Chú trọng đầu tư nông nghiệp thông minh đưa nền nông nghiệp phát triển bền vững
Nông nghiệp thông minh đem đến năng suất, chất lượng sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp thông minh vẫn còn gặp không ít những khó khăn về công nghệ sản xuất, thiếu đất với quy mô lớn…; cần sớm có giải pháp tháo gỡ trên cơ sở phù hợp với thực tiễn thị trường và tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có mô hình nông nghiệp nông minh phát triển.
Chia sẻ về hướng phát triển cho nông nghiệp thông minh của Việt Nam, TS. Đào Mộng Điệp - Trường Đại học Luật (Đại học Huế) - cho rằng, cần nâng cao ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản.
Theo TS. Điệp, những hạn chế trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam vẫn là khó khăn về vốn, về điều kiện đất đai manh mún, nhỏ lẻ.
“Nếu không chuyển đổi nông nghiệp sang sản xuất quy mô lớn, có sự bảo hộ của Nhà nước đối với sản phẩm nông nghiệp thì rất khó để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp. Vì chỉ có phát triển sản xuất dưới sự điều hành của doanh nghiệp hoặc hợp tác xã thì mới có cơ hội đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu từ cơ giới hoá đến làm đất, lịch trình gieo trồng, chế biến và thu hoạch”, TS. Đào Mộng Điệp nói.
Theo đó, quá trình phát triển nền nông nghiệp thông minh không chỉ là áp dụng những tiến bộ của công nghệ thông tin, tự động hoá vào chăn nuôi, trồng trọt…; mà còn phải thay đổi các quy trình, công nghệ; quy luật sinh học; tạo ra các cây công nghiệp ngắn ngày, cho năng suất cao, chất lượng cao có khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt và có sức kháng bệnh tốt. Có như thế mới có một nền nông nghiệp cao và cũng đồng nghĩa chất lượng sản xuất, đời sống nông dân ở bậc cao, phát triển bền vững.
Thực tiễn ở Việt Nam gần đây mới phát triển một số mô hình canh tác trong nhà kính, nhưng chủ yếu là để trồng rau sạch, như nhà kính nông nghiệp trồng rau sạch Watanabe Việt Nam ở Lâm Đồng, hay hệ thống nhà kính WinEco tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc có diện tích 1,5 ha, sử dụng công nghệ sản xuất rau mầm Microgreen, trồng rau trên hệ thống thủy canh màng mỏng dinh dưỡng (NFT) hiện đại nhất thế giới, cung ứng tối đa gần 1 tấn rau/ngày.
Rõ ràng, sự phát triển công nghệ nhà kính này còn rất ít và đơn điệu. Do đó, cần phát triển nhiều và đa dạng hơn nữa canh tác nhà kính công nghệ cao trong nông nghiệp
Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển chuỗi liên kết từ các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp không chỉ giải quyết được vấn đề đầu ra, mà còn tạo các điều kiện để tiêu thụ nông sản ổn định, nâng cao giá trị gia tăng của hàng nông sản.
Tại Việt Nam đã xuất hiện một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp, hình thành các mô hình liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp với nông dân trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản phẩm và đã đạt được những thành quả nhất định. Tuy nhiên, các mô hình đó còn rất ít và chưa bền vững. Số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn rất ít, chỉ chiếm 1% tổng số doanh nghiệp của cả nước.
Cũng theo TS. Đào Mộng Điệp, cần tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra các giống vật nuôi, cây trồng thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu đặc trưng của từng vùng miền, kháng sâu bệnh, tạo ra các giống côn trùng diệt sâu bệnh tuân theo các nguyên lý sinh thái học tự nhiên, nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi.
Những năm qua, các viện, các trung tâm nghiên cứu nông nghiệp ở khắp các vùng miền của Việt Nam đã tích cực ứng dụng công nghệ sinh học vào việc nghiên cứu lai tạo ra hàng trăm các giống vật nuôi, cây trồng mới có các đặc tính chịu hạn, chịu ngập, chịu mặn tới 10 phần nghìn, kháng rầy, chống sâu bệnh, năng suất tăng tới 10% và chất lượng tốt.
Tuy nhiên, những thành tựu đó còn rất khiêm tốn so với nhiều quốc gia. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp vừa làm đa dạng hóa, nâng cao chất lượng, tăng năng suất vật nuôi, cây trồng, vừa giảm thiểu việc sử dụng các chất hóa học, nên đảm bảo, giữ vững được môi trường sinh thái.
Tuân Nguyễn