Chảy máu dạ dày sau 1 đêm mất ngủ vì chồng có người thứ ba
Áp lực, stress là gánh nặng lên cơ quan tiêu hoá, có những bệnh nhân chảy máu dạ dày, viêm ruột chỉ vì quá stress, trẻ em cũng bị ảnh hưởng bởi yếu tố này do áp lực học hành thi cử.
Gia tăng bệnh nhân khám tiêu hoá
Chị N.L.T. (34 tuổi, TP.HCM) tìm tới phòng khám tiêu hoá vì đi ngoài phân đen, đau bụng. Bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm loét dạ dày. Chị T. có tiền sử viêm dạ dày đã điều trị ổn định lâu rồi không tái phát.
Vài ngày trước, có việc gia đình khiến chị suy nghĩ rất nhiều. Khi phát hiện chồng có người thứ ba, cả đêm chị không ngủ tới gần sáng thì cơn đau bụng ập đến, đau quặn vùng thượng vị.
Vì từng bị viêm dạ dày nên chị đoán có khả năng dạ dày tái phát. Tình trạng đau bụng vẫn xuất hiện kèm theo đi ngoài phân đen.
Khi tới bệnh viện khám, chị T. được chẩn đoán chảy máu dạ dày, chị được nội soi cầm máu.
Trường hợp của nữ sinh Nguyễn N.B.N, (15 tuổi) cũng tới bệnh viện khám vì thường xuyên đau bụng. Cơn đau bụng có thể ập đến bất cứ lúc nào. Ban đầu, gia đình nghĩ do trước đó cháu có bị Covid-19 nhưng khi khám thực thể bác sĩ chẩn đoán trẻ viêm loét dạ dày kèm theo trào ngược thực quản không liên quan tới bệnh Covid-19.
Lúc này, bố mẹ của bé mới cho biết con bị áp lực học hành. Năm vừa qua, N. thi vào trường chuyên và đúng như kỳ vọng của gia đình nhưng khi vào trường áp lực học hành quá lớn. Nửa năm học online, từ ngày đi học trực tiếp thì nữ sinh càng thấy áp lực sách vở hơn.
PGS TS BS. Bùi Hữu Hoàng - Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết gần đây số ca bệnh tới khám liên quan tới các vấn đề tiêu hoá tăng hơn, trung bình 500 ca bệnh mỗi ngày.
Người bệnh đa phần liên quan tới viêm dạ dày, trào ngược thực quản, ruột kích thích. Nhiều người bệnh còn rất trẻ thậm chí cả học sinh cũng bị vấn đề này.
Ảnh minh hoạ. |
Theo PGS Hoàng bệnh nhân đều gặp các tình huống đó là áp lực cuộc sống đè nặng sau đại dịch năm 2021. Có bệnh nhân chuyển công việc mới, áp lực kinh tế khiến họ viêm loét dạ dày thậm chí chảy máu dạ dày.
Có bệnh nhân liên tục đau tức ngực, khó thở, nằm xuống ngủ là khó thở tưởng bị bệnh tim đi khám thì trào ngược dạ dày thực quản. Quá tải cuộc sống sau đại dịch hoặc có người có người thân qua đời sau đại dịch đã khiến họ stress và bệnh đường tiêu hoá phát triển hoặc tái phát lại.
Bệnh thường gặp
Các bệnh đường tiêu hoá rất dễ liên quan tới tâm lý đó là viêm loét dạ dày, trào ngược thực quản, hội chứng ruột kích thích.
Với bệnh viêm loét dạ dày, PGS Hoàng cho biết, viêm loét dạ dày có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân (nhiễm vi khuẩn HP, bệnh tự miễn, lạm dụng thuốc kháng viêm - giảm đau).
Căng thẳng, lo âu quá mức làm dịch vị dạ dày tăng tiết gây mất cân bằng chức năng dạ dày. Bên cạnh đó, ăn uống không điều độ và sử dụng nhiều chất kích thích, gia vị (đồ ăn cay nóng, chua, rượu bia…) cũng ảnh hưởng chức năng co bóp của dạ dày, tăng tiết dịch vị dạ dày dẫn tới viêm loét niêm mạc dạ dày.
Ban đầu các tổn thương gây viêm và loét trên niêm mạc dạ dày sẽ khiến niêm mạc dạ dày bị bào mòn, lộ ra lớp mô bên dưới dẫn tới các ổ loét và chảy máu. Nếu không được can thiệp, phát hiện sớm, bệnh nhân có thể bị suy kiệt, thậm chí tử vong vì chảy máu.
Trào ngược dạ dày thực quản: Chính là trào ngược dịch a-xít trong dạ dày. Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây ra các biến chứng lên cơ quan hô hấp (viêm thực quản…), khiến bệnh nhân suy dinh dưỡng.
Người bệnh có thể gặp các biểu hiện như ợ chua, ợ hơi, buồn nôn, nóng rát vùng ngực dưới lan lên cổ, khó nuốt, ho, khản giọng, đắng miệng.
Hội chứng ruột kích thích là viêm đại tràng mạn tính, viêm đại tràng co thắt.... Bệnh không gây nguy hiểm tính mạng, là bệnh lành tính nhưng mang tới khá nhiều rắc rối, ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống của bệnh nhân.
Những nguyên nhân hàng đầu được cho rằng có liên quan tới hội chứng ruột kích thích: stress, thực phẩm (tùy cơ địa mỗi người), nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, yếu tố di truyền và sự thay đổi nồng độ hoóc-môn ở phụ nữ vào chu kỳ kinh nguyệt.
'Người bệnh có các biểu hiện như đau bụng, đi tiêu phân lỏng hoặc táo bón. Cơn đau có thể xảy ra ngay trong hoặc sau khi ăn và tự hết sau khi bệnh nhân đi đại tiện. Bệnh hay gặp ở nữ giới hơn' – PGS Hoàng cho biết.
Khi có các triệu chứng liên quan tới đường tiêu hoá, PGS Hoàng khuyến cáo người bệnh nên đi khám tiêu hoá, không nên cố chịu đựng có thể gây biến chứng, khó chịu cho bệnh nhân.
Khánh Chi