CEO ví MoMo: Điều sướng nhất của startup là được sai!
Với kinh nghiệm là nhà tư vấn và cố vấn, ông Tường đưa lời khuyên cho sinh viên chuẩn bị ra trường, đặc biệt trong ngành công nghệ, về việc đặt tầm nhìn đủ dài trong sự nghiệp và có giấc mơ.
Hiện nay, người tiêu dùng Việt đang có xu hướng chuyển sang “cashless”, không sử dụng tiền mặt, thay đổi kinh doanh truyền thống sang kinh doanh trực tuyến. Trong 10 năm tới, ngành công nghệ sẽ là trụ cột của Việt Nam. Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Tường (đồng sáng lập ứng dụng thanh toán MoMo) với tri thức trẻ người Việt tại Mỹ tại một tọa đàm về nhân lực công nghệ diễn ra mới đây.
Khủng hoảng giúp tìm ý tưởng công nghệ mới
Học tập và làm việc trên đất Mỹ, sau đó gây dựng thành công startup “Kỳ lân” MoMo, trước khi nhắc tới những yếu tố quan trọng để vượt qua thách thức do bối cảnh, ông Tường kể lại hành trình học MBA tại Chicago và tìm công việc thực tập trên đất Mỹ thời khủng hoảng kinh tế năm 2004, khi đế chế lớn như Lehman Brother rơi vào khủng hoảng, các đối tác của nhiều trường đại học như Google cũng tạm dừng tuyển dụng.
“Mọi tính toán trở nên vô nghĩa lúc bấy giờ vì không biết mọi thứ sẽ đi về đâu, hàng ngày phải nghe tin xấu rất nhiều”, ông Tường kể lại tâm trạng hoang mang lúc bấy giờ. “Nhiều du học sinh khi ấy bị cắt giảm tài trợ, nhà trường tìm được ngân hàng cho vay tiền để học nhưng với lãi suất rất cao”.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, CEO Momo. |
Trong công cuộc tranh đấu tìm kiếm thực tập sinh, ông Tường đã có việc thực tập mùa hè tại Chicago, hỗ trợ nghiên cứu thu hẹp khoảng cách số cho Chính phủ Indonesia. Từ đây, việc tìm hiểu khái niệm mobile payment (thanh toán điện tử) giúp ông có thêm ý tưởng ra đời và xây dựng MoMo.
Theo ông Tường, dù bối cảnh khủng hoảng khác nhau từ lạm phát, dịch bệnh, nhưng điểm chung của việc thích nghi chính là thái độ chấp nhận của bản thân. Việc chấp nhận hoàn cảnh không có nghĩa là chịu khuất phục, mà để an yên trong tâm và bắt đầu có sự thích nghi trong hành động.
“Ở khía cạnh nào đó, nhờ khủng hoảng kinh tế thì MoMo mới có thể ra đời và phát triển như ngày hôm nay”, ông Tường nói và chia sẻ về sự thích nghi của doanh nghiệp chuẩn bị khi đối mặt với giai đoạn khủng hoảng của xã hội. Ngoài yếu tố “tâm bình yên trong cơn bão” - tâm thế thích nghi và niềm tin về sự tốt đẹp, ông Tường nhấn mạnh vai trò của đồng đội trong thời kỳ khó khăn. Sự gắn kết, tương trợ được thể hiện và kết nối rõ nhất trong thời điểm khó khăn.
Với kinh nghiệm là nhà tư vấn và cố vấn, ông Tường đưa lời khuyên cho sinh viên chuẩn bị ra trường, đặc biệt trong ngành công nghệ, về việc đặt tầm nhìn đủ dài trong sự nghiệp và có giấc mơ. Phương châm “aim high - dream big” (đặt mục tiêu cao - mơ giấc mơ lớn) cũng đã được ông áp dụng khi xây dựng MoMo và để vượt qua lúc khó khăn. Ông chia sẻ, dù tự hào là tiên phong trong ngành thanh toán điện tử Việt Nam, song thời điểm 12 năm trước đây, không ai hiểu ví điện tử là gì.
Điều “sướng” nhất của startup là được sai, được sáng tạo và đặt ra mục tiêu lớn. “Vì vậy, ngoài ví điện tử, doanh nghiệp đã mở rộng sang lĩnh vực tài chính, đầu tư chứng khoán, phát triển mini app và chuyển đổi số cho SME.
Cho rằng ngành IT sẽ là trụ cột kinh tế Việt Nam trong 10 năm tới và hạn chế phụ thuộc nhiều vào việc khai thác tự nhiên, ông Tường mong muốn có trí thức trẻ Việt Nam tại Mỹ trong lĩnh vực công nghệ trở về chung tay phát triển đất nước.
“Tại Việt Nam, thị trường công nghệ đang phát triển rất tốt, nhà đầu tư nước ngoài có niềm tin vào Việt Nam khi tỷ lệ áp dụng công nghệ ngày một cao”, ông nói.
Tri thức trẻ tìm kiếm “đường đua riêng” trong ngành công nghệ
Tại sự kiện, các diễn giả chia sẻ về những câu chuyện bản thân, bài học kinh nghiệm và chọn việc làm công nghệ và những yếu tố, kỹ năng quan trọng cần có.
Từ góc độ nhà tuyển dụng của một tập đoàn đa quốc gia, bà Trang Trần, Trưởng bộ phận tuyển dụng Shopee Việt Nam khuyến khích tâm thế “chưa biết đủ nhiều”. Cụ thể là tinh thần học hỏi, sẵn sàng tiếp thu điều mới, biết quan sát thị trường và đặt câu hỏi liệu có thể làm gì tại thị trường, lĩnh vực đó.
Bà Trang dẫn câu chuyện của bản thân khi chuyển từ lĩnh vực non-tech sang thương mại điện tử. Tư duy trong lĩnh vực non-tech giúp bản thân có nhiều góc nhìn khác nhau về sự việc, dễ thích ứng công việc mới, môi trường làm việc mới, từ đó đem lại thành công hơn trong vị trí hiện tại.
Với ngành e-commerce, thời điểm Covid-19 lại là lúc tạo ra nhiều giá trị tích cực cho cộng đồng”, bà Trang chia sẻ về những giá trị mà công nghệ tạo ra cho cộng đồng trong thời đại dịch.
Đánh giá về bối cảnh khi các công ty công nghệ toàn cầu bước vào tình trạng “hiring-freeze” (ngưng tuyển dụng) và “layoff” (cắt giảm nhân sự) hiện nay, ông Chân Lê, Engineer Manager tại TruEra (Mỹ) cho rằng tình trạng này là bình thường và khuyên những sinh viên mới ra trường “không nên đặt hết trứng vào một rổ”, nghĩa là biết tính toán để không bỏ lỡ cơ hội phỏng vấn và đặc biệt không áp lực phải vào những công ty công nghệ lớn.
“Các bạn trẻ không nên so sánh, cần tìm kiếm con đường đua riêng cho bản thân. Mình muốn làm và bỏ tâm trí, tâm sức vào làm”, ông Chân Lê nói.
Theo bà Trang, tới thời điểm hiện nay, thị trường Việt Nam chưa chịu nhiều tác động tiêu cực từ tình trạng ngưng tuyển dụng hay cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên, nhiều công ty Việt hiện cân nhắc về dòng tiền và cân nhắc kỹ càng hơn việc lựa chọn ứng viên trong thời điểm này. Nhà tuyển dụng thường cân nhắc ứng viên theo các tiêu chí như “Can you do it” (nhằm đánh giá kiến thức chuyên môn và kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc, khả năng học những thứ mới), “Can you fit” (đánh giá về khả năng phù hợp với văn hoá doanh nghiệp) và “Why you do it (đánh giá về lý do lựa chọn doanh nghiệp đó để làm việc).
Tuân Nguyễn
Anh công nhân 2 lần trượt đại học làm ông chủ chuỗi nhà hàng ẩm thực Thái
Là ông chủ của chuỗi 15 nhà hàng hàng ẩm thực Thái Lan ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, ít ai biết rằng, anh Lê Thái Hoàng đã gây dựng từ hai bàn tay trắng, 2 lần trượt đại học và đi làm công nhân xây dựng