Chuột túi có khả năng giao tiếp với con người?
Các nhà khoa học Australia đã tiến hành một thí nghiệm về khả năng chuột túi giao tiếp với con người.
Chuột túi có khả năng giao tiếp với con người? |
Theo một nghiên cứu mới đây, chuột túi có khả năng giao tiếp có chủ đích với con người, hành động mà trước đây người ta cho rằng chỉ có ở động vật thuần hóa.
Trong một bài báo được xuất bản bởi Đại học Sydney và Đại học Roehampton ở London, nghiên cứu cho thấy khi một con chuột túi được giao một "nhiệm vụ nan giải" (một chiếc hộp kín có thức ăn bên trong), con vật thông minh đã nhìn chằm chằm vào nhà nghiên cứu thay vì cố gắng tự mở hộp.
Có 11 con chuột túi tham gia thí nghiệm. Trước mỗi con vật, các nhà khoa học đã đặt một món ăn trong hộp nhựa mà thú có túi sẽ không thể mở ra. Thay vì bỏ cuộc, những con chuột túi bắt đầu yêu cầu sự giúp đỡ. Chúng nhìn vào hộp đựng thức ăn, rồi quay sang nhìn người, sau đó chúng lại nhìn vào hộp đựng.
Tiến sĩ Alexandra Green, đồng tác giả của nghiên cứu, giải thích rằng cử chỉ nhìn con người tìm kiếm sự giúp đỡ cho thấy động vật có chức năng nhận thức ở mức độ cao hơn so với suy nghĩ trước đây.
Alexandra Green cho biết: "Một số chuột túi đã thực sự tiếp cận các nhà nghiên cứu và thậm chí đã gãi vào người họ, đánh hơi rồi nhìn lại chiếc hộp, vì vậy chúng thực sự đang cố gắng giao tiếp với con người".
Theo các chuyên gia, hành vi "nhìn chằm chằm" này thường chỉ thấy ở động vật đã được thuần hóa.
Tác giả chính, Tiến sĩ Alan McElligott cho biết: "Thật vậy, chuột túi cho thấy một kiểu hành vi rất giống những gì thường thấy ở chó, ngựa và thậm chí là dê khi được đưa vào thử nghiệm tương tự. Ban đầu, các nhà nghiên cứu nghĩ rằng đó là một đặc điểm được thuần hóa, nhưng đó có thể là những điều học được nếu có điều kiện môi trường thích hợp. Vì vậy, trong bối cảnh vườn thú nơi chuột túi bị nuôi nhốt và luôn ở xung quanh con người, chúng tôi nghĩ rằng loài động vật này đã học cách thể hiện hành vi".
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện với 11 con chuột túi ở các loài khác nhau và đây là lần đầu tiên thực hiện với loài thú có túi.
McElligott cho biết: "Chuột túi là loài thú có túi đầu tiên được nghiên cứu theo cách này và kết quả khả quan sẽ dẫn đến nhiều nghiên cứu hơn với các loài khác".
Tuy nhiên, các chuyên gia không khuyến khích du khách đến gần những con chuột túi trong tự nhiên và cố gắng giao tiếp với chúng.
Hoàng Dung (lược dịch)
Hi hữu: Đàn sáo khổng lồ gây mất điện ở thị trấn Scotland
Đàn sáo hàng nghìn con tụ tập thành một đám khổng lồ bám kín đường dây điện ở một thị trấn Scotland đã gây ra tình trạng mất điện trong khu vực.