Chỉ tiêu tín dụng 14%, bơm 1,08 triệu tỷ cuối năm, ngân hàng nào được ưu tiên?
Mục tiêu bơm thêm 45 tỷ USD nửa cuối năm
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng (TCTD) với mức giao toàn hệ thống khoảng 14% nhằm cung ứng thêm vốn cho nền kinh tế.
Với dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế vào cuối năm 2022 ở mức 11,9 triệu tỷ đồng (khoảng 500 tỷ USD), mức cho vay của toàn hệ thống ngân hàng tăng thêm theo chỉ tiêu sẽ là 1,67 triệu tỷ đồng (khoảng 70 tỷ USD).
Theo NHNN, việc phân bổ room lần này giúp các nhà băng kịp thời cung ứng thêm vốn tín dụng đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế. Mục tiêu nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ở mức thấp hơn dự kiến (chỉ 4,14%).
Trước đó, ngay từ tháng 3, NHNN đã giao chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng thương mại (NHTM) là 11%. Rất nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng thấp trong 6 tháng đầu năm, và nhiều đơn vị chưa dùng hết chỉ tiêu được giao.
Theo Chứng khoán Maybank, dựa trên hạn mức tăng trưởng tín dụng ban đầu (11% cho toàn ngành do NHNN đặt ra hồi tháng 3), khoảng 731.000 tỷ đồng tín dụng mới phải được giải ngân trong nửa cuối 2023, tương đương trung bình khoảng 122.000 tỷ đồng mỗi tháng.
Còn nếu, dựa trên hạn mức tăng trưởng tín dụng mới (14% mà NHNN đưa ra vào ngay 10/7), khoảng 1.081.000 tỷ đồng (45 tỷ USD) tín dụng mới phải được giải ngân trong nửa cuối 2023, tương đương mức trung bình khoảng 180.000 tỷ đồng mỗi tháng.
Mặc dù vậy, Chứng khoán Maybank cho rằng, dựa trên tốc độ tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm 2023 cùng với dự đoán về xu hướng lãi suất cho vay (sẽ giảm đáng kể từ cuối quý III) và dự đoán về sự phục hồi kinh tế hình chữ U, tổ chức này kỳ vọng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống có thể đạt cao nhất khoảng 12% cho năm 2023.
Ngân hàng nào được cấp room nhiều nhất?
Trên thực tế, NHNN đã công bố chỉ tiêu tín dụng toàn hệ thống và nhiều khả năng đã có phân bổ cụ thể tới từng ngân hàng, dựa vào nhiều yếu tố như sức khỏe tài chính, quy mô, tình hình cho vay trong 6 tháng đầu năm, thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu hệ thống… Tuy nhiên, các chỉ tiêu cụ thể tới từng ngân hàng không được công bố. Các TCTD cũng không tiết lộ con số cụ thể.
Đại diện một ngân hàng cổ phần xác nhận, NHNN đã nới room tín dụng. Dù vậy, con số cụ thể không được tiết lộ. Mức tăng phụ thuộc vào chất lượng, cơ cấu và khả năng mở rộng tín dụng của từng ngân hàng, dựa trên nguyên tắc đảm bảo thanh khoản và an toàn hoạt động của hệ thống TCTD.
Bên cạnh đó, đại diện này cũng cho biết, các ngân hàng tham gia tái cơ cấu, có phương án tiếp nhận ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc sẽ có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn hẳn.
Cho đến nay, thông tin từ NHNN và chính từ các TCTD, có 4 ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc là: Vietcombank, VPBank, HDBank và MBBank. Đây đều là các ngân hàng có sức khỏe tài chính tốt và có tham vọng lớn.
Trong thời gian ban đầu khi tiếp nhận chuyển giao bắt buộc có thể khiến các ngân hàng phải san sẻ nguồn lực hỗ trợ các ngân hàng yếu kém. Thông tin từ NHNN cho biết, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc sẽ nhận được một số hỗ trợ ưu tiên từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là hạn mức tín dụng.
Hạn mức tín dụng cao rất có giá trị trong bối cảnh “room” cho vay của nhiều ngân hàng bị hạn chế, trong khi nhu cầu vay vốn để phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh vẫn được dự báo tăng cao trong thời gian tới.
Đại diện một NHTM cho biết, mức tăng tín dụng được giao thêm có thể xấp xỉ bằng mức tăng chung toàn hệ thống. Điều này đồng nghĩa với việc, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng có thể lên tới 25-30% trong cả năm 2023.
Con số cụ thể chưa rõ ràng, nhưng một số nguồn tin chưa chính thức cho thấy, mức tín dụng được NHNN giao ở một số ngân hàng lần này tăng từ mức 8-10% trước đó lên 14-24%. Room tín dụng có thể được được nâng lên tiếp trong các đợt tới (nếu có).
Trong lần cấp đầu tiên, theo Chứng khoán Maybank, Vietcombank, ACB và VIBBank được cấp 10%; MSB được cấp 14%; HDBank 11%; Techcombank 9,5%; VPBank, Vietinbank, MBBank và TPBank được cấp 9%...
Như trong trường hợp VPBank, con số cụ thể cũng không được công bố, nhưng tại Đại hội đồng cổ đông 2023, lãnh đạo VPBank đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 33%. Đại diện VPBank cho biết thêm, mức tăng trưởng tín dụng thực tế trong năm 2023 sẽ được thực hiện dựa trên các hạn mức tối đa/quy định của NHNN.
Tín dụng tăng, triển vọng ngân hàng ra sao?
Với ngành ngân hàng tại Việt Nam, tín dụng là yếu tố chính quyết định tới lợi nhuận các tổ chức tín dụng vì lãi từ hoạt động cho vay đang chiếm từ 70-90% thu nhập hoạt động.
Cho tới thời điểm này, các ngân hàng chưa công bố kết quả kinh doanh nửa năm, nhưng đã có nhiều ước tính đến từ các công ty chứng khoán.
Theo Chứng khoán SSI, trong 6 tháng đầu năm, nhóm ngân hàng ghi nhận lợi nhuận phân hóa sâu sắc. Một số ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận được kỳ vọng ở mức dương bao gồm: BIDV (BID), Vietinbank (CTG), HDBank (HDB), MBBank (MBB), Sacombank (STB), Vietcombank (VCB), VIBank (VIB).
SSI ước tính lợi nhuận quý II của Vietinbank (CTG) ở mức 6.200-6.500 tỷ đồng, tăng khoảng 7-13% so với cùng kỳ. Lợi nhuận của Vietcombank dự báo khoảng 10.000-10.300 tỷ đồng tăng 38%. HDBank dự kiến lợi nhuận đạt khoảng 2.800-3.100 tỷ đồng.
MBBank được dự báo lợi nhuận đi ngang so với cùng kỳ, đạt khoảng 6.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Sacombank được dự báo lợi nhuận đạt 2.000-2.300 tỷ đồng, tăng 53-76%.
Mạnh Hà