Chuyên gia Nga tiết lộ công nghệ khủng của “bóng ma bầu trời” Su-57
RIA đưa tin, Giám đốc Văn phòng thiết kế Sukhoi, trưởng dự án thiết kế máy bay Su-57 Mikhail Strelets cho biết, máy bay chiến đấu Su-57 thế hệ thứ 5 của Nga hiện không có loại nào tương tự trên thế giới về danh mục vũ khí sử dụng.
Chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 của Nga Su-57. Ảnh: RIA. |
Theo ông Strelets tiết lộ: “Một yêu cầu quan trọng khác mà khách hàng đặt ra đối với máy bay của chúng tôi là tỷ lệ tải trọng vũ khí chiến đấu mà máy bay có khả năng mang theo so với trọng lượng của máy bay. Tỷ lệ này càng cao, thì chất lượng máy bay với vai trò là một phương tiện mang tải càng được đánh giá cao”.
Ông Strelets cho biết thêm, điều này cũng được áp dụng tương tự cho khối lượng, trọng lượng và danh mục vũ khí tác chiến được bố trí tại các khoang bên trong thân máy bay. Nếu tính về các chỉ số này thì trong tất cả các loại máy bay thế hệ thứ 5 trên thế giới không có loại nào tương tự như tiêm kích Su-57.
Ông Strelets cũng nhấn mạnh, yêu cầu đặc biệt cũng được đề ra đối với tổ hợp thiết bị trong khoang lái. “Sự khác biệt cơ bản của chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 là cấp độ tự động hóa hoàn toàn mới. Chiến đấu cơ Su-57 được trang bị tổ hợp thiết bị điều khiển máy bay mới về cơ bản thực hiện chức năng như một “phi công điện tử” trong tác chiến”, ông Strelets nhấn mạnh.
Mới đây, Tập đoàn sản xuất máy bay United States (UAC) của Nga tiết lộ với báo giới về sự ra đời của cái tên máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57.
Theo đó, “Su” được lấy từ nhà phát triển và nhà sản xuất - công ty Sukhoi. Số 57 cũng có ý nghĩa ẩn giấu của nó: 5 là thế hệ máy bay chiến đấu nội địa thứ năm và số 7 là số may mắn cho “người Sukhovites”.
Cũng có giả thiết cho rằng, số 7 có mối liên hệ với máy bay chiến đấu nội địa tốt nhất thế hệ thứ 4 trước đó là Su-27. Ngoài ra, dường như những dòng chiến đấu Sukhoi chủ lực của Nga luôn có cách định danh nhất định. Các loại chiến đấu cơ mạnh của họ đều kết thúc bằng số 7 và thường các con số cách nhau 10 đơn vị như Su-7, Su-17, Su-27, Su-37, Su-47 và giờ là Su-57.
Su-57 (còn gọi là PAK FA, tên thử nghiệm là T-50) là loại máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm của Nga được thiết kế để tiêu diệt tất cả các loại mục tiêu trên không, trên mặt nước và trên mặt đất. Máy bay bay lần đầu tiên năm 2010. Sự kết hợp giữa tính năng cơ động cao với khả năng thực hiện các chuyến bay siêu thanh, cũng như tổ hợp thiết bị điều khiển hiện đại và đặc điểm khó bị phát hiện mang lại cho Su-57 ưu thế vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh.
Tháng 6/2019, Bộ Quốc phòng Nga và Công ty Sukhoi đã ký hợp đồng, theo đó, 76 máy bay Su-57 đầu tiên sẽ được hoàn tất vào năm 2027, dự kiến trang bị cho 3 trung đoàn triển khai tại 3 khu vực chiến lược của Nga nằm ở phía tây bắc, tây nam và vùng Viễn Đông.
Theo các nguồn tin, ước tính Su-57 có giá từ 40-45 triệu USD/ chiếc và có thể được xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện tại, quá trình thử nghiệm máy bay đang tiếp tục, trong đó có kiểm tra chất lượng hoạt động của các hệ thống, cũng như chế độ hoạt động của động cơ giai đoạn hai. Bộ Quốc phòng Nga nhiều lần tuyên bố rằng Su-57 đã được thử nghiệm thành công ở Syria.
Chiếc máy bay đầu tiên trong số sản xuất hàng loạt lẽ ra được giao cho Bộ Quốc phòng vào cuối tháng 12/2019, đã bị rơi gần Khabarovsk (Viễn Đông) trong chuyến bay thử nghiệm ngày 24/12. Truyền thông Nga đưa tin, khi máy bay bay ở độ cao 8.000 m thì hệ thống kiểm soát gặp trục trặc. Chiếc Su-57 sau đó lao xuống đất theo đường xoắn ốc, phi công cố kiểm soát nhưng bất thành nên quyết định nhảy dù thoát ra ở độ cao 2.000 m.
Su-57 có chiều dài 19,8 m, sải cánh 13,95 m, cao 4,74 m, trọng lượng rỗng 18 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 35 tấn, tải trọng nhiên liệu 10,3 tấn, tải trọng vũ khí 8 tấn; có thể đạt tốc độ tối đa Mach 2, bay siêu hành trình Mach 1,6, tầm bay cực đại tốc độ siêu âm 1.500 km và 4.500 km khi mang tối đa nhiên liệu trong - ngoài; trần bay 20 km.
Su-57 có khả năng mang theo một tải trọng vũ khí lớn gồm 14 loại “không đối không” và “không đối đất”, trong đó có 10 tên lửa không đối không - là các mẫu mới tiên tiến nhất như tên lửa tầm xa siêu vượt âm R-37M (tốc độ trên Mach 5, được ra đời để trang bị cho tiêm kích đánh chặn MiG-31BM và Su-57) và K-77.