Chuyện hiểu lầm về các ngân hàng Việt, khách cũng lắc đầu khó đỡ
Tại Việt Nam, hiện có 49 ngân hàng, trong đó có 31 ngân hàng TMCP, 4 ngân hàng 100% vốn nhà nước, 2 ngân hàng chính sách, 2 ngân hàng liên doanh, 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 1 ngân hàng hợp tác xã.
Những lầm tưởng khó đỡ về các ngân hàng Việt, chuyện tưởng khó xảy ra nhưng thực tế diễn ra không ít (ảnh minh họa). |
Trong số đó, có không ít tên ngân hàng khi viết tắt lại khiến người ta tưởng nhầm sang ngân hàng khác. Điều này tưởng như khó có thể xảy ra nhưng lại là thực tế diễn ra không ít, gây chuyện cười ra nước mắt giữa khách nhầm và nhân viên ngân hàng.
Một tình huống khá hài hước được chị Bùi Thị Vân, nhân viên giao dịch Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chia sẻ, chị đã từng tiếp một nữ khách hàng mang sổ tiết kiệm đến đề nghị rút tiền. Khi nhận cuốn sổ tiết kiệm từ tay nữ khách hàng này, chị Vân phát hiện đây là cuốn sổ tiết kiệm được phát hành bởi OceanBank (Ngân hàng Đại Dương).
Vị khách nhầm tưởng OCB là tên viết tắt của OceanBank nên cứ một mực khẳng định mình đã đến đúng nơi cần đến.
"Ban đầu khi nhân viên giải thích, khách có phần hoảng hốt, có lẽ do nhầm tưởng bọn mình chối bỏ trách nhiệm. Nhưng sau khi được giải thích đây là hai ngân hàng khác nhau thì cô mới vui vẻ ra về”, chị Vân cho hay.
Sự nhầm lẫn cũng diễn ra tương tự giữa Ngân hàng SCB (tên viết tắt của Ngân hàng TMCP Sài Gòn) và ngân hàng Sacombank (tên viết tắt của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín). Theo chia sẻ của một giao dịch viên làm việc tại Sacombank, bản thân chị từng chứng kiến khách hàng của SCB nhưng lại lao nhầm vào Sacombank bởi nhầm tưởng SCB là tên viết tắt của Sacombank.
Thậm chí, sự nhầm lẫn còn diễn ra giữa một ngân hàng Việt và một ngân hàng 100% vốn nước ngoài, xuất phát từ cái tên SHB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội) và Ngân hàng Shinhan Bank (một ngân hàng 100% vốn của Hàn Quốc tại Việt Nam).
Tương tự, Public Bank – một ngân hàng 100% vốn của Malaysia cũng từng khiến cho khách hàng nhầm tưởng Ngân hàng Đại Chúng (PVComBank).
Tất nhiên, với sự đầu tư không nhỏ cho việc làm marketing, định vị thương hiệu của các ngân hàng, không dễ để dẫn đến sự nhầm lẫn, nhất là với những khách hàng trẻ.
Mặc dù vậy, theo chia sẻ của anh Nguyễn Mạnh Hà (SN 1979), trong một "rừng" ngân hàng hiện nay, đôi khi anh vẫn phải nhờ đến…. Google để xác định chính xác tên ngân hàng.
“Hai cái tên khiến tôi hay nhầm lẫn nhất là Ngân hàng Sài Gòn (SCB) và Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (SaigonBank, SGB). Nhiều khi chuyển tiền cho khách mà cứ phải xác định lại cho chính xác vì sợ nhầm”, anh Hà cho biết.
SeABank (Ngân hàng Đông Nam Á) có lẽ là ngân hàng hay bị nhầm sang các ngân hàng khác nhất, bởi từng có khách hàng nhầm sang Ngân hàng Đại Dương, thậm chí nhầm sang cả… Ngân hàng Đông Á.
Ngoài ra, còn một loạt những cái tên khác từng gây nhầm lẫn cho khách hàng như: GPBank (Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu) và PGBank (Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex); BaoVietBank và VietCapitalBank cũng dễ gây nhầm lẫn vì tên tiếng Việt của VietCapital là Bản Việt; VietBank và VietinBank;…
Theo cách đặt tên phổ biến của các ngân hàng Việt hiện nay, nhóm ngân hàng tên “Á” khá phổ biến gồm: Ngân hàng Á Châu (ACB), Việt Á, Đông Á, Nam Á, Bắc Á, Đông Nam Á. Trước năm 2013 còn có Ngân hàng Đại Á (DaiABank), sau đó ngân hàng này sáp nhập vào HDBank nên cái tên Đại Á cũng biến mất.
Nhóm ngân hàng tên "Việt" cũng khá phổ biến với: Việt Nam Thương Tín (VietBank), Bản Việt (VietCapitalBank), Bảo Việt (BaoVietBank), Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank); Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Công thương Việt Nam (VietinBank); Việt Á (VietABank);…
Nhóm ngân hàng có tên "Sài Gòn" gồm 4 cái tên: Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Sài Gòn (SCB), Sài Gòn Công Thương (SaigonBank), và Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Trước đó, thị trường từng chứng kiến cuộc sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) vào Sacombank; hợp nhất Ngân hàng Phương Tây (WesternBank) vào PVFC để tạo thành PVComBank như hiện nay. Qua đó xóa sổ hai ngân hàng Phương Nam và Phương Tây nên bản đồ ngân hàng Việt Nam hiện chỉ còn Ngân hàng Phương Đông (OCB) là có chữ “Phương”.
Ngân Giang
Sếp nhà băng "rung đùi" thu nghìn tỷ và nỗi ám ảnh của nhân viên
Hàng nghìn tỷ trao tay, ông lớn ngân hàng kiếm bộn từ các thương vụ bắt tay với bảo hiểm