Chợ phiên "lai sờ trim"
Chốt xong đơn hàng với khách qua mạng ngay tại chợ phiên, họ mới hỏi giá, trả giá với bà con dân bản và cân hàng. Họ trả tiền nhưng chưa vội lấy hàng để rảnh tay sang hàng khác "lai sờ trim" tiếp
Có một chợ phiên cá biệt ở vùng cao Tây Bắc mà người địa phương còn gọi thêm bằng một cái tên khác nữa là chợ phiên "lai sờ trim" (livestream). Gọi như thế vì đồng bào dân tộc Mông, Thái, Dao đến chợ phiên này bán hàng đã quen với hình ảnh điện thoại di động thông minh lia suốt chợ phiên từ đêm đến sáng. Đó là chợ phiên Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) đêm thứ bảy.
Như chợ đầu mối sản vật rừng
Không như những chợ phiên ở Tây Bắc thường chỉ họp vào một ngày là tan, chợ phiên Tủa Chùa đêm thứ bảy rục rịch họp chợ từ chạng vạng tối thứ bảy đến tận gần hết chiều chủ nhật.
Những sáng từ thứ hai đến thứ bảy, chợ Tủa Chùa đều có người bán hàng tạp hóa, quần áo, thực phẩm… trong nhà lồng nhưng thưa thớt người mua. Đến trưa thứ bảy, chợ bắt đầu đông dần người từ các bản dân tộc Mông, Thái, Dao trong huyện mang hàng xuống để chuẩn bị họp chợ phiên, đông nhất là bà con dân tộc Mông.
Vừa mua được lan của người dân, người “lai sờ trim” chào bán ngay
Trên đường từ Hà Nội lên các vùng cao Tây Bắc, Đông Bắc, người dưới xuôi chưa thấy chợ phiên nào tập trung nhiều lan rừng, sâm rừng, các loại thảo dược như ở chợ phiên Tủa Chùa đêm thứ bảy, giống như một chợ đầu mối của các hàng này từ núi rừng vậy.
Tiểu thương chợ Tủa Chùa cho biết trước đây chợ phiên chỉ họp vào sáng chủ nhật ở phía sau nhà lồng, bà con dân tộc Mông xuống chợ bán gà vịt, lợn cắp nách, nông sản tự trồng, thảo dược khai thác ở rừng… rồi mua quần áo, nông cụ, đồ dùng gia đình. Những người mua bán lan rừng từ các nơi tự nhiên tập trung về Tủa Chùa săn lan của người dân địa phương khai thác lan rừng hoặc có trồng lan rừng ở nhà rồi mang đi bán. Họ hẹn hò mua bán lan rừng với người dân vào tối thứ bảy tại chợ Tủa Chùa. Bà con dân tộc Mông thấy xuống chợ bán lan vào tối thứ bảy rồi ở lại đi chợ phiên sáng chủ nhật luôn cũng tiện. Thế là chợ Tủa Chùa có thêm buổi chợ phiên đêm thứ bảy khoảng hơn 3 năm nay.
Phía mặt tiền chợ Tủa Chùa nhìn rất bình dân, không như cảnh sôi động ở phía sau.
Lúc đầu, chợ phiên Tủa Chùa đêm thứ bảy chỉ có những người mua bán lan rừng, sau này bà con còn mang đến sâm rừng, nông sản đặc biệt của vùng cao như gừng củ nhỏ, nghệ đen, thảo quả, các loại thảo dược… Người mua lan thấy nhiều thứ dưới xuôi không có hoặc có nhưng không tốt bằng nên tiện thể mua thêm về dùng, làm quà.
Khách truyền tai nhau về những thứ hay ho, độc, lạ mà họ mua được, làm cho chợ phiên Tủa Chùa đêm thứ bảy được chú ý. Thế nhưng, Tủa Chùa xa xôi, không phải ai cũng có điều kiện và thời gian đến, nên những người săn lan tạo mối liên lạc với người dân địa phương, nhờ mua giúp hàng và gửi đi.
Nắm bắt cơ hội, một số người dân địa phương trở thành người thu mua, gom hàng kinh doanh, chợ phiên Tủa Chùa đêm thứ bảy trở nên chợ phiên đầu mối lan rừng, sâm rừng, nông sản quý, thảo dược vùng cao từ lúc nào không ai hay. Có thể nói, đây là chợ phiên về đêm bán nhiều lan rừng, sâm rừng duy nhất ở Việt Nam đến giờ này.
Công nghệ di động tràn ngập
Những người chuyên mua gom lan rừng, sâm xuyên đá, thảo dược ở chợ phiên Tủa Chùa đêm thứ bảy đa số là người Kinh ở các địa phương khác nhưng sinh sống tại Tủa Chùa; một số ít là người trẻ tuổi đồng bào dân tộc Mông, Thái, Dao từ Sìn Hồ (Lai Châu), Quỳnh Nhai (Sơn La), Tuần Giáo, Mường Chà (Điện Biên) đến.
Lan rừng là mặt hàng được săn đón nhất. Cứ đến thứ bảy, họ tập trung về chợ Tủa Chùa đón người từ các bản mang lan xuống chợ. Được mua nhiều là các loại lan hiếm như phi điệp; lan có hoa đẹp được chuộng nhiều như sơn thủy tiên, kim điệp, kiều vuông, kiều tím, kiều vàng, hoàng lạp, hoàng thảo, ngọc điểm… Giá lan cao hay thấp tùy vào mỗi giò lan, bụi lan. Bà con dân bản vốn thật thà nhưng mua bán nhiều lần cũng biết là không nên vội bán mà cứ bày ra đó cho mấy người mua gom nhìn ngắm, nói giá, ai trả tiền nhiều hơn thì mới bán.
“Lai sơ trim” bán lan rừng.
Khác với lan rừng, các loại được xem là của quý từ núi rừng như sâm xuyên đá (sâm đá), củ ba kích, thảo dược hầu như có giá thu mua tương đương nhau, chỉ khác là cỡ lớn, nhỏ, chất lượng tươi, khô thế nào.
Chạng vạng tối, chợ phiên Tủa Chùa đêm thứ bảy bắt đầu náo nhiệt. Những ai đến lần đầu sẽ không khỏi sững sờ, ngạc nhiên với ánh sáng từ những đèn pin gắn trên đầu người bán và ánh sáng từ rất nhiều chiếc điện thoại di động thông minh đang trực tiếp truyền hình ảnh để bán hàng. Có lẽ ngay cả những đô thị lớn ở Việt Nam cũng chưa có chợ nào mà lực lượng "lai sờ trim" bán hàng đông như ở chợ Tủa Chùa xa tít tận vùng cao Tây Bắc này.
Những người mua gom thấy vừa đủ hàng, bắt đầu "lai sờ trim" bán online. Mỗi người có 2-3 chiếc điện thoại làm việc cùng một lúc, vừa truyền hình ảnh từng giò lan, miệng giới thiệu, giao dịch, ngã giá liên hồi: "Có bác nào chốt giò địa lan trần mọng không ạ, đẹp mê ly luôn, bao đẹp, bao phê luôn", "Anh Trần Phúc ơi, đơn địa lan trần mọng là 480.000 đồng, có OK cho em gái không ạ?", "Anh Lê Trung ơi, cho em xin số điện thoại trên lai luôn nhé. Chốt dứt điểm giò kiều, giá 150.000 đồng anh nhé", "Đơn sơn thủy tiên này chốt cho anh Tú Cường nhé, ở Huế địa chỉ nào anh ơi"...
Phía người mua cũng phản hồi: "Chị ơi, soi vào cây lan phi điệp đây cho em coi cây lan như thế nào, mà 50 triệu hay 5 triệu đồng?", "50 triệu, chứ sao 5 triệu đồng được em, lan hiếm mà".
Chốt được đơn hàng nào, người bán lập tức lấy số điện thoại, địa chỉ ghi vào miếng giấy nhỏ gắn liền vào giò lan vừa mới có người mua.
Đối với những loại lan quý, người bán "lai sờ trim" không ra giá cụ thể, mà cho giá khởi điểm từng cây để những người yêu thích loại lan đó đấu giá. Người đấu giá cao nhất muốn sở hữu cây lan đó mà ở xa, phải nhờ người quen tại Tủa Chùa có hiểu biết về lan đến kiểm tra cây và nhận hàng ngay.
Không như những người bán lan có gian hàng, ngồi tại chỗ "lai sờ trim", những người "lai sờ trim" để bán sâm, thảo dược hầu hết không có gian hàng. Họ đi quanh chợ phiên, tay cầm cây gắn 2-3 chiếc điện thoại thông minh, vai mang túi nhỏ đựng quyển số ghi chép. Thấy chỗ sâm đá, thảo dược nào của bà con dân bản mà hàng đẹp, những người "lai sờ trim" đưa điện thoại vào giới thiệu, ra giá ngay mà không cần hỏi bà con dân bản bán giá thế nào.
"Hôm nay nhà em có sâm xuyên đá mát gan, tốt sức khỏe cả nam lẫn nữ, hàng đẹp lắm đây ạ. Giá sâm củ lớn 80.000 đồng một cân, củ nhỏ 60.000 đồng một cân. Có cô chú, anh chị nào đặt hàng thì đặt nhanh lên nhé", "Mấy anh ơi, sâm này củ đẹp chưa, về cho vào keo thủy tinh ngâm rượu trông đẹp lắm, uống tốt lắm ạ", "Các chị thích hầm gà với sâm thì sâm này là tuyệt lắm", "Anh Nam ở Hà Nội 2 cân phải không ạ? Chị ở Sài Gòn 4 cân cho em địa chỉ, số điện thoại luôn nhé"...
Chốt xong đơn hàng với khách qua mạng, những người "lai sờ trim" mới hỏi giá, trả giá với bà con dân bản và cân hàng. Họ trả tiền nhưng chưa vội lấy hàng để rảnh tay sang hàng khác "lai sờ trim" tiếp. Hết đêm chợ phiên, mỗi người "lai sờ trim" bán được ít nhất 20-30 kg sâm, có người chốt được đến cả trăm ký.
Chốt được đơn hàng, người “lai sơ trim” ghi phiếu liền.
Biết "lai sờ trim", bán được nhiều hàng hơn
Cô Mí Sếnh cùng 3 người Dao đều từ Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) bán ở chợ phiên này mới một năm. Các cô mua sâm của người dân đi lấy trên rừng rồi mang xuống chợ này bán lại.
Mới đầu, các cô bán cho mấy người chuyên "lai sờ trim", dần dần học được cách người ta làm rồi cũng "lai sờ trim" tự bán sâm của mình, mới chỉ đạt trình độ "lai sờ trim" trên một điện thoại thôi nhưng tiền bán hàng được nhiều hơn trước.
Một cô giáo là người Thái Bình lên Tủa Chùa dạy học, cứ đến chợ phiên thì ra chợ "lai sờ trim" bán gừng, nghệ đen, thảo quả kiếm thêm thu nhập. Cô nói gừng và nghệ đen trồng trên vùng cao cay và thơm hơn trồng dưới xuôi nên được chuộng lắm. Thường khách chốt đơn hàng ít nhất 5 kg gừng hay nghệ, thảo quả ít nhất 1 kg. Cô mua về đóng gói, gọi điện cho bên "giaohangtietkiem" đến lấy đi giao giùm, tiền "síp" (phí giao hàng) khách trả, cứ 5 kg gừng thì phí khoảng 30.000 - 40.000 đồng. Cô giáo nói được tiếng Mông nên có lợi thế giao dịch nhanh với bà con bản Mông xuống chợ bán hàng so với những người "lai sờ trim" khác.
Những người "lai sờ trim" làm việc đến 23 giờ thì tạm ngưng, mang hàng đi đóng gói để sáng giao cho bên vận chuyển "síp" cho khách. Họ ngủ tại chỗ hoặc thuê nhà nghỉ tranh thủ ngả lưng vài giờ. Tầm 5-6 giờ sáng chủ nhật, lực lượng này lại ra chợ phiên săn vét lan rừng đẹp, sâm xuyên đá tốt, tiếp tục "lai sờ trim" tranh thủ chốt thêm đơn hàng.
Qua một đêm thứ bảy và một sáng chủ nhật, công nghệ di động đã đưa hàng từ chợ phiên Tủa Chùa lên nhiều chuyến xe đến khắp mọi miền. Sáng chủ nhật trở lại chợ, bà con dân tộc Mông, Thái thấy chúng tôi đưa điện thoại chụp hình, quay phim, họ lại hỏi: "Mới tới "lai" hả?".
Chạng vạng tối thứ Bảy, bà con dân tộc Mông mang hàng xuống bày ra chợ phiên
Ngày hội gặp gỡ nhau
Lên các tỉnh vùng Tây Bắc, Đông Bắc mà gặp đúng ngày bà con đồng bào dân tộc họp chợ phiên thì người miền xuôi nào cũng thích. Chợ phiên đối với đồng bào vùng cao như ngày hội gặp gỡ nhau, chuyện mua bán đơn giản là bán những thứ bà con trồng được, nuôi được ở bản làng hay lên rừng kiếm được rồi mua thứ nhà mình cần. Những hình ảnh hết sức mộc mạc ấy cho người dưới xuôi lên dạo chợ phiên có thể tìm hiểu được nhiều nét văn hóa đặc sắc của mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số.
Nghệ An: Nhiều loại nông sản nằm ruộng chờ người mua, giá rẻ như cho
Bước vào mùa thu hoạch rộ nhưng nhiều loại rau, củ rớt giá, ế ẩm vì không có đầu ra do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo NLĐ