Chuyện chưa kể đằng sau cánh cổng nhà máy: Ám ảnh phòng trọ
Sau một ngày dài làm việc quần quật, tôi trở về phòng trọ mới thuê cách công ty 2km. Tôi mất ngủ cả đêm vì sự lạnh lẽo, trăn trở mãi về hình ảnh nữ công nhân cùng xóm u mọc kín người đứng ẵm con gái bé nhỏ...
Dãy trọ tôi tìm được nằm sâu trong thôn Bầu, cách công ty tôi làm việc khoảng 2km. |
Dãy nhà trọ giá rẻ
Sau khi xin được việc, tôi mất gần một ngày lăn lộn đi tìm phòng trọ. Thôn Bầu (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) được nhiều công nhân kể là khu “trung tâm", mọi người ở trọ với mật độ dày đặc.
Dãy trọ tôi tìm được nằm sâu trong thôn Bầu, cách công ty tôi làm việc khoảng 2km. |
Đến trực tiếp xem thì phòng quá tồi tàn, gọi theo số di động của chủ trọ nhận được thông báo hết phòng. Cuối cùng, tôi cũng tìm được một phòng trọ rộng chừng 15m2, có gác xép, nhà vệ sinh khép kín. Bà chủ nhà cho biết tôi “gặp may" khi có người vừa ở đây chuyển đi, không thì khu này luôn “cháy" phòng.
Căn phòng tôi thuê ở đã là phòng "xịn" ở dãy trọ này. |
Ngày đầu tiên chuyển đến, tôi phải đóng luôn tiền thuê trọ 850.000 đồng/tháng. Kết thúc một tháng, tôi sẽ đóng tiền điện, nước sau. Khu trọ này khá đông đúc, có một dãy nhà 3 tầng khép kín và 2 dãy cấp bốn khoảng 10 phòng dùng chung 1 nhà tắm và hai nhà vệ sinh.
Căn phòng mà tôi thuê ở được coi là “xịn xò" nhất trong xóm trọ vì ở tầng 1 mát mẻ, có vệ sinh khép kín. Song, phòng trọ đã cũ kĩ, mùi ẩm mốc và mùi hôi tanh từ nhà vệ sinh xộc lên. Khi dọn dẹp phòng trọ, tôi mở nước cọ rửa. Nhìn thau nước vàng khè, đục ngầu, tôi hốt hoảng chạy sang nhà hàng xóm để hỏi.
Nước máy luôn có mùi tanh ngòm và vàng đục mỗi lần bể cạn nước. |
“Đang hết nước, bà chủ bơm nên nước ở đáy bể bị thế. Ngày trước còn ra cả bọc bụi, cặn bẩn cơ. Em đợi một lát nữa khắc hết” - một người hàng xóm nói với tôi.
Với những thứ tôi cho là bất thường, mọi người ở khu trọ này đều nghĩ là rất đỗi bình thường. Có lẽ họ đã quá quen với điều đó. Còn một số phòng trọ khác cũ mèm, ẩm thấp, bé như tổ chim. Họ phải sử dụng nhà tắm chật chội, chỉ đủ “nhét" một người và một chậu tắm trong đó.
Có bệnh để đó vì còn phải lo nhiều thứ khác
Tan ca, trở về phòng trọ, tôi ghé vào căn phòng rộng hơn 10m2 của một gia đình công nhân. Đứa con gái lê la dưới chiếc đệm cũ, còn mẹ cháu - chị Liên (SN 1987, quê Tuyên Quang) đang đứng sấy tóc. Chị ngẩng mặt lên khi nghe tiếng tôi chào, tôi thoáng giật mình trước khuôn mặt toàn u bọc của chị.
Chị kể, chồng chị là thợ xây, mỗi ngày kiếm được khoảng 200.000 - 300.00 đồng. Làm công nhân trong KCN Thăng Long đã hơn 10 năm, nhưng chị ở khu trọ này mới được vài năm.
Làm việc quần quật cả tăng ca, mỗi tháng chị có thu nhập khoảng 8 - 9 triệu đồng. Phòng trọ của chị rẻ hơn của tôi - giá 600.000 đồng/tháng. Căn phòng bày la liệt đồ đạc, quần áo. Tài sản quý giá của gia đình là chiếc ti vi, tủ lạnh cũ cùng chiếc xe máy gửi bên sân nhà chủ trọ.
Chị Liên bị bệnh u sợi thần kinh, hàng ngày vẫn đều đặn đi làm để có tiền nuôi con. |
Để có thời gian đi làm, chị Liên phải gửi bà chủ nhà trông con với giá 3.000.000 đồng/tháng. “Đợt giãn cách xã hội cả hai vợ chồng ở nhà ôm con mất hơn 2 tháng. Chả làm gì ra tiền” - chị Liên nói.
Kể về những cục u mọc trên khắp người, chị Liên nói căn bệnh này có tên u sợi thần kinh. Chị cũng không cảm thấy đau đớn, ngứa ngáy gì nên đi khám một lần ở Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) rồi bỏ đó.
Với mức thu nhập của hai vợ chồng chị hiện tại, có quá nhiều thứ cần phải lo toan trước khi chị nghĩ đến chuyện chữa dứt điểm căn bệnh của mình.
Đời sống tinh thần thiếu thốn
Bà chủ trọ kể có những gia đình thuê 10 năm ở đây, từ khi họ mới kết hôn đến nay con cái đã lớn đùng. Có cặp vợ chồng công nhân mới dọn đi vì đã mua được đất xây nhà - nhưng đây là trường hợp hiếm hoi.
Dãy nhà trọ nhiều khi cũng rất tĩnh mịch, chỉ có tiếng xe máy của công nhân đi làm ca và trở về. Có những người về đến phòng đã đóng sầm cửa, không giao lưu với ai.
Sau những giờ tan ca, tăng ca mệt mỏi, công nhân chủ yếu ngủ vùi trong phòng lấy lại sức hôm sau làm việc.
Bà chủ trọ thu tiền phòng. |
Thuỷ (SN 1994, quê Nghệ An) vừa lướt xe đạp điện ra chợ đồ ăn về. Qua lời kể của công nhân này, hóa ra chị cũng làm cùng công ty về linh kiện điện tử với tôi, nhưng là người chính thức được 2 năm nay.
Thủy nói: “Làm công ty đó chỉ đứng, làm gì có chỗ để ngồi. Nhưng tôi đang chán, vì chỉ làm đủ 8 tiếng, ít được tăng ca nên lương chỉ được 7-8 triệu đồng/tháng".
Trong khi tôi thấy việc đứng 8 tiếng liên tục hơn cả cực hình, thì công nhân này cười: “Làm chưa quen thì thấy vất, chứ tôi thấy công việc phòng sạch cũng nhàn, không áp lực".
Thủy ở cùng chồng. Chồng chị cũng làm công nhân tại Khu công nghiệp Quang Minh. Lấy chồng năm 19 tuổi, đến nay Thuỷ đã có 2 con nhỏ, nhưng đã gửi về quê ông bà chăm sóc.
Tổng thu nhập hai vợ chồng không nhiều, nhưng chị cho biết nguyên chi trả tiền ăn, tiền phòng, điện nước… cũng không dưới 4 triệu đồng/tháng. Dù đã chắt chiu chi tiêu, ở phòng rẻ, không dám sắm điều hoà, nóng lạnh, nhưng các khoản phát sinh nhiều vô kể. Trừ các chi phí chi tiêu tại Hà Nội, hai vợ chồng cũng dành dụm gửi tiền về cho ông bà ở quê, nuôi con.
Làm công nhân ở KCN đã lâu, vợ chồng chị Thủy cũng không xác định sẽ ở lại sinh sống lâu dài. |
Theo chị này, ở quê cũng có Khu công nghiệp, song mức lương tối thiểu theo vùng còn thấp. Vì vậy, hai vợ chồng lặn lội ra Hà Nội thuê trọ, làm công nhân để có thu nhập cao hơn.
Thế nhưng gia đình chị Thuỷ không xác định ở Hà Nội lâu dài. “Không biết ở đây được thêm mấy năm nữa, nên còn sức khoẻ cố “cày" làm thêm giờ để kiếm tiền. Khi có một khoản tôi cũng về quê. Nếu không làm thêm giờ thì thu nhập thấp lắm" - chị Thuỷ nói.
Khu trọ có rất nhiều công nhân, song ai biết nhà nấy. Theo chị Thuỷ, đi làm về mệt nên mọi người ít giao lưu với nhau. Có những phòng đóng cửa im ỉm suốt ngày.
Ngày nào tăng ca đến 10h đêm, hôm sau công nhân sẽ ngủ vùi đến 9-10 sáng để lấy lại sức. Phương tiện giải trí duy nhất của họ là chiếc điện thoại.
Khi được hỏi ngày cuối tuần được nghỉ có đi chơi không, chị Thuỷ nói: “Cuối tuần cũng không đi đâu, chỉ nằm trên giường. Mấy năm ở Hà Nội đều vậy, do vào nội đô không biết đường, cũng chưa biết phố đi bộ là chỗ nào".
Dãy trọ cũ rích luôn đóng cửa im ỉm. |
Những ngày ở trọ tại đây, ngoài thấm sự vất vả khi làm việc, tôi càng thấu hiểu nỗi cô đơn khi xa gia đình xuống khu công nghiệp làm việc của đa số công nhân.
Một vòng quay đi làm, về phòng ngủ rồi lại đi làm khiến họ chẳng mảy may quan tâm nhiều thứ khác, về điều kiện sống, phòng trọ tồi tàn hay chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con đẻ cái…
Còn những công nhân đã lập gia đình, gánh nặng cơm áo, gạo tiền và lo cho con khiến họ chỉ mong được làm nhiều hơn, kiếm thêm thu nhập, hy vọng hơn hết là cho các con có một cuộc sống không khổ sở như chính bản thân mình…
Theo laodong.vn