Chuyên gia Nga: Trung Quốc cải cách quân sự quy mô chưa từng thấy
Đáp lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang chuẩn bị một “câu trả lời mạnh mẽ”.
Quân nhân Trung Quốc |
Hãng Ria Novosti trích dẫn bình luận của Chuyên gia Vasily Kashin đến từ Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga trên tờ Sputnik của Trung Quốc cho hay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các cơ quan mới được tái cơ cấu lại thuộc Quân ủy Trung ương tập trung vào việc đảm bảo thắng lợi cho Trung Quốc trong bất kỳ cuộc chiến nào.
Cuộc cải cách vừa qua của Quân ủy trung ương Trung Quốc là tiền lệ chưa từng có trong lịch sử quốc gia này.
Ông Kashin nhấn mạnh, bản chất của cuộc cải cách là xóa bỏ các cơ cấu và tổ chức lỗi thời trong quân đội Trung Quốc. “Nếu cải cách thành công, Trung Quốc sẽ thực hiện 1 hệ thống quản lý lực lượng vũ trang theo phương pháp hiện đại và khắc phục được những vấn đề về tổ chức đã tồn tại từ lâu đối với sự phát triển của quân đội Trung Quốc”, chuyên gia Nga nói.
Đồng thời ông cho biết thêm, việc cải cách có thể mất một thời gian dài, và xã hội cùng lực lượng vũ trang không phải lúc nào cũng tiếp nhận những thay đổi này một cách tích cực.
Đặc biệt, việc giải tán Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, những tổ chức được thành lập từ năm 1930, gần 2 thập kỷ trước khi Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa ra đời đã kéo theo sự thay đổi của toàn bộ lịch sử Trung Quốc hiện đại.
Theo chuyên gia Kashin, nguyên nhân chính giải tán Bộ Tổng tham mưu chủ yếu là do tổ chức này chủ yếu “hoạt động mặt đất”, không sẵn sàng thực hiện các hoạt động kết hợp khác. Bộ Tổng tham mưu có chức năng như một Bộ chỉ huy lực lượng mặt đất và kiểm soát các cơ quan tình báo. Dự kiến, trong khuôn khổ cải cách, một số cơ quan tình báo sẽ trực thuộc các đơn vị mới được thành lập.
Hệ thống các cơ quan thực thi pháp luật và tòa án của quân đội sẽ nằm dưới quyền kiểm soát của Ủy ban chính trị và pháp lý.
Ông Kashin nhấn mạnh, bất kỳ thay đổi căn bản nào về mặt cơ cấu đều gặp nhiều khó khăn, nhưng việc từ bỏ cải cách thì còn tốn chi phí nhiều hơn nữa.
“Trung Quốc gần đây đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm việc Mỹ gia tăng hoạt động ở Biển Đông. Tình hình xung quanh Đài Loan chưa rõ diễn biến thế nào. Cần phải đưa ra phản ứng thích hợp đối với những thách thức này. Nếu nhìn về cuộc cải cách quân sự quy mô lớn mà Trung Quốc đang tiến hành, có thể thấy Chủ tịch Tập Cận Bình đang chuẩn bị một “câu trả lời rất mạnh mẽ”.
Trước đó, Quân ủy trung ương Trung Quốc ngày 1/1/2016 đã thông báo quyết định thành lập thêm 3 lực lượng mới trong thành phần của Quân đội Trung Quốc. (đó là Lực lượng tên lửa, lực lượng hỗ trợ chiến lược và cơ quan chỉ huy tập đoàn quân). Đây là bước đi nằm trong chiến lược hiện đại hóa hệ thống quân sự Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc, đồng thời là Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 31/12/2015 đã trao lá cờ mới cho 3 lực lượng mới được thành lập này.
“Việc thành lập 3 lực lượng này có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình hiện thực hóa giấc mơ củng cố quân đội trong bối cảnh tình hình hiện nay. Đây là biện pháp mang tính chiến lược nhằm thiết lập hệ thống quân sự hiện đại có tính đến các đặc trưng riêng của Trung Quốc” – ông Tập Cận Bình tuyên bố.
Theo ông Tập Cận Bình, bước đi này trở thành bước ngoặt quan trọng trong quá trình hiện đại hóa hệ thống quân sự Trung Quốc.