Chuyên gia Mỹ: Triều Tiên làm giả video phóng tên lửa quá thô sơ
Dưới đây là nội dung của phỏng vấn của VOA với bà Melissa Hanham và bà Catherine Dill, hai nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân James Martin tại bang California (Mỹ).
Ảnh chụp đoạn phim Triều Tiên công bố về cuộc phóng thử nghiệm diễn ra vào ngày 8/1. |
VOA: “Cả hai người đang phân tích một cuộc phóng thử nghiệm tên lửa mà Triều Tiên mới tiến hành ngày 8/1. Liệu bà có thể cho biết tuyên bố của Triều Tiên là gì và kết quả thực sự ra sao?”.
Hanham: “Vào ngày 8/1, hãng thông tấn KCTV của Triều Tiên đã đăng tải những đoạn phim ghi lại cảnh phóng thử nghiệm một tên lửa đạn đạo tầm ngắn, được trang bị trên các tàu ngầm. Những đoạn phim này có thời lượng ngắn và được biên tập lại để tạo cảm giác rằng kết quả đạt được rất tốt. Tuy nhiên, bà Dill đã nghiên cứu kỹ càng mỗi khung hình của đoạn phim và chúng tôi khẳng định rằng, phần lớn các đoạn phim đều được chỉnh sửa và nó được làm để che giấu sự thật, rằng tên lửa thử nghiệm đã bốc cháy sau khi phóng đi và đâm xuống mặt đất”.
VOA: “Làm thế nào mà hai người tin rằng tên lửa đã bốc cháy trên không trung?”
Dill: “Có hai đoạn phim ngắn cho thấy điều này, tuy nhiên mắt thường rất khó phát hiện do sự việc xảy ra quá nhanh. Nhưng khi chúng tôi làm chậm đoạn phim lại, chúng tôi phát hiện ra nhiều mảnh vỡ tên lửa ở xung quanh”.
Hanham: “Đồng nghiệp của chúng tôi đã tiến hành phân tích địa điểm nơi diễn ra cuộc thử nghiệm. Trong báo cáo kết luận sắp tới, đầu tiên chúng tôi sẽ cho chạy đoạn phim gốc. Sau đó, bà Dill sẽ nêu ra những phát hiện và phân tích của mình qua nhiều khung hình khác nhau, cho thấy hiện tượng bốc cháy của tên lửa cũng như những mảnh vỡ nhỏ. Đồng thời, chúng tôi cũng cung cấp đoạn phim mà họ từng làm trong năm 2014, qua đó cho thấy Triều Tiên đang sử dụng lại những tư liệu đã có. Đồng thời, chúng tôi sẽ làm phép so sánh với một đoạn phim quay lại hoạt động thử nghiệm của Liên Xô để chứng tỏ rằng tên lửa Triều Tiên hoạt động không ổn định”.
Dill: “Cách làm của họ rất thô sơ và hoàn toàn có thể làm được bằng một phần mềm dựng phim đơn giản”.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin từ Voice of America (Đài tiếng nói Hoa Kỳ), dịch vụ truyền thông đối ngoại chính thức của chính phủ Mỹ. Cùng với BBC, Voice of America là một trong các đài nổi tiếng nhất về phát thanh quốc tế.