Chuyên gia đánh giá triển vọng quan hệ Nga - Nhật thời hậu Shinzo Abe
Với sự xuất hiện của tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, khó có thể mong đợi sự hồi phục trong quan hệ giữa Tokyo và Moscow, trong khi cựu Thủ tướng Shinzo Abe có thể vẫn là người đứng đầu chính sách đối ngoại của Nhật Bản.
Nhận định trên của nhà Đông phương học nổi tiếng, chuyên gia hàng đầu của Viện Mỹ và Canada thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cựu Đại sứ Nga tại Nhật Bản Alexander Panov chia sẻ với hãng tin RIA hôm 14/9.
Thủ tướng Shinzo Abe và tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. (Ảnh: Reuters) |
Mới đây, ông Yoshihide Suga 71 tuổi, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã được bầu làm lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản, người sẽ sớm trở thành thủ tướng của đất nước. Ông Suga giành được 377 phiếu bầu, các đối thủ của ông cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida lần lượt nhận được 68 và 89 phiếu. Ông Suga cho biết, ông có ý định “kế thừa và phát triển đường lối chính trị của người tiền nhiệm Shinzo Abe”.
Chính sách đối ngoại
Ông Panov nhận định: “Về chính sách đối ngoại, các nhà phân tích Nhật Bản cũng tin rằng dù ông Abe từ chức, nhưng ông sẽ vẫn là một người đứng đầu chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Bởi vì hiện nay ông Abe có quan hệ ‘thân thiết’ với Tổng thống Mỹ Donald Trump, và ông cũng đã thiết lập quan hệ song phương với Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, cũng như có quan hệ gắn kết với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tất nhiên, đây là ‘nguồn vốn’ mà ông Suga sẽ cố gắng sử dụng. Nhưng ông Suga vẫn phải giải quyết tất cả các vấn đề chính sách đối ngoại và ông Abe được cho là sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo của các nước khác, đồng thời cũng vẫn sẽ là cơ quan ngôn luận trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản”.
Cựu Đại sứ Nga tại Nhật Bản lưu ý, nếu ông Abe tiếp tục lãnh đạo chính sách đối ngoại thì có thể kỳ vọng rằng sẽ không có sự thoái lui trong quan hệ của Nga với Nhật Bản”. Theo ông Panov, quan hệ giữa Tokyo và Moscow hiện đang ở trạng thái khá triển vọng và tốt đẹp.
“Ông Suga không có điều kiện nghiên cứu sâu về chính sách đối ngoại, và khi ông Abe làm thủ tướng, ông ấy đã hoàn toàn kiểm soát chính sách đối ngoại”, ông Panov cho biết.
“Tất nhiên, tân Thủ tướng Nhật Bản đối với các vấn đề nội bộ, bản thân ông ấy nói rằng ông sẽ tham gia vào tất cả các quyết định liên quan đến chính sách đối nội. Đồng thời, sẽ tiếp tục con đường kinh tế mà ông Abe đang theo đuổi”, ông Panov cho biết thêm.
Hiệp ước hòa bình với Nga
Theo ông Panov, dưới thời Thủ tướng Abe có sự quan tâm lớn đến việc phát triển quan hệ với Moscow, và tôi hy vọng rằng việc này vẫn sẽ được tiếp tục. Liên quan đến hiệp ước hòa bình giữa hai nước, cựu Đại sứ Nga tại Nhật Bản cho rằng, rất khó để nói về số phận của hiệp ước, vì hầu như không có thông tin về tiến độ từ Moscow và Tokyo.
“Câu hỏi về một hiệp ước hòa bình vẫn còn tồn tại, rất khó để nói ở đây, vì thực tế không có thông tin nào về cuộc đàm phán đang diễn ra. Không bên nào tiết lộ cụ thể lập trường của mình. Có thể giả định rằng sự ‘khác biệt’ vẫn còn. Một thủ tướng mới lên nắm quyền sẽ có nhiều điều cần làm rõ ràng hơn về việc này”, ông Panov nói thêm.
Trong khi đó, chuyên gia của Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga (RIAC), nhà nghiên cứu Đông phương học, Giáo sư thuộc trường Đại học Quốc gia Quan hệ Quốc tế Moscow (MGIMO) ông Dmitry Streltsov cho rằng, với sự xuất hiện của tân Thủ tướng Yoshihide Suga, một mặt, Nhật Bản sẽ cố gắng không làm xấu đi mối quan hệ với Nga trong bối cảnh bất ổn địa chính trị trong khu vực và mặt khác củng cố lập trường đối với một hiệp ước hòa bình.
“Về cơ bản sẽ không có gì thay đổi trong chính sách đối ngoại, vì ông Suga là người ủng hộ quan điểm của Thủ tướng Abe và là một trong những cộng sự thân cận nhất của ông. Theo đó, không nên mong đợi những bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Nga-Nhật”, ông Streltsov nói.
Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đứng trước việc phục hồi quan hệ giữa Tokyo và Moscow. (Ảnh: RIA) |
Nhưng mặt khác, theo ông Streltsov, hiện nay một cuộc khủng hoảng nhất định đã chín muồi trong quan hệ Nga-Nhật gắn liền với sự đình trệ trong các cuộc đàm phán về hiệp ước hòa bình và một số sự không chắc chắn trong vấn đề này về triển vọng quan hệ giữa hai nước.
“Điều quan trọng đối với tân Thủ tướng Suga sẽ là vạch ra hướng quan hệ giữa hai nước. Nhật Bản đang ở giữa hai ngọn lửa: một bên là nhu cầu phát triển và củng cố quan hệ với Nga trong bối cảnh bất ổn địa chính trị trong khu vực, cũng như các vấn đề an ninh liên quan đến Triều Tiên, mặt khác, là cuộc khủng hoảng trong các cuộc đàm phán về hiệp ước hòa bình, thực tế là có những thất vọng nhất định trong dư luận Nhật Bản trước chính sách của ông Abe đối với Moscow”, chuyên gia Streltsov nhấn mạnh.
Theo ông Streltsov, điều này sẽ buộc ban lãnh đạo mới của Nhật Bản phải cứng rắn hơn đối với hiệp ước hòa bình. “Có lẽ đối thoại chính trị sẽ không còn căng thẳng như dưới thời ông Abe nữa. Trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản, ‘cuộc sống chung’ với Nga trước hết là vấn đề ký kết của một hiệp ước hòa bình”, ông Streltsov kết luận.
Duma Quốc gia Nga đánh giá triển vọng quan hệ Nga-Nhật
Thành viên của Ủy ban Duma Quốc gia (Hạ viện) về các vấn đề quốc tế Elena Panina nhận định, các nhà lãnh đạo mới luôn là những cơ hội mới và nếu tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga theo đuổi chính sách đối ngoại cân bằng và đa chiều, thì có lẽ những triển vọng mới sẽ xuất hiện trong sự phát triển quan hệ giữa Moscow và Tokyo.
“Tokyo phải nhận ra rằng ‘cấu tạo’ địa chính trị và kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã thay đổi trong những năm gần đây. Các cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc đang tiếp tục trên đà phát triển, trong khi việc duy trì tình trạng hiện tại được đặc trưng bởi một mức độ thận trọng nhất định”, bà Panina cho biết.
Bà Panina nhấn mạnh rằng “lợi ích của Nhật Bản là tìm kiếm các hình thức đối thoại mới với Nga, không bị áp lực quán tính của cái gọi là vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo”.
Ngoài ra, theo bà Panina, “mặc dù Nhật Bản là một nước cộng hòa nghị viện và việc bầu thủ tướng thể hiện sự thỏa hiệp phức tạp giữa các nhóm chính trị và doanh nghiệp có ảnh hưởng, việc người đứng đầu chính phủ mới có phong cách riêng vẫn thường xảy ra trong chính trị”.
“Nếu ông Suga nỗ lực đáp ứng các yêu cầu của thời đại, theo đuổi một chính sách đối ngoại cân bằng và đa chiều, thì có lẽ những triển vọng mới sẽ xuất hiện trong sự phát triển của quan hệ song phương Nga-Nhật”, bà Panina nhấn mạnh.
Trước đó, quan hệ giữa Tokyo và Moscow lâu nay vẫn căng thẳng trong bối cảnh hai nước chưa ký hiệp ước hòa bình sau khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc. Trở ngại chính là do tranh chấp chủ quyền biển đảo. Tháng 11/2018, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng nhất trí tăng cường các nỗ lực nhằm giải quyết tranh chấp dựa trên Tuyên bố chung năm 1956 giữa Nhật Bản và Liên Xô trước đây.
Chân dung tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga
Hôm 14/9, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga 71 tuổi, đã chiến thắng trong cuộc bầu cử để trở thành lãnh đạo đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP).
Thanh Bình (lược dịch)