Chào bán cổ phiếu thành công, Hòa Phát tăng vốn lên hơn 15 nghìn tỷ đồng
Mức giá chào bán là 20.000 đồng/cổ phiếu, số tiền thu về từ đợt phát hành này là 5.056 tỷ đồng. Tổng số cổ phiếu HPG đang lưu hành là 1,517 tỷ cổ phiếu.
Mục đích của việc chào bán cổ phiếu này là để huy động vốn cho siêu dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát – Dung Quất. Ngay sau đó, Hòa Phất đã công bố góp thêm 5.000 tỷ đồng vào công ty con là CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất, qua đó tăng vốn điều lệ của công ty này từ 10.000 tỷ đồng lên 15.000 tỷ đồng, trong đó Hòa Phát góp 14.800 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 98,67% vốn.
CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất đặt tại khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi để thực hiện Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát. Siêu dự án này sẽ được triển khai theo 2 giai đoạn với tổng chi phí đầu tư là 40 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 1 có công suất 2 triệu tấn mỗi năm, bao gồm 1 triệu tấn thép xây dựng và 1 triệu tấn thép dài chất lượng cao (dùng cho sản xuất công nghiệp và không phải là thép xây dựng). Giai đoạn này dự kiến triển khai xây dựng trong vòng 24 tháng từ tháng 2/2017 và đi vào sản xuất vào đầu năm 2019. Vốn đầu tư dự kiến cho giai đoạn này là khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Hòa Phát sẽ dùng 10 nghìn tỷ đồng vốn tự có và vay 10 nghìn tỷ đồng từ Vietinbank.
Công suất giai đoạn 2 của dự án là 2 triệu tấn HRC mỗi năm sau với thời gian triển khai xây dựng là 24 tháng kể từ tháng 8/2017. Vốn đầu tư dự kiến cho giai đoạn này là 20 nghìn tỷ đồng được tài trợ một phần từ vốn huy động được từ phát hành 253 triệu cổ phiếu với giá 20.000 đồng/cổ phiếu mà Tập đoàn vừa phát hành. Phần còn lại là từ nguồn vốn tự có và vay nợ.
Khu kinh tế Dung Quất, nơi đặt dự án tỷ đô của Hòa Phát. |
Trong tháng 6 năm nay, Hòa Phát đã ký hợp đồng D&B với Coteccons để xây dựng dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát – Dung Quất. Theo đó, Coteccons đã khởi công xây dựng trong tháng 6. Thời gian xây dựng là 24 tháng. Chi phí xây dựng cho cả hai giai đoạn là 10.300 tỷ đồng. Giai đoạn 1 dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2019 còn Giai đoạn 2 sẽ đi vào hoạt động trong tháng 8/2019.
Được biết, Nhà máy cán thép thuộc Giai đoạn 1 của Dự án Dung Quất sẽ đi vào hoạt động trong quý 3/2018, sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch ban đầu. Nhà máy này sẽ tăng công suất thêm 500.000 – 600.000 tấn thép xây dựng (tăng 25%) và duy trì tăng trưởng của công ty trong năm tới. Hiện tại, các nhà máy hiện tại của công ty đã hoạt động với gần 100% công suất. Ban đầu, công ty sẽ kết hợp mua phôi thép từ Thái Lan và chuyển một phần lượng phôi thép từ các nhà máy hiện tại ở miền Bắc về Dung Quất phục vụ cán thép xây dựng thành phẩm trước khi Giai đoạn 1 của dự án đi vào hoạt động vào đầu năm 2019.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm, doanh thu của Hòa Phát là 21.195 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 3.473 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm, Hòa Phát đã tiêu thụ được 1.013.376 tấn thép xây dựng, tăng 29,1% so với cùng kỳ. Thị phần thép xây dựng tăng từ 22,2% năm 2016 lên 24%. Số lượng ống thép tiêu thụ trong 6 tháng alf 273.000 tấn, tăng 29,3% và duy trì thị phần ở mức 26,57%.