Chân dung "cọp đen Hòa Bình"
Gần trọn cuộc đời gắn với công tác điều tra tội phạm hình sự, trải qua nhiều cương vị, địa bàn công tác khác nhau, từ khi còn là một chiến sĩ, cán bộ chỉ huy Công an huyện Hòa Bình, cho đến khi là người đứng đầu Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, cái tên Dương Tứ Phương luôn là nỗi khiếp sợ đối với bọn tội phạm. Chính vì vậy mà giới giang hồ đặt cho ông biệt danh “Cọp đen Hòa Bình”…
Đại tá Dương Tứ Phương - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh nhận bằng khen của UBND tỉnh. Ảnh: N.Q |
Năm 2010, từ vị trí Phó trưởng Công an huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, Đại tá Dương Tứ Phương được điều chuyển về Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bạc Liêu. Từ thời điểm này, hàng loạt chuyên án được mở, thực hiện thành công, gây tiếng vang lớn. Có thể điển hình như chuyên án 310S với 34 đối tượng bị đưa ra truy tố, xét xử, triệt xóa 1 đường dây thầu số đề liên tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau với số tiền đánh bạc lớn nhất trên phạm vi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Tiếp nối thành công này, hàng loạt chuyên án khác được mở ra. Chuyên án MG12 đấu tranh với tội phạm môi giới mại dâm, chứa mại dâm, các hành vi mua, bán dâm; chuyên án 112TS đấu tranh với tội phạm trộm đáy đường sông; chuyên án 313TRN đấu tranh với tội phạm trộm đột nhập; chuyên án 710G, 005T đấu tranh với tội phạm giết người, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, cưỡng đoạt tài sản, các hoạt động bảo kê, đòi nợ thuê… Tiêu biểu nhất cho chiến công của Cảnh sát hình sự Bạc Liêu là chuyên án bí số 314TRX đấu tranh chống tội phạm trộm xe mô tô trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh, thành phía Nam. Kết thúc điều tra, đơn vị đề nghị truy tố 40 bị can, truy nã 1 bị can và chứng minh làm rõ 273 vụ trộm mô tô trên địa bàn 16 tỉnh, thành từ Cà Mau đến Bình Thuận. Với chiến công này, lực lượng Cảnh sát hình sự tỉnh Bạc Liêu được Bộ Công an vinh danh ở nhiều hội nghị.
Để có những “cú đấm thép” vào các băng, ổ, nhóm tội phạm như trên, trong chỉ đạo chuyên án đòi hỏi người chỉ huy phải linh hoạt trong mọi tình huống để có kế hoạch cho sát, bố trí lực lượng cho phù hợp. Đại tá Dương Tứ Phương chia sẻ kinh nghiệm: “Bố trí lực lượng có hai chuyện, một là chọn con người cho cân xứng với nhiệm vụ được giao; thứ hai, người được chọn phải có bản lĩnh vững vàng để không lọt, lộ thông tin, không để đối tượng tẩu thoát”. Để chọn được người, người chỉ huy phải hiểu tâm sinh lý của từng cán bộ, chiến sĩ. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, trước giờ đánh án, người chỉ huy đơn vị, chỉ huy chuyên án còn phải làm công tác tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ.
Vai trò của người chỉ huy trong từng trận đánh còn thể hiện ở khả năng đưa ra các giả thiết tình huống sát với thực tế để lực lượng tham gia chuyên án thao tác nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ và cả nhân dân. Vụ bắt tên xã hội đen Cường râu (phường 5, TP. Bạc Liêu) vào năm 2010 là một điển hình. Cường râu là đối tượng nguy hiểm, có vũ khí nên việc có quá đông người dân đến xem sẽ gây khó cho công tác đảm bảo an toàn của chuyên án. Chuyên án diễn ra thì thấy nhanh, bắt đối tượng vài ngày là xong. Song quá trình chuẩn bị, đầu tư suy nghĩ kéo dài hàng tháng. Những ngày gần phá án, nếu nảy sinh vấn đề mới, Đại tá Phương lại gần như thức trắng đêm để tìm ra phương án hữu hiệu nhất.
Không chỉ đi đầu trong những chiến công, Đại tá Dương Tứ Phương còn là tấm gương về tinh thần chịu khó, ham học hỏi, sống hết mình vì đồng chí, đồng đội, luôn được đồng nghiệp trong đơn vị tin yêu. Ngoài việc đem lại sự yên bình cho xã hội, ông còn tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị trưởng thành. Chia sẻ về công việc của mình, Đại tá Dương Tứ Phương bộc bạch, để anh em tin tưởng, trước hết bản thân phải gương mẫu, nói phải đi đôi với làm, tạo được sự đoàn kết thống nhất và sự đồng tình ủng hộ trong đơn vị. Tất cả các vấn đề cần được bàn bạc dân chủ, giải quyết thấu tình, đạt lý, tạo được lòng tin cho chiến sĩ và nhân dân…
* Tiêu đề đã được chúng tôi đặt lại.
Theo Nguyễn Quốc/Báo Bạc Liêu