Chiến thuật làm bài thi Vật lý THPT quốc gia 2020 điểm cao chót vót?
Do tình hình dịch bệnh Covid-19, vừa qua Bộ GD&ĐT đã có sự điều chỉnh nội dung học tập học kỳ 2 cho phù hợp với thực tế dạy và học. Tiếp sau đó đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 cũng đã được công bố. Có thể thấy, nội dung đề thi tham khảo có một số thay đổi so với năm 2019, cả về phân phối nội dung và độ khó của đề thi.
Gần đây, một số đại học lại dự kiến tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng với cấu trúc đề thi khác hẳn so với kỳ thi THPT quốc gia. Những thay đổi dồn dập trong thời gian ngắn đã khiến cho học sinh lớp 12 lo lắng, ảnh hưởng không tốt tới việc học tập và ôn thi.
Để giúp các bạn học sinh có được sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia 2020, PV Vietnamnet có cuộc trò chuyện cùng TS. Nguyễn Thành Nam, Chuyên gia giáo dục đồng thời là giáo viên Vật lý tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI.
Nội dung TS. Nguyễn Thành Nam chia sẻ xoay quanh chiến thuật ôn thi nói chung và ôn thi môn Vật lý nói riêng cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
TS. Nguyễn Thành Nam |
Thưa thầy, đối với các sĩ tử tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm nay, thầy có lời khuyên gì cho tất cả các bạn?
Trong mọi kỳ thi, để có thể tối ưu hóa được điểm số thì có một số điểm mà các em nên lưu ý để vận dụng thật nhuần nhuyễn trong quá trình ôn thi, đó là:
Thứ nhất, trong một môn thi thì sự phụ thuộc giữa điểm số đạt được vào năng lực (kiến thức, kỹ năng) của thí sinh có thể được mô tả như hình vẽ dưới đây. Đoạn đầu đồ thị, điểm số tăng rất nhanh theo trình độ thí sinh, nhưng càng lên mức điểm cao thì độ dốc của đồ thị càng giảm, điều đó có nghĩa là ở mức điểm thấp, thí sinh có thể nâng điểm rất nhanh mà không cần phải học quá nhiều và quá khó.
Như vậy để nâng cao tối đa điểm số, giữa các môn thi thì nên tập trung nhiều hơn vào những môn học mà các em còn yếu, và trong mỗi môn thì nên ưu tiên học trước và tập trung hơn vào những nội dung dễ và căn bản. Tuyệt đối không nên sa đà vào các nội dung khó, các dạng phức tạp nếu chưa nắm vững được các nội dung căn bản.
Thứ 2, các kỹ năng xử lý câu hỏi bao gồm kỹ năng nhận diện, tốc độ làm bài và kỹ năng tính toán chính xác là rất quan trọng.
Để cải thiện được kỹ năng nhận diện câu hỏi và tốc độ làm bài thì không có cách nào khác là phải luyện tập nhiều và đều đặn. Còn để rèn luyện cho được một kỹ năng tính toán chính xác thì trong quá trình làm bài tập có tính toán, mỗi phép tính các em chỉ nên bấm máy tính một lần duy nhất rồi lấy luôn kết quả, cố gắng hết sức để không phải bấm máy lần thứ hai.
Thứ 3, cần luyện tập làm bài thi theo chiến thuật phù hợp với mục tiêu điểm số. Chiến thuật này bao gồm việc phân phối thời gian làm bài, cách đánh dấu phân loại câu hỏi và kỹ thuật chọn đáp án ngẫu nhiên để xác suất đoán trúng là cao nhất. Phải căn cứ vào đề thi, đặc điểm thí sinh, và mục tiêu điểm số mà áp dụng chiến thuật làm bài thi cho phù hợp.
Chẳng hạn với môn Vật lý, một học sinh giỏi đặt mục tiêu điểm 10 thì phải làm đúng toàn bộ 40 câu hỏi trong thời gian cho phép, khi đó có thể phân phối thời gian làm bài như sau: dành 5 phút đầu cho 15 câu đầu tiên, dành 15 phút tiếp theo cho 15 câu tiếp theo, dành 10 phút cho 5 câu từ 31 đến 35, và dành 20 phút còn lại cho 5 câu hỏi cuối cũng là những câu khó nhất trong đề thi.
Tuy nhiên, nếu mục tiêu là 9,0 điểm thì việc phân phối thời gian cần được điều chỉnh cho phù hợp như sau: dành 10 phút đầu cho 15 câu đầu tiên, dành 20 phút tiếp theo cho 15 câu tiếp theo, dành 20 phút cho 5 câu từ 31 đến 35, cuối cùng sẽ chọn đáp án ngẫu nhiên cho 5 câu còn lại.
Trong quá trình ôn tập lại kiến thức cũ nên vận dụng các phương pháp học thông minh như luyện trí nhớ bằng kỹ thuật giãn cách, vận dụng các loại công cụ tự duy để nâng cao hiệu quả ôn tập.
Xin thầy cho biết kỳ thi THPT quốc gia 2020 có những thay đổi gì so với những năm trước và các bạn học sinh nên ứng phó với sự thay đổi đó như thế nào?
Ở đây có hai sự điều chỉnh lớn mà các em cần lưu ý là điều chỉnh nội dung thi và điều chỉnh cấu trúc đề thi, cụ thể:
Về việc điều chỉnh nội dung thi các em có thể tham khảo ở công văn của Bộ GD&ĐT, theo đó các nội dung ở Học kỳ I được giữ nguyên, chỉ điều chỉnh nội dung của Học kỳ II.
Các nội dung "không dạy", "không làm", "không thực hiện", "khuyến khích học sinh tự học" sẽ không được ra trong đề thi. Các nội dung "tự học có hướng dẫn" thì vẫn có thể xuất hiện trong đề thi, nhưng với xác suất thấp nên trong trường hợp mục tiêu điểm số đặt ra không quá cao thì không cần ưu tiên học những nội dung này.
Về cấu trúc đề thi có sự điều chỉnh lớn, dễ hơn rất nhiều so với năm trước. Căn cứ trên đề minh họa thì đề thi năm nay có khoảng 35 câu ở Mức 1 (nhận biết) và Mức 2 (thông hiểu), chỉ có 5 câu ở Mức 3 (vận dụng) và Mức 4 (vận dụng cao).
Căn cứ theo công thức điểm Đ = 0,1875×N + 2,5 ta có thể thấy với học sinh giỏi, có đủ năng lực làm 35 câu và đoán ngẫu nhiên 5 câu khó nhất trong đề thi sẽ đạt được mức điểm trung bình là 9 điểm.
Phân phối nội dung và độ khó câu hỏi trong đề minh họa THPT quốc gia 2020 môn Vật lý. |
Thông qua bảng tổng hợp ta có thể thấy có đến 23 câu hỏi bao gồm những câu khó nhất được ra trong trong ba chương đầu tiên được dạy trong học kỳ I của lớp 12. Nếu trừ 4 câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 thì chỉ còn có 13 câu hỏi thuộc học kỳ II của lớp 12, và đó đều là các câu hỏi ở Mức 1 (nhận biết), chỉ hỏi kiến thức căn bản.
Do đó với 4 chương cuối cùng Vật lý lớp 12, các em chỉ nên học các kiến thức lý thuyết và bài tập căn bản, nên bỏ qua các câu hỏi khó và các tính toán phức tạp trong các phần này.
Trước tình hình một số đại học tổ chức kỳ thi riêng, thầy có lời khuyên gì cho các sĩ tử tham gia thi tuyển sinh đại học năm nay không ạ?
Các bạn có dự định tham gia kỳ thi tuyển sinh riêng của các đại học cần lưu ý là đề tuyển sinh đại học có chức năng hoàn toàn khác với đề đánh giá chất lượng.
Chức năng chính của đề thi THPT quốc gia là để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, đánh giá năng lực của thí sinh xem có đạt được tiêu chuẩn chất lượng đầu ra của bậc học phổ thông hay không. Chức năng của đề tuyển sinh đại học hoàn toàn khác, nó được biên soạn nhằm mục đích dàn thí sinh trên thang năng lực để các đại học dễ dàng nhặt từ cao xuống thấp cho đến khi lấy đủ chỉ tiêu.
Đề thi tuyển sinh đại học cũng không nhất thiết phải tuân theo khung nội dung của đề THPT quốc gia. Mặc dù nội dung chủ yếu của đề tuyển sinh đại học nằm trong chương trình giáo dục phổ thông, nhưng vẫn có thể có nội dung vượt hẳn ra ngoài chương trình phổ thông, ví dụ như nội dung về Logic hay Đọc số liệu trong kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức chẳng hạn.
Có nghĩa là nếu muốn tham gia thêm kỳ thi tuyển sinh đại học do các trưởng tổ chức, như kỳ thi của Đại học Bách Khoa Hà Nội chẳng hạn, thì ngay từ bây giờ các em cần học đầy đủ kiến thức của chương trình phổ thông, giống hệt chương trình ôn thi THPT quốc gia 2019 và những năm trước.
Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện!