Chuyên gia chỉ ra thời kỳ khó khăn của NATO sau 72 năm thành lập
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có ảnh hưởng nhất trên thế giới trong 30 năm qua đã không ngừng tìm kiếm các mục tiêu chiến lược lớn.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin RIA, các chuyên gia nhận định NATO kỷ niệm 72 năm kể từ khi thành lập (4/4/1949 – 4/4/2021) đang trải qua thời kỳ khó khăn và đối mặt với những mâu thuẫn nội bộ, cũng như thành tựu trong suốt thời gian tồn tại của liên minh, không có cuộc chiến nào xảy ra giữa các nước trong khối.
Theo ông Pavel Kanevsky, Phó Giáo sư Khoa Khoa học Chính trị và Xã hội học về các Tiến trình Chính trị tại Khoa Xã hội học của Đại học Tổng hợp Moscow, NATO đang trải qua thời kỳ khó khăn.
Ông Kanevsky nhận định, NATO liên minh quân sự có ảnh hưởng nhất trên thế giới trong 30 năm qua đã không ngừng tìm kiếm các mục tiêu chiến lược lớn. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO đã trở thành một “công cụ” quan trọng để hội nhập xuyên Đại Tây Dương và châu Âu.
Thời kỳ khó khăn của NATO sau 72 năm thành lập. (Ảnh: Reuters) |
Phó Giáo sư người Nga cho biết thêm, có nhiều loại nhà nước khác nhau trong khối đánh giá bản chất và tương lai của liên minh cũng như các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương theo những cách khác nhau. Ví dụ, đối với nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump là một phép thử lớn đối với NATO, khi ông Trump liên tục đặt câu hỏi về các nguyên tắc cơ bản của liên minh.
“Mặc dù những tín hiệu đầu tiên cho thấy châu Âu không là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ đến từ chính quyền Barack Obama. Do đó, các nước Liên minh châu Âu (EU) ngày càng nói nhiều về quyền tự chủ chiến lược, nhưng ở đây cũng không có sự thống nhất”, chuyên gia Nga nhấn mạnh.
Cũng theo ông Kanevsky, các nước Baltic và Đông Âu muốn tối đa hóa sự tham gia của Mỹ vào các hoạt động của NATO, trong khi các thành viên cũ dẫn đầu là Đức và Pháp, ủng hộ một mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương thực dụng và thận trọng hơn.
Ngoài ra, ông Kanevsky cho rằng, vấn đề mấu chốt trong quan hệ giữa NATO và Nga là họ chưa bao giờ học cách hiểu ý định thực sự của nhau. “Đây là một tình huống tiến thoái lưỡng nan về an ninh cổ điển, cuối cùng dẫn đến sự ngờ vực lẫn nhau với những lời hùng biện gây hấn và phô trương vũ lực”, ông Kanevsky giải thích.
Ông Kanevsky nhận định, Đông Âu vẫn là chìa khóa để hiểu được sự ngờ vực của Nga và NATO. Moscow luôn coi việc mở rộng sang phía đông là một mối đe dọa, nhưng đồng thời nó không bao giờ có thể thay đổi xu hướng chống Nga ban đầu của giới tinh hoa Đông Âu, những người đã thúc đẩy nhu cầu gia nhập NATO theo nhiều cách như một mối đe dọa tiềm tàng từ người Nga.
“Không có gì ngạc nhiên khi chính các quốc gia Đông Âu ngày nay quyết định thái độ của liên minh đối với Nga”, Phó Giáo sư người Nga nói.
Bình luận về quan hệ Nga - NATO. Nhà khoa học chính trị cho hay, tình hình quan hệ giữa Nga và NATO đã đi vào bế tắc. Theo ông Kanevsky, đây là nguyên nhân quan trọng, nếu không muốn nói là chủ chốt dẫn đến khủng hoảng trong quan hệ với Mỹ và căng thẳng ngày càng gia tăng với EU.
“Ngày nay, nhiệm vụ chính là bảo tồn các kênh liên lạc và ngăn chặn sự cố tại các điểm tiếp xúc. Tuy nhiên, sẽ không thể thay đổi luận điệu thù địch nếu không có cử chỉ chính trị từ cả hai phía”, chuyên gia Nga nêu rõ.
Trước đó, hôm 31/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, NATO từ chối thảo luận về các biện pháp xây dựng lòng tin quân sự ở châu Âu.
“Các thành viên NATO thậm chí khước từ ngay cả việc thảo luận về các biện pháp xây dựng lòng tin quân sự mà Nga đã đề xuất. Trong đó có đề xuất về việc rút các cuộc tập trận khỏi tuyến tiếp giáp để thống nhất về khoảng cách di chuyển tối đa của máy bay”, ông Lavrov phát biểu tại phiên họp của Câu lạc bộ Valdai.
Ông Lavrov nhắc lại một lần nữa rằng Nga không từ chối làm việc trong hội đồng Nga - NATO.
Đức và Pháp lên tiếng về số vụ vi phạm lệnh ngừng bắn gia tăng ở Donbass
Bộ Ngoại giao của Đức và Pháp cho biết trong một tuyên bố, các nước này lo ngại về số lượng ngày càng tăng các vụ vi phạm lệnh ngừng bắn ở Donbass, và họ kêu gọi các bên ngừng leo thang ngay lập tức.
Thanh Bình (lược dịch)