Giải mã bí ẩn vụ nổ siêu khủng ở Siberia hơn 100 năm trước
Các nhà khoa học mới đưa ra giả thuyết hấp dẫn về thủ phạm gây ra vụ nổ siêu khủng ở Siberia hơn 100 năm trước.
Video: Kỳ lạ hành tinh có 2 Mặt Trời ngỡ chỉ có trong phim viễn tưởng
Hành tinh có 2 Mặt trời Kepler-16b có kích thước bằng sao Thổ, cách Trái Đất chỉ 200 năm ánh sáng và quay quanh hệ sao nhị phân trong 229 ngày.
Sáng ngày 30/6/1908, một vụ nổ kinh hoàng xảy ra ở rừng núi hẻo lánh ở Siberia, gần sông Podkamennaya Tunguska. Vụ nổ phá vỡ sự yên bình thường ngày ở khu vực rừng taiga dân cư thưa thớt, làm tan hoang, san phẳng 2.150 km2 diện tích rừng, quật đổ chừng 80 triệu thân cây.
Các nhân chứng mô tả đã trông thấy một quả cầu ánh sáng rực rỡ rơi xuống, một đợt sóng xung kích khiến cửa sổ, trần thạch cao của nhiều ngôi nhà cách hàng trăm dặm rơi vỡ.
Sự kiện Tunguska gây ra bởi một vụ nổ trên không của tiểu hành tinh hay sao chổi cách Trái Đất khoảng 5 - 10 km. Năng lượng của vụ nổ sau này được ước tính trong khoảng 10 đến 20 triệu tấn TNT, tương đương với Castle Bravo, Vũ khí hạt nhân mạnh nhất của Mỹ.
Theo tờ Sciencealert, sự kiện Tunguska được cho là vụ tác động lớn nhất từng được ghi chép lại trong lịch sử và chưa có lời giải thích thỏa đáng về nguyên nhân của vụ việc.
Đáng chú ý, người ta đã không tìm thấy bất cứ miệng hố va chạm nào tại hiện trường vụ việc. Mãi về sau, các cuộc tìm kiếm lớn nhỏ mở ra, các nhà khoa học mới phát hiện có các mảnh thiên thạch nhưng thủ phạm gây án vẫn là câu hỏi lớn.
Mới đây, nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học đại học Siberia cho kết quả giải thích một trong những vấn đề tồn tại lâu dài của thiên văn học - hiện tượng Tunguska.
Daniil Khrennikov, nhà thiên văn học, Đại học Siberia đã tiến hành nghiên cứu các điều kiện hoàn cảnh về tiểu hành tinh như đường kính từ 50-200 mét, ba vật liệu là sắt, đá, băng đá, đi qua vị trí cách Trái Đất khoảng 10-15 km.
Daniil Khrennikov cho biết: "Chúng tôi cho rằng sự kiện Tunguska là do một thiên thạch sắt xuyên qua bầu khí quyển của Trái Đất và sau đó tiếp tục quay lại quỹ đạo gần mặt trời".
Nhóm nghiên cứu đã mô hình hóa với thí nghiệm về cả ba thành phần tiểu hành tinh ở các kích cỡ khác nhau để xác định xem sự kiện như vậy có khả thi hay không.
Với tiểu hành tinh bằng băng đá, giả thuyết của các nhà nghiên cứu Nga vào những năm 1970, nhanh chóng bị loại bỏ.
Nhiệt lượng tạo ra do tốc độ cần thiết để có duy trì quỹ đạo sẽ làm tan chảy hoàn toàn khối băng trước khi tiểu hành tinh đó có thể gây ra vụ nổ.
Thông thường, thiên thạch sẽ phát nổ khi không khí xâm nhập vào tiểu hành tinh thông qua các vết nứt nhỏ trên bề mặt. Khối tiểu hành tinh bằng sắt ít có khả năng bị vỡ thành nhiều mảnh hơn so với chất liệu từ đá.
Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, thủ phạm khả năng cao là một thiên thạch sắt có kích thước khoảng 100 - 200 mét đã bay khoảng 3.000 km qua bầu khí quyển. Vận tốc ước tính không dưới 11,2 km/giây và không phát nổ dưới 11 km.
Mặc dù kết quả mới đưa ý tưởng hấp dẫn về thủ phạm là tiểu hành tinh sắt nhưng vẫn chưa giải quyết vấn đề hình thành sóng xung kích. Các nhà khoa học hi vọng mở ra những nghiên cứu mới trong tương lai.
Hoàng Dung (Lược dịch)