Chải lông, tập thể dục cho bò chọi, người Mông ở Nghệ An bán giá hàng nghìn đô mỗi con
Những con bò chọi của đồng bào Mông ở miền Tây Nghệ An có vóc dáng "khủng" chọi tốt, được giới chơi bò sẵn sàng bỏ hàng nghìn đô la Mỹ ra mua.
Tại huyện Kỳ Sơn, bò chọi thường được đồng bào Mông xem như là biểu tượng sức mạnh. Vì thế nơi nào có đồng bào Mông sinh sống, nơi đó thường có văn hóa chọi bò trong các ngày lễ, tết truyền thống.
Mỗi con bò chọi bình quân có giá từ 60 triệu đồng trở lên, đặc biệt con nào vô địch còn được người chơi hỏi mua với giá rất cao. Thậm chí bò chọi còn được bán sang Lào, Trung Quốc với giá từ 10 đến 12 nghìn đô la Mỹ/con.
Một con bò chọi của anh Hờ Tồng Chùa, bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn có dáng vẻ rất oai vệ, được người ta trả 120 triệu đồng nhưng chưa bán. Ảnh: Tiến Đông |
Anh Hờ Tồng Chùa, bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn cho biết, gia đình anh có đến 3 con bò chọi, ban đầu anh mua con còn non, chưa biết chọi về với giá 50 - 60 triệu đồng, sau đó về chăm sóc và luyện cho nó biết chọi. Nếu bò chọi thắng nhiều trận thì có người trả giá cao, có khi gấp đôi hoặc gấp 3 lần so với giá mua ban đầu.
Bò chọi thường được chăm sóc đặc biệt hơn so với loại bò thịt, được ăn cỏ voi, các loại bột ngũ cốc, được đưa đi tập thể dục hàng ngày. Ảnh: Tiến Đông |
Theo anh Chùa, một con bò chọi giỏi thì phải đáp ứng các yếu tố như sừng dài cong; u cao; lưng thon có chiều dài từ 90cm đến 1m; có chiều cao từ 1,25m trở lên; đuôi dài và vòng ngực phải đạt từ 90cm trở lên.
Một con bò đẹp thường rơi vào độ tuổi từ 4-5 năm, thường có các cơ bắp săn chắc. Qua việc xem răng và xem xoáy trên lưng, người chơi sẽ biết được độ tuổi và mức độ dễ thuần hóa của con bò. Ảnh: Tiến Đông |
Anh Lầu Bá Tu ở bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn, là một chuyên gia trong việc chọn và kinh doanh bò chọi. Nhà anh Tu có 5 con bò chọi, cách đây chưa đầy 1 tháng, anh đã bán 2 con bò chọi có giá gần 7.000 đô la Mỹ (hơn 150 triệu đồng)/con và 1 con có giá 4.000 đô la Mỹ (hơn 80 triệu đồng), cho khách người Trung Quốc. Sau khi đăng các clip bò chọi của mình gửi cho khách hàng, chốt giá xong xuôi thì bò được đưa xuống Đô Lương để theo xe tải ra Cao Bằng, sau đó đưa sang Trung Quốc.
Sau khi bán đi 2 con bò có tổng giá trị hơn 220 triệu đồng, hiện anh Tu đang còn 3 con bò chọi được chăm sóc tại gia đình, có người đã trả hơn 100 triệu đồng/con nhưng anh chưa bán. Ảnh: Tiến Đông |
Theo giới chơi bò chọi tại Kỳ Sơn, thông thường bò chọi được mua từ Lào về, một số thì được chọn từ giống bò vàng Kỳ Sơn. Bò được nhốt riêng từng chuồng, được mài sừng, tắm và chải lông thường xuyên.
Với bò chọi trưởng thành, khi các khối cơ săn chắc sẽ làm cho lông trên lưng và quanh thân ít đi, nên người dân phải chải thường xuyên. Ảnh: Tiến Đông |
Với loại bò có giá trị cao này, người dân cũng chăm sóc theo hình thức đặc biệt. Để tăng độ hiếu chiến cho bò, người nuôi sẽ ít đưa bò ra ngoài, chỉ cho ra mài sừng và tập thể dục trong một thời gian ngắn. Còn lại phần lớn là nhốt trong từng chuồng riêng lẻ.
Bò chọi thường được nuôi nhốt, hàng ngày chủ chỉ cho ra khỏi chuồng vài tiếng đồng hồ để tập thể dục và tắm rửa. Ảnh: Tiến Đông |
Đặc biệt, kể từ khi trưởng thành, đủ tuổi để chọi, người nuôi sẽ không thả chung bò chọi với các loài bò khác. Thậm chí không cho phối giống để đảm bảo sức mạnh cũng như độ lỳ đòn cho bò chọi. Sau khi chọi xong, người dân thường dắt bò về, chứ không hề giết thịt như trâu chọi ở các địa phương khác.
Hiện tại, bò chọi ở Kỳ Sơn chủ yếu được phân bố ở những địa phương có đồng bào Mông sinh sống như: Mường Lống, Na Ngoi, Mường Típ, Nậm Cắn, Huồi Tụ... Chính vì có giá trị cao, lại là biểu tượng sức mạnh, vì thế bò chọi trở thành con vật được cưng chiều đối với mỗi gia đình người Mông ở miền Tây Nghệ An.
Chợ phiên "lai sờ trim"
Chốt xong đơn hàng với khách qua mạng ngay tại chợ phiên, họ mới hỏi giá, trả giá với bà con dân bản và cân hàng. Họ trả tiền nhưng chưa vội lấy hàng để rảnh tay sang hàng khác "lai sờ trim" tiếp
Theo báo Nghệ An