Chuyển hồ sơ vụ tài xế xe ô tô Camry say xỉn, dừng xe ngủ giữa đường cho đơn vị quân đội xử lý
Tài xế ghì cổ CSGT có dấu hiệu tố giác hình sự về tội "Chống người thi hành công vụ" nên cơ quan điều tra đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho đơn vị bên quân đội để xử lý theo thẩm quyền.
Chiều 22/3, trao đổi với PV Infonet - Trung tá Đinh Tuấn Thành – Trưởng Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ tài xế xe ô tô Camry say xỉn, dừng đỗ xe giữa đường để ngủ, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông trên địa bàn cho đơn vị quân đội để xử lý theo thẩm quyền.
Cơ quan công an làm việc với tài xế quân nhân. |
Theo Trung tá Thành, danh tính tài xế này là L.M.H. (SN 1973, ở Hà Nội; được xác định đang công tác tại một học viện của khối quân đội).
Ngoài ra, Trung tá Thành cũng cho biết thêm: "Do vụ việc có dấu hiệu tố giác hình sự về tội "Chống người thi hành công vụ" nên cơ quan điều tra đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho đơn vị bên quân đội để xử lý theo thẩm quyền. Sau nhiều giờ, cơ quan công an mới đo được nồng độ cồn của quân nhân H. là 0.15mg/lít khí thở".
Trước đó, vào chiều 21/3, Tổ công tác Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) được người đi đường báo tin có một ô tô Camry mang BKS 30E-864x đang dừng đỗ, không chịu di chuyển tại ngã tư Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển hướng Ngã Tư Sở. Lúc này, tài xế H. nằm ngủ trong xe, có biểu hiện say xỉn.
Một chiến sĩ CSGT đã có mặt tại hiện trường, yêu cầu tài xế H. di chuyển xe vào lề đường và xuất trình giấy tờ để kiểm tra. Khi mở cửa ô tô bước xuống, ông H. đã lao vào ghì cổ chiến sĩ CSGT, đồng thời tự xưng mình là quân nhân.
Ít phút sau, tổ công tác thuộc Đội CSGT số 7 đã đưa tài xế cùng phương tiện về trụ sở Công an phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) để xác minh nhân thân, xử lý theo quy định.
Cơ quan công an phối hợp với lực lượng kiểm soát quân sự để xử lý trường hợp tài xế Camry có biểu hiện say xỉn, xô xát với chiến sĩ CSGT vào chiều 21/3 (Ảnh: Thành Trung). |
Phân tích về vấn đề nêu trên, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VPLS Tinh Thông Luật, Hà Nội) cho biết: “Thời gian gần đây, tình hình chống người thi hành công vụ trên lĩnh vực giao thông trên phạm vi cả nước có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Phần lớn các vụ các vụ chống người thi hành công vụ xảy ra khi lực lượng thực thi hành nhiệm vụ kiên quyết ngăn chặn, xử lý vi phạm và truy bắt các đối tượng vi phạm pháp luật. Thực tế cho thấy, hành vi chống người thi hành công vụ của các đối tượng ngày càng manh động, trắng trợn, liều lĩnh, thậm chí quyết chống đối đến cùng.
Các đối tượng vi phạm không chỉ chống người thi hành công vụ để ngăn chặn việc xử lý mà đôi khi còn chủ động khiêu khích tấn công lại lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ, hành vi phạm tội thường rất côn đồ hung hãn, coi thường pháp luật. Đáng lưu ý một bộ phận người dân, thanh thiếu niên thậm chí những người có trình độ văn hóa cao cũng có thái độ thiếu tôn trọng, chống đối”.
Theo luật sư, căn cứ khoản a, khoản 3, Điều 20 Nghị định 167 năm 2013 thì phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ.
Còn tại điều 330 - Bộ luật hình sự quy định: tội chống người thi hành công vụ nêu rõ: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Cao nhất đối với tội danh trên là 07 năm tù.
Hải Ngọc