Các vụ nhảy cầu do chuyện tình cảm, chưa vụ nào liên quan cá độ
Trong năm vừa qua riêng tổ công tác ứng trực chốt phía nam cầu Chương Dương, quận Long Biên (Hà Nội) của Đại uý Phan Đức Hùng và Đại uý Nguyễn Quang Vinh, Đội cảnh sát giao thông số 5, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã 7 lần ngăn chặn, cứu sống nhiều người có ý định lên cầu Chương Dương tự tử.
Suốt quá trình công tác tại 2 phía đầu cầu, trong 3 năm trở lại đây, 2 chiến sĩ cảnh sát giao thông này đã hơn 10 lần cứu người tự tử hoặc có ý định tự tử trên cầu Chương Dương.
Đại uý Phan Đức Hùng cho biết qua phân loại những người được cứu giúp dù là nam nữ, thanh niên hay đã lớn tuổi đều có chung hệ số là chán nản với cuộc sống.
“Có người vì hoàn cảnh gia đình cãi nhau với vợ, hoặc chồng, có người vi vỡ nợ, có người vừa chia tay người yêu, có người ở trạng thái tâm lý không bình thường… đều tìm lên cầu Chương Dương dừng lại ở khu vực giữa cầu nước chảy xiết trèo qua lan can đòi nhảy xuống”, Đại uý Phan Đức Hùng cho hay.
Tuy nhiên đây đều là những trường hợp nhảy cầu không liên quan đến cá cược bóng đá. Trao đổi với chúng tôi, anh Đỗ Quang Hiển, nhân viên Tổ bảo vệ cầu Chương Dương cho biết, trên thực tế, qua những vụ cứu người tự tử thời gian qua trên cầu Chương Dương hầu hết đều là lý do liên quan đến tình cảm, hiếm có trường hợp nào liên quan đến vỡ nợ, tiền nong.
“Đặc biệt, mùa bóng đá vừa qua trên cầu Chương Dương ghi nhận chưa có vụ nhảy cẩu nào. Tổ bảo vệ cầu Chương Dương ứng trực 24/24h.
Khi không có mặt lực lượng cảnh sát giao thông từ khoảng 20h hôm trước đến 6h sáng hôm sau thì nhiệm vụ giữ an ninh trật tự, giải quyết sự cố thuộc về tổ bảo vệ 2 đầu cầu.
Thời gian trên, ngoài công tác tuần tra thì khi phát hiện sự cố như tai nạn, nhảy cầu tự tự… tổ bảo vệ sẽ là người bảo vệ hiện trường đầu tiên, sau đó thông báo cho lực lượng chức năng có mặt. Công tác cứu hộ và ban đêm thường do cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đảm nhiệm”, anh Đỗ Quang Hiển thông tin.
Xác nhận điều này, Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 5, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) - đơn vị phụ trách nhiều cầu lớn của Hà Nội là Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Chương Dương, Phù Đổng, cầu Đuống khẳng định, từ đầu mùa World Cup đến nay chưa có vụ nhẩy cầu nào vì lý do thua cá độ.
“Những thông tin trên mạng xã hội lan truyền về hình ảnh người nhảy cầu vì thu cá độ bóng đá trên những cây cầu thuộc quản lý của đơn vị thời gian qua đều được xác minh, kiểm tra. Qua phối hợp cùng tổ bảo vệ cầu, công an địa bàn chúng tôi khẳng định những thông tin trên đều là thông tin thất thiệt, sử dụng ảnh đã cũ, ảnh cắt ghép, hoặc hình ảnh người dân dừng xe chụp ảnh hoàng hôn, bình minh… để gán ghép cho câu chuyện nhảy cầu vì thua cá độ với mục đích câu like và gây hoang mang dư luận”, Trung tá Thiều Mạnh Ngọc khẳng định.
Theo đó, hàng ngày, để bảo đảm giao thông thông suốt và ngăn chặn những vụ việc đáng tiếc như lên cầu có ý định tự tử, ngoài việc tuần tra, ứng trực trên một số cây cầu thì cảnh sát giao thông thường xuyên phối hợp với tổ bảo vệ cầu, công an khu vực ngăn chặn những biển hiện tiêu cực.
Lực lượng tuần tra thường kiên quyết không cho khách bộ hành đi qua cầu, khi phát hiện vụ việc bình tĩnh xử lý kết hợp tuyên truyền với các hoạt động nghiệp vụ ngăn chặn hậu quả rủi ro nhất xẩy ra.
Khi nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, công an, bảo vệ cầu nhanh chóng tiếp cận hiện trường vừa phân luồng giao thông không để ùn tắc trên cầu, vừa khuyên bảo người nhẩy cầu bĩnh tĩnh trong suy nghĩa và hành động.
Nói rõ hơn “quy trình” ngăn ngừa người có ý định nhảy cầu, đại uý Hùng cho biết, khi tiếp cận các chiến sĩ bằng biện pháp nghiệp vụ thường phải tìm cách nhanh nhất tiến lại gần nhất để giữ tay người nhảy cầu nhằm can thiệp ngay nếu họ quyết thực hiện hành vi dại dột. Bên cạnh việc khuyên bảo kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ tiếp cận nhanh, lực lượng cảnh sát đã ngăn chặn được nhiều vụ nhảy cầu trên địa bàn TP Hà Nội.
D.Hiệp - N.Huyền