Với thủ đoạn mượn tiền để làm đáo hạn ngân hàng và góp tiền mua đất bán lại kiếm lời, người phụ nữ 31 tuổi ở Quảng Nam đã lừa đảo hàng chục tỷ đồng.
Chiêu trò lừa đảo của các ‘nữ quái’ đội lốt tiểu thư
Mới đây, cư dân mạng có dịp xôn xao về việc một cô gái 9X (nickname Tina Duong) bị tố cáo thực hiện phi vụ lừa đảo bạc tỷ. Không chỉ lên kế hoạch bài bản, nhân vật còn thực hiện hàng loạt thủ đoạn gây sốc, từ việc thuê diễn viên nổi tiếng đóng vai cha ruột đến liên tục thao túng tâm lý, khiến nạn nhân rơi vào tình trạng hoảng loạn, không biết nhờ cậy vào ai.
Người bị tố cáo chưa lên tiếng về các cáo buộc. Phần lớn ý kiến đều nhận xét câu chuyện gay cấn hệt như một bộ phim. Việc các cô gái đẹp săn tìm “con mồi” để lừa tình lẫn tiền vốn không phải chuyện lạ trên thế giới. Hollywood từng thực hiện hàng loạt tác phẩm kể về các nữ quái “siêu lừa”. Điển hình là series Inventing Anna (2021) dựa trên những sự kiện có thật về tiểu thư lừa đảo nổi tiếng Anna Sorokin.
Từ phim ảnh đến đời thật
Sinh năm 1991, Anna Sorokin là người gây chấn động khi giả danh con gái tài phiệt để lừa đảo đến hàng trăm nghìn USD. Câu chuyện từng được tác giả Jessica Pressler kể lại trên New York Magazine năm 2018 và được dựng phim năm 2021. Kịch bản gần như bám sát toàn bộ hành trình lừa đảo của nhân vật nhưng được thêm thắt nhiều tình tiết để tạo kịch tính.
Trong phim, Julia Garner vào vai Anna Sorokin. Nhờ gương mặt dễ mến và tài ăn nói khéo léo, nhân vật khiến nhiều người giàu tin mình là con gái một gia đình tài phiệt ở Đức. Không những vậy, cô còn cho biết mình sở hữu tài khoản thừa kế kếch xù nên về cơ bản là không cần tiền.
Hình ảnh trong series Inventing Anna (2021). |
Sau khi tạo dựng được lòng tin, Anna bắt đầu vay tiền của bạn bè để thanh toán các khoản phí ăn chơi đắt đỏ. Thông thường, tiểu thư sẽ nghĩ ra nhiều lý do đơn giản nhưng khá thuyết phục, chẳng hạn như thẻ tín dụng bị lỗi hay ngân hàng từ châu Âu chuyển tiền chậm. Từ đó, nhân vật tìm cách để người yêu hoặc bạn bè đứng ra trả tiền giúp cô. Chưa dừng lại, “nữ quái” còn lừa thành công nhiều ngân hàng, khiến họ đầu tư hàng chục triệu USD cho dự án khởi nghiệp mà cô nghĩ ra.
Để thực hiện các phi vụ lừa đảo, các “nữ quái” luôn phải tạo cho mình một danh tính ảo. Không chỉ thay tên đổi họ, từng người còn phải xây dựng một cuộc sống mới, hoàn toàn tách biệt với thế giới thật.
Kế hoạch lừa đảo hoàn hảo
Thông thường, các cô gái lừa đảo đều có gương mặt ưa nhìn. Trường hợp của Anna Sorokin còn là tài ăn nói khéo léo. Ai cũng biết tận dụng sắc vóc và lợi thế riêng để áp dụng thủ thuật, đánh vào tâm lý nạn nhân để tạo sự thương cảm.
Tuy nhiên, không phải người nào cũng có thể thực hiện phi vụ một cách trót lọt. Các “nữ quái” không những sẵn có khiếu diễn xuất mà còn phải sở hữu đầu óc của một biên kịch. Trí tưởng tượng giúp họ biết cách lên kế hoạch bài bản, lường trước những tình huống có thể xảy ra và cách để giải quyết.
Sau đó, các “siêu lừa” sẽ mất một khoảng thời gian để dò tìm các “con mồi”. Tất nhiên, sẽ chẳng dễ để một chàng trai vô gia cư rơi vào vòng tay của các tiểu thư giả giàu. Trong Inventing Anna, đối tượng của nhân vật chính luôn là giới tài phiệt, những người không thiếu tiền.
Đối tượng của Anna Sorokin luôn là giới tài phiệt. |
Với một kịch bản phức tạp, các cô nàng lừa đảo khó thể thực hiện một mình mà luôn cần có sự trợ giúp của đồng phạm. Sự xuất hiện của nhân vật thứ ba sẽ giúp tăng thêm lòng tin ở nạn nhân, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc thao túng.
Trong Inventing Anna, Anna Sorokin cũng dùng thủ đoạn phối hợp với một gã lừa đảo quen biết tên là Billy McFarland. Khi xuất hiện bên cạnh Anna, hắn liên tục khoe khoang về sự giàu có, bày tỏ ý tưởng thành lập các sự kiện xa xỉ khét tiếng, chỉ dành cho giới siêu giàu.
Chưa kể, Sorokin còn giao tiếp với Martin Shkreli - kẻ lừa đảo và đội giá bán thuốc đang ngồi tù. Gã thường xuyên dùng lời hoa mỹ để mô tả về cô, từ đó giúp nạn nhân càng thêm tin tưởng và nhanh chóng rơi vào bẫy hơn.
Sự thật đằng sau những vụ lừa đảo
Từ Á đến Âu có hàng loạt tác phẩm kể về những phi vụ lừa đảo trót lọt, thành công mỹ mãn. Năm 2014, Gone Girl từng kể lại việc một phụ nữ tự tạo vụ mất tích để lừa chồng lẫn truyền thông. Từ kẻ chủ mưu cô hóa thành nạn nhân, sau đó biến bạn đời trở thành kẻ bị “cả nước Mỹ ghét bỏ”.
Dù mục đích chính không phải vì tiền, thủ đoạn của nhân vật vẫn rất ghê gớm, khiến người xem sởn da gà. Vai diễn trong phim giúp Rosamund Pike tỏa sáng, nhận về một đề cử Oscar 2015 ở hạng mục Nữ chính xuất sắc.
Sau đó, chính Rosamund Pike tiếp tục đóng vai “siêu lừa đảo” trong I Care a Lot (2021). Chuyện phim kể về một phụ nữ chuyên giả làm “người bảo hộ” của các cụ già để ăn tiền trợ cấp từ họ. Theo nhiều ý kiến đánh giá, kịch bản dù không liên quan trực tiếp nhưng lại gợi nhớ nhiều đến vụ Britney Spears. Suốt nhiều năm liền, ngôi sao bị giám hộ là cha ruột quản lý tài sản, phải lên tiếng đòi quyền tự do trong phiên tòa diễn ra năm 2021.
Vụ lừa đảo trong I Care a Lot (2021) khiến người xem liên tưởng đến câu chuyện có thật của Britney Spears. |
Không chỉ có Hollywood, nữ quái lừa đảo cũng xuất hiện trong nhiều phim châu Á. Gần nhất, trong loạt phim truyền hình Little Women của Hàn - Kim Go Eun, Nam Ji Hyun đóng chính - có một nhân vật làm nghề kế toán, lên kế hoạch lừa công ty đến 70 tỷ won.
Theo thời gian, các nữ tội phạm cũng xuất hiện nhiều hơn trong các phim lấy đề tài hình sự, pháp lý như The Thieves (2012), The Swindlers (2017), Juvenile Justice (2021),…
Vậy cuối cùng, ngoài khoản tiền kếch xù thì đâu là động cơ thôi thúc các cô nàng quyết tâm thực hiện các phi vụ phạm tội? Đó hẳn là bản tính lừa đảo vốn đã ăn sâu từ trong máu.
Nhiều khán giả từng ngỡ ngàng khi biết các ngôi sao như Winona Ryder hay Lindsay Lohan có sở thích trộm cắp vặt. Tương tự với nhiều cô gái, lừa đảo chỉ như một thói quen. Tố chất thích phạm tội kích thích họ thực hiện ngày càng nhiều phi vụ, với số tiền ngày càng lớn hơn.
Sau những trò lừa gây sốc, rốt cuộc Anna Sorokin cũng bị bắt vào năm 2017 và nhận án phạt tù.
Theo Zing