (Meghalaya)
Những cây cầu này là một trong những điểm thu hút lớn nhất ở Meghalaya và chúng đã phát triển trong gần hai thế kỷ. Gia tộc Khan đã tạo ra chúng từ rễ cây cao su và nuôi dưỡng rễ cho đến khi chúng trải dài qua hai đầu đối diện của bờ sông.
Theo thời gian, các rễ trở nên quấn chặt vào nhau, khiến chúng đủ mạnh để chịu được trọng lượng cao. Cây cầu này có khả năng nâng được trọng lượng của hơn 50 người cùng một lúc.
Những cây cầu này vẫn duy trì sự sống. Chúng có thể mất mười đến mười lăm năm để đạt được hình dạng hoàn hảo và chúng dài hơn 100 feet. Khi rễ phát triển đầy đủ, chúng có thể tồn tại đến 500 năm.
Marienbruecke (Đức)
Cầu Marienbruecke là món quà sinh nhật từ Thái tử Maximilian II cho người bạn của mình, Marie. Cả hai thích cùng nhau leo núi và cây cầu đã mang đến cho cả hai tầm nhìn ngoạn mục ra lâu đài và hẻm núi bên dưới. Cây cầu gần đây đã được khôi phục, nhưng các thanh chắn ban đầu vẫn được sử dụng. Cây cầu cao nhưng nó khá ngắn và chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể đứng trên cây cầu chỉ để thưởng ngoạn quang cảnh của lâu đài.
Cầu Slaters (Anh)
Cây cầu này nằm ở Lake District (còn được gọi là Lakeland), công viên quốc gia nổi tiếng và lớn nhất nước Anh. Mỗi năm, hơn 15 triệu người đến khám phá các hồ, rừng và núi lớn nhất được tìm thấy ở điểm du lịch này. Cầu Slater có hai phần và được làm thủ công - nó bao gồm một phiến đá phiến dài bắc qua sông Brathay từ Little Langdale Tarn đến Elterwater. Năm 2017, nó đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Cầu Royal Gorge (Colorado)
Chỉ nhìn vào cây cầu này thôi cũng khiến chúng ta chóng mặt. Cầu Royal George là cây cầu treo cao nhất trên toàn nước Mỹ. Nó cao 955 feet trên Sông Arkansas và giữ danh hiệu cây cầu cao nhất Thế giới từ năm 1929 đến năm 2001. Bây giờ, cây cầu là một điểm thu hút khách du lịch và nằm trong Công viên và Cầu Royal Gorge. Đây là một công viên giải trí rộng 360 mẫu Anh, nơi những du khách thích khám phá có thể đi cáp treo để ngắm nhìn khung cảnh Colorado tuyệt đẹp.
Hạ Thảo (lược dịch)
(Còn tiếp phần 2)
Vì nguyên nhân tưởng chừng như đơn giản mà du khách có thể chết khi đến 4 quốc gia được coi như thiên đường nơi hạ giới này
Một số quốc gia xinh đẹp, là địa điểm du lịch lý tưởng. Nhưng du khách đến đây có thể chết vì nắng nóng.
Tại Tây Ban Nha, du khách sẽ phải trả phí để được cứu hộ tại bãi biển, vì lý do mà ở đâu cũng có thể gặp
Trong những năm gần đây, lực lượng cứu hộ San Sebastian ngày càng phải giải cứu những khách du lịch có ý định bơi dưới nước khi đang say.