Chương trình chế tạo máy bay F-35 của Mỹ "lao đao" vì Covid-19
Reference News ngày 23/3 cho biết, dịch Covid-19 đã tạo ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến chương trình chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35 của Mỹ. Theo đó, hàng loạt dây chuyền sản xuất linh kiện của máy bay này trên khắp châu Âu, đặc biệt là ở Italy đã phải tạm thời dừng hoạt động. Về lâu dài, dịch Covid-19 có thể sẽ tạo ra những thay đổi mang tính căn bản trong định nghĩa của Mỹ về chuỗi cung ứng an ninh quốc gia.
Máy bay chiến đấu F-35 là dự án có sự tham gia của nhiều quốc gia trên thế giới. Nguồn: Sina. |
Tạp trí Defense News của Mỹ cũng cảnh báo, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ cần nhanh chóng đưa ra phương hướng phát triển mới trong tương lai, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến các liên kết cấp thấp của chuỗi cung ứng quốc phòng. Trong các chuỗi cung ứng của Mỹ, có hai yếu tố chính phải quan tâm đó là sản xuất và bàn giao.
Về mặt sản xuất, trở ngại lớn nhất chính là việc công nhân phải ngừng làm việc do sự lây lan của virus Corona. Điều này đã xảy ra với các nhà máy sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình F-35 ở Italy và Nhật Bản. Mặc dù đây chỉ là vấn đề tạm thời, nhưng trong bối cảnh hiện nay, không có một yếu tố chắc chắn nào cho thấy các nhà máy này sẽ có thể nhanh chóng hoạt động trở lại, cùng với đó, hàng loạt các nhà máy khác ở Mỹ và châu Âu cũng đang trong tình trạng báo động cao.
Một dây chuyền sản xuất F-35 ở Italy. Nguồn: Sina. |
Paul Sharley, người đứng đầu chương trình công nghệ và an ninh quốc gia của Trung tâm An ninh Mỹ mới cho biết, việc cố gắng dự đoán tương lai của chuỗi cung ứng F-35 giống như “nhìn vào một quả cầu pha lê bay vào bạn với tốc độ 160 km mỗi giờ”. Ông nói thêm: “Đối với các doanh nghiệp, chủ yếu là các công ty quốc phòng, thì các quỹ của Chính phủ vẫn sẽ liên tục đầu tư. Lý do thực sự cho sự gián đoạn chuỗi cung ứng đó là, toàn bộ các công ty, tập đoàn tư nhân hoặc liên doanh đều đã được lệnh ngừng hoạt động và chính phủ yêu cầu mọi người không đi làm”.
Các doanh nghiệp nhỏ sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất, và điều này sẽ tạo ra nhiều vấn đề trong tương lai. Trong một báo cáo của Lầu Năm góc về cơ sở công nghiệp quốc phòng, Lầu Năm Góc cảnh báo rằng các nhà cung cấp độc quyền trong các ngành công nghiệp chính sẽ phải đối mặt với “sự sụp đổ trong nước”, trong đó có các doanh nghiệp phụ trách cung ứng linh kiện F-35. Các nhà máy này có thể đóng cửa trong điều kiện kinh tế khắc nghiệt thời gian tới.
Nhà máy chế tạo tiêm kích tàng hình F-35 tại bang Texas. Nguồn: Sina. |
Đơn cử như, hiện nay ở Mỹ chỉ có 4 nhà cung cấp đủ khả năng chế tạo “linh kiện đúc bằng hợp kim nhôm-magiê phức hợp loại lớn” theo yêu cầu của Không quân Mỹ. Nhưng 4 nhà cung cấp này phải đối mặt với rủi ro tài chính dài hạn và bị đe dọa bởi vấn đề phá sản và sáp nhập do Covid-19. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho kế hoạch chế tạo F-35 của Mỹ.
Ngoài vấn đề sản xuất, thì việc vận chuyển hàng hóa liên quan đến quốc phòng cũng là một vấn đề cần quan tâm khác, đặc biệt là khi ngành hàng không đã đóng cửa một số lượng lớn các doanh nghiệp. Paul Sharley đặt ra câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu các đơn vị, doanh nghiệp vận tải phải đóng cửa, các bộ phận linh kiện không thể nào được gửi đi, các chuyến hàng hóa bị đình trệ?
Thời gian bàn giao F-35 nhiều khả năng sẽ bị lùi lại. Nguồn: Sina. |
Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO hôm 19/3 cảnh báo rằng, các chuyến bay vận tải của Mỹ đang bị cắt giảm đáng kể nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Hầu hết các chuyến bay thương mại đều có sức chứa rất hạn chế và còn rất nhiều hàng hóa, bao gồm cả hàng hóa quân sự bị tồn đọng. Đối với chuỗi cung ứng mang tính toàn cầu hóa của dự án như máy bay chiến đấu F-35, hạn chế xuất nhập cảnh giữa các quốc gia là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng.
Sự chậm trễ trong việc cung cấp linh kiện sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền, các nhà cung cấp cấp 4 chậm chuyển giao cho cho đơn vị cấp 3, từ đó các đơn vị cấp 3 cũng sẽ chậm chuyển giao cho đơn vị cấp 2 và cuối cùng là Lầu Năm góc sẽ không nhận được sản phẩm.