Chấn động vụ sao hạng A bán dâm 15.000 USD: Phía sau cảnh 'bội thực' cuộc thi sắc đẹp là gì?
Phải chăng chúng ta đang tổ chức quá nhiều cuộc thi nhan sắc dẫn đến loạn danh xưng “người đẹp”, “hoa hậu”?
Mạng xã hội đang xôn xao bàn tán trước thông tin cơ quan chức năng triệt phá đường dây môi giới mại dâm 'khủng' với nhiều người đẹp có tiếng trong showbiz. Đặc biệt, theo lời khai của "tú ông" Lê Hoàng Long thì đối tượng từng môi giới bán dâm với giá 15.000 USD/lần cho 2 cô gái từng đạt thứ hạng cao trong các cuộc thi hoa hậu.
Sự việc chấn động này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Phải chăng chúng ta đang tổ chức quá nhiều cuộc thi nhan sắc dẫn đến loạn danh xưng “người đẹp”, “hoa hậu”? Có hay không việc những "người đẹp" này lấy danh hiệu từ các cuộc thi nhan sắc để làm bàn đạp kiếm tiền, dấn thân vào mặt trái của ánh hào quang?
"Tú ông" Lê Hoàng Long bị cơ quan chức năng bắt giữ. |
Trao đổi với phóng viên Infonet, ĐBQH, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đồng ý rằng chúng ta có nhiều cuộc thi sắc đẹp.
“Điều đó được thể hiện bằng việc tôi cũng như rất nhiều người khác không thể biết hết ai đã là hoa hậu, hoa khôi, đạt vương miện ở các cuộc thi nào.
Sau này, một số người đẹp trở nên nổi tiếng, được nhắc nhiều trên các phương tiện truyền thông thì chúng ta mới có dịp tìm hiểu và biết được họ đã tham gia một cuộc thi sắc đẹp nào đó.
Điều đó càng đặc biệt hơn khi khác so với các nước, nhiều cuộc thi sắc đẹp đôi khi chỉ là những sự kiện văn hoá nghệ thuật thông thường, còn ở nước ta các cuộc thi luôn được xem là sự kiện tôn vinh sắc đẹp cả ở hình thức, trí tuệ và cả giá trị của người phụ nữ, được xã hội ngưỡng mộ”, PGS. TS Bùi Hoài Sơn nhìn nhận.
Ông Sơn cho rằng, xã hội trông chờ ở những hoa hậu, người đẹp không chỉ là biểu tượng của sắc đẹp mà còn là tấm gương đạo đức, thể hiện trách nhiệm với xã hội. Chính vì thế, mỗi khi người đạt giải ở cuộc thi sắc đẹp gặp rắc rối, vi phạm pháp luật thì dư luận xã hội cũng thường có những đánh giá khắt khe hơn so với những người khác.
Không phủ nhận việc tôn vinh sắc đẹp của phụ nữ có nhiều điểm tích cực, bởi phụ nữ luôn được xem là biểu tượng của sắc đẹp, vẻ đẹp của phụ nữ không chỉ giúp họ tự tin từ đó dễ thành công hơn trong cuộc sống, công việc, mà việc tôn vinh sắc đẹp của phụ nữ còn có tác dụng định hướng giúp phụ nữ hướng tới cái đẹp toàn diện, cả về hình thức và trí tuệ.
“Phụ nữ luôn có nhu cầu làm đẹp, và xã hội cũng mong chờ điều đó. Thậm chí chúng ta còn quen thuộc với những câu như “Không có người phụ nữ xấu, chỉ có những người phụ nữ không biết làm đẹp” để khuyến khích phụ nữ làm đẹp. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, nhu cầu làm đẹp trở thành nhu cầu phổ biến.
Đó là lý do tại sao chúng ta thấy các trung tâm thẩm mỹ, spa hay các dịch vụ làm đẹp xuất hiện ngày càng nhiều. Thị trường làm đẹp tất yếu sẽ dẫn đến sự kiện tôn vinh nhan sắc”, PGS. TS Bùi Hoài Sơn nhận định.
Tuy nhiên, đặt giả thiết việc tôn vinh phụ nữ đẹp nếu được thực hiện tốt sẽ tạo ra những tác dụng tích cực, còn nếu ngược lại sẽ gây ra những tác động tiêu cực. Đó là sự trục lợi dựa vào mong muốn có được thương hiệu phụ nữ đẹp và nhu cầu của công chúng. Nhu cầu của công chúng là được xem, thưởng thức các cuộc thi sắc đẹp dẫn đến việc các cuộc thi này có khả năng nhận được nhiều tài trợ để được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông lớn.
“Người đẹp đạt giải cũng dễ trở thành một thương hiệu, từ đó, họ có thể kiếm được nhiều tiền bằng cách quảng bá cho các sản phẩm, xuất hiện ở các sự kiện, chưa kể là các hoạt động khác, trong đó có những hành vi xấu như bán dâm mà chúng ta đang bàn ở đây.
Tất cả trở thành một vòng luẩn quẩn xoay quanh lợi ích kinh tế của cả đơn vị tổ chức sự kiện và người dự thi. Vì thế, chúng ta thấy xuất hiện một số hiện tượng tiêu cực liên quan đến nhiều cuộc thi sắc đẹp ở nước ta, từ mua giải, đi thi chui, tổ chức quá nhiều, cạnh tranh không lành mạnh giữa các cuộc thi…
Hệ lụy này lại dẫn đến các hệ luỵ khác trong xã hội như xuất hiện các trung tâm thẩm mỹ chui, kém chất lượng hay nhiều phụ nữ phẫu thuật thẩm mỹ quá đà, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính, hạnh phúc của gia đình”, PGS. TS Bùi Hoài Sơn nhận định.
Không phản đối các cuộc thi sắc đẹp bởi theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn thì các cuộc thi này có cả tính tích cực và tiêu cực, trong đó tiêu cực dù có nhưng không phổ biến. Nhiều người đẹp sau khi đoạt giải đã làm tốt trách nhiệm xã hội và tấm gương của mình, lan tỏa những điều tích cực, tốt đẹp cho xã hội.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn cho biết: “Trong bối cảnh kinh tế thị trường và sắc đẹp trở thành một nhu cầu thì việc tổ chức sự kiện như thế nào sẽ do thị trường điều tiết. Tất nhiên, Nhà nước thông qua công cụ quản lý, dư luận, truyền thông có thể tác động đến nhận thức và hành vi của cả các công ty tổ chức sự kiện, người dự thi, và các bên liên quan khác để chúng ta có một môi trường lành mạnh cho các cuộc thi sắc đẹp, tạo điều kiện để các cuộc thi và cả những người đẹp phát huy tác dụng tích cực trong xây dựng văn hoá và đất nước”.
Trả lời câu hỏi "Làm cách nào để tìm kiếm những người đẹp cả hình thức và trí tuệ, sống truyền cảm hứng chứ không phải đẹp để bán thân?", PGS. TS Bùi Hoài Sơn cho rằng vấn đề nhận thức vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Khi chúng ta có một nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của các cuộc thi sắc đẹp và danh hiệu sắc đẹp, chúng ta sẽ có cách thức phù hợp để giữ gìn thương hiệu, hình ảnh, thể hiện trách nhiệm xã hội tốt hơn.
Bên cạnh đó, việc cho phép tổ chức, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm các cuộc thi cũng cần được thực hiện tốt hơn nữa để từ đó hình thành nên những bài học kinh nghiệm, nâng cao chất lượng cho các cuộc thi. Phương tiện truyền thông cũng có tác dụng lan tỏa những giá trị tích cực, phù hợp của các cuộc thi, đồng thời cũng cảnh báo những bài học để ngăn ngừa những hệ lụy và tác động xấu đối với toàn xã hội.
N. Huyền