Chuyên gia lưu ý sau ca nhiễm biến thể Omicron cộng đồng đầu tiên ở Hà Nội
Hà Nội đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron cộng đồng đầu tiên, liệu có nguy cơ lây lan ra cộng đồng?
Theo báo cáo của Sở Y tế, trong ngày 27/1, Hà Nội ghi nhận 2.907 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại 422 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã, trong đó có 679 ca cộng đồng và 2.228 ca đã được cách ly.
Hiện Thành phố có 70.837 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly. Ngày 27/1, Thành phố có 23 người tử vong, nâng tổng số người tử vong do Covid-19 từ ngày 29/4/2021 đến nay là 560 trường hợp.
Đáng lưu ý, tại phiên họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội diễn ra vào ngày 26/1, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, thành phố đã ghi nhận 14 ca nhiễm biến chủng Omicron, gồm 13 trường hợp nhập cảnh và 1 người ngoài cộng đồng (tiếp xúc với 13 người nhập cảnh trên).
Ảnh minh hoạ. |
Hiện ca bệnh này đã được thông báo khỏi bệnh. Tuy nhiên, PGĐ Sở Y tế Hà Nội cảnh báo, thành phố đã có ca nhiễm Omicron và hoàn toàn có thể có nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Trước ý kiến này, nhiều người lo ngại chủng mới có thể bùng phát và tấn công.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, việc Hà Nội ghi nhận ca Omicron cộng đồng nằm trong kịch bản đã được dự báo.
Lý do là bởi, khi Việt Nam mở cửa với thế giới trở lại thì việc Omicron tràn vào và lây lan là điều không thể tránh khỏi. Ngay tại một số nước, Omicron hiện cũng đã trở thành chủng lưu hành chủ đạo.
Do đó, người dân không nên lo lắng quá việc Omicron có thể lây lan ra cộng đồng, bởi các nghiên cứu bước đầu chỉ ra rằng, đây là một chủng dù có khả năng lây lan nhanh nhưng triệu chứng lâm sàng nhẹ.
“Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ vắc xin Covid-19 ở Hà Nội rất cao, nhiều người cũng đã được tiêm bổ sung mũi 3”, PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, Hà Nội cần chú trọng xây dựng các biện pháp dự phòng trong trường hợp biến thể Omicron lây lan ra cộng đồng, khiến số ca bệnh tăng nhanh trong một thời gian ngắn.
Theo đó, Hà Nội cần chú trọng các biện pháp dự phòng, khuyến cáo người dân thực hiện 5K, hạn chế tụ tập trong dịp Tết. Mục tiêu là không được để dịch bùng phát mạnh, vượt quá khả năng đáp ứng của lực lượng y tế.
Cũng theo PGS Phu, thành phố cần có phương án tăng cường năng lực điều trị, đặc biệt là trong công tác quản lý, chăm sóc các F0 điều trị tại nhà.
"Nếu F0 điều trị tại nhà vẫn đang gặp khó khăn khi liên hệ với cán bộ y tế thì cần sớm tăng cường năng lực cho lực lượng giám sát, chăm sóc F0 điều trị tại nhà.
Làm sao để lực lượng y tế có thể tiếp cận với người bệnh kịp thời để tư vấn, hướng dẫn cách theo dõi, điều trị cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, việc kịp thời phát hiện bệnh nhân chuyển độ để đưa đi nhập viện cũng cực kì quan trọng", PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Theo ông, các F0 thường có tâm lý hoang mang, lo lắng nên việc có thể tiếp cận y tế kịp thời còn giúp giải tỏa lo lắng và vấn đề tư tưởng của bệnh nhân, giúp bệnh nhân an tâm điều trị.
Nhằm chủ động phòng chống dịch trong đó có việc ứng phó với chủng mới Omicron, Sở Y tế Hà Nội cũng đã ban hành công văn về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu lãnh đạo các đơn vị y tế trực thuộc nghiêm túc triển khai thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh và đáp ứng công tác y tế.
Đồng thời chú trọng công tác phòng, chống dịch tại các khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, các thời điểm người dân di chuyển về quê đón tết và quay trở lại Thành phố; quản lý, giám sát chặt các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm biến chủng mới (Omicron và các chủng mới khác), kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch để ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng đối với các chuỗi lây nhiễm này.
N. Huyền
Khỏi Covid-19 bao lâu nên mang thai?
Vợ tôi lại mới nhiễm Covid-19 có uống nhiều kháng sinh và thuốc kháng virus,, liệu việc này có ảnh hưởng đến kế hoạch ra Tết chúng tôi thụ thai?