Chuyên gia 'mách nước' sinh viên cách tìm phòng trọ giá rẻ lại an toàn
Ký túc xá là lựa chọn đầu tiên
Trao đổi với Infonet, TS Cấn Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng sinh viên phải cẩn trọng khi tìm và thuê phòng trọ.
Trước trường hợp sinh viên đi thuê nhà trọ không may gặp phải hàng xóm là những dân “anh chị” ngủ ngày cày đêm, TS Cấn Anh Tuấn cho biết: “Với những sinh viên ở tỉnh lẻ lên thành phố học phải thuê nhà trọ, tôi có lời khuyên cho các em là nên qua phòng công tác chính trị học sinh sinh viên để nhờ chính các thầy cô ở trường tư vấn tìm nhà trọ. Tôi tin trường nào cũng sẽ có những bộ phận hỗ trợ kịp thời cho các em”.
Với sinh viên tự đi tìm phòng trọ, TS Cấn Anh Tuấn khuyên các em cần tìm hiểu hàng xóm, đừng vội vàng quyết định chọn nhà trọ trước khi tìm hiểu an ninh, an toàn môi trường sống.
“Môi trường sống có quyết định quan trọng, sinh viên ngoài học ở ghế giảng đường thì còn học qua chính môi trường mình sống nên cần tìm hiểu kỹ nhà trọ trước khi quyết định thuê lâu dài và ký hợp đồng với chủ nhà trọ.
Với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tôi khuyên các em nên ở ký túc xá vừa an toàn lại không quá tốn kém và phát sinh rủi ro trong quá trình học tập”, TS Cấn Anh Tuấn nói.
TS Cấn Anh Tuấn cho biết thêm, hiện nay, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có trách nhiệm bố trí chỗ ở cho sinh viên trong ký túc xá, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sinh viên đến ở khi các em có nhu cầu. Nhiều năm nay trường không tăng tiền ký túc xá ở tất cả các loại phòng khác nhau với mong muốn hỗ trợ và chia sẻ những khó khăn cho sinh viên.
"ĐH Kinh tế Quốc dân có hơn 2.000 chỗ ở cho sinh viên. Cho đến hôm nay chưa trường hợp nào có nhu cầu mà bị từ chối ở ký túc xá”, TS Cấn Anh Tuấn khẳng định.
'Cẩm nang' khi tìm phòng trọ giá rẻ
Cô Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó Giám đốc Trung tâm trải nghiệm - Việc làm sinh viên (Trường Đại học Gia Định) cũng đưa ra một số lời khuyên cho sinh viên trong việc tìm phòng trọ.
Theo đó, khi chọn phòng trọ, sinh viên cần xem xét kỹ tất cả điều khoản trong hợp đồng thuê, kể cả việc tăng giá thuê theo lộ trình, quy định sửa chữa, trang trí trong phòng, quy định tiền cọc, thời gian thuê và thoả thuận nếu trả phòng.
Ngoài giá phòng và tiền đặt cọc, sinh viên cần hỏi thật kỹ những chi phí phát sinh khác như bảo vệ, điện, nước, Internet, giữ xe, đổ rác… trước khi đưa ra quyết định thuê nhà.
Với những phòng trọ có sẵn các trang thiết bị như máy giặt, máy lạnh, tủ lạnh, điều hoà, tủ quần áo, bàn ghế… sinh viên đều phải kiểm tra thật kỹ càng khi nhận phòng, hiện trạng sử dụng và có biên bản bàn giao thiết bị.
Cùng với đó, sinh viên cần để ý môi trường khu trọ cần an toàn và yên tĩnh. Các bạn sinh viên nên đi xem phòng vào ban ngày, đi chung với bạn bè hoặc người thân, không nên đi một mình. Ngoài việc quan sát xem chất lượng nội thất trong phòng như thế nào, đường nước có mạnh, thuận tiện hay không thì cửa sổ và khóa cũng phải chắc chắn, xem xét khu vực đó an ninh có an toàn hay không và cần tránh những nơi ồn ào.
Khi tìm phòng, sinh viên cũng cần cẩn thận với quảng cáo giá rẻ bởi có thể sẽ bị lừa tiền cọc, chất lượng phòng quá thấp hoặc giá phòng thì rẻ nhưng giá dịch vụ đi kèm lại quá cao.
Nhiều chuyên gia khác còn cho rằng, hiện nay số lượng sinh viên và người lao động chuyển đến Hà Nội, TP.HCM ngày càng tăng. Nguồn cung nhà ở cho thuê hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu đa dạng của hàng triệu người có nhu cầu. Do đó, trước mắt cần có nhiều biện pháp hỗ trợ nhằm tăng số lượng nhà ở dịch vụ, phòng trọ, ký túc xá… cho người lao động, sinh viên.
Giải pháp xa hơn vẫn là di dời các trường đại học, cao đẳng, cơ sở sản xuất... ra ngoại thành để giảm mật độ dân số khu vực nội đô. Từ đó, đảm bảo cho sinh viên có được điều kiện ăn ở tốt với giá cả phải chăng trong thời gian học tập.
Hoàng Thanh