Chuyên gia dự báo gì khi Hà Nội cho phép nhà hàng, quán ăn, cà phê được phục vụ tại chỗ
“Người dân sẽ đến nhà hàng, quán ăn, quán cà phê đông sau khi Hà Nội cho phép mở cửa phục vụ khách tại chỗ, do đó nguy cơ có thể tăng trong thời gian tới”.
Nhà hàng, quán ăn, cà phê được phục vụ tại chỗ, khách hàng cần lưu ý gì để an toàn? (ảnh minh hoạ) |
Đây là dự báo của PGS. TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội với phóng viên Infonet vào sáng nay 14/10.
Ý thức của mỗi người dân phải được nâng cao
Từ 6h sáng hôm nay 14/10, Hà Nội cho phép một loạt các dịch vụ được hoạt động trở lại: hàng ăn, quán cà phê được mở bán tại chỗ, hàng không, tàu hoả, xe buýt, xe taxi được đón khách trở lại; cơ quan công sở trở lại làm việc bình thường.
Dự báo người dân sẽ đến nhà hàng, quán ăn, quán cà phê đông trong những ngày tới đây PGS. TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng “ngay chiều qua đường Hà Nội đã tắc rồi, do đó nguy cơ ca mắc Covid-19 có thể tăng trong thời gian tới”.
“Đây là những nguy cơ có thể làm xuất hiện dịch trở lại. Tuy nhiên, theo tiêu chí sống an toàn với Covid-19 đòi hỏi mỗi người dân phải tự nâng cao ý thức. Mỗi người phải tự lo bảo vệ sức khoẻ cho bản thân mình, đó cũng là cách bảo vệ cho gia đình, người thân của bạn bằng cách thực hiện nghiêm các biện pháp 5K: khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn, khai báo y tế…
Cuộc sống không thể trở về như khi chưa có dịch. Do đó, một loạt những thói quen từ khi dịch chưa xuất hiện cần phải được thay đổi. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc khai báo y tế, sẽ giúp lực lượng chức năng có thể truy vết, kiểm soát khi xuất hiện ca bệnh”, PGS. TS Việt Hùng cho hay.
Tăng cường giám sát, xử phạt hành vi vi phạm
Song song với đó, PGS. TS Việt Hùng cũng cho rằng các chủ cửa hàng ăn, quán cà phê cũng phải bố trí các điều kiện để người dân thực hiện giãn cách như bàn ghế chỗ ngồi đến lượng người ra vào.
“Chủ quán phải có trách nhiệm nhắc nhở với những khách hàng không tuân thủ các biện pháp phòng dịch, trong đó cần lưu ý đến việc đảm bảo giữ khoảng cách. Anh nào không thực hiện đúng cũng phải có các biện pháp để xử lý, chứ không thể như trước đây được.
Các chủ cửa hàng, cửa hiệu cũng phải có trách nhiệm. Các cơ quan chính quyền phải tăng cường kiểm tra, giám sát nếu xảy ra vi phạm phải xử lý nghiêm những cửa hàng cửa hiệu đó”, PGS. TS Việt Hùng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cũng lưu ý, đối với những người khi có biểu hiện mắc bệnh phải thông báo sớm để được lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện. Đặc biệt những người đi từ vùng dịch cấp độ 3, 4 theo quy định mới cần tuân thủ các quy định hiện hành trong đó đặc biệt lưu ý đến việc khai báo y tế.
“Mỗi cá nhân nên nâng cao ý thức trách nhiệm nhằm đảm bảo cuộc sống an toàn. Trong trường hợp không tuân thủ để lây lan dịch thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, một lần nữa PGS. TS Việt Hùng nhấn mạnh.
Trước đó vào chiều muộn ngày 13/10, UBND TP Hà Nội đã ban hành công điện về việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố trong tình hình mới.
Theo đó, một số hoạt động trên địa bàn Thành phố được điều chỉnh, có hiệu lực từ 6h ngày 14/10/2021.
Trong đó, công điện nêu rõ nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% chỗ ngồi và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn, chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm 02 mũi vắc xin phòng Covid-19; yêu cầu khách hàng thực hiện quét mã QR.
Công điện cũng nêu rõ, các hoạt động và cơ sở kinh doanh phải đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện nghiêm 5K, cài đặt và quét mã QR theo quy định của Bộ Y tế và Thành phố gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ và các cá nhân tham gia.
Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương cần tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế và điều trị trên địa bàn.Tăng cường khả năng thu dung, điều trị và chăm sóc người mắc Covid-19:
Xây dựng kế hoạch thu dung, chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19 (F0), đặc biệt kế hoạch bảo đảm đáp ứng về giường ICU. Cập nhật số liệu và quản lý phần mềm báo cáo các cơ sở thu dung, điều trị F0.
Các địa phương cũng cần có kế hoạch bảo đảm khi có dịch xảy ra: các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên có hệ thống cung cấp ô xy hóa lỏng, khí nén; các trạm y tế xã, phường, thị trấn bảo đảm cung cấp ô xy y tế; có kế hoạch tổ chức các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng, tổ chức quản lý F0 tại nhà.
Đối với việc tổ chức các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời tại các địa bàn có dịch cấp độ 2, 3, 4: các địa phương quyết định tăng số lượng người tham gia hoặc công suất hoạt động trong trường hợp 100% người tham gia đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 hoặc có kết quả xét nghiệm SARS-COV-2 âm tính.
N. Huyền