Cây cầu bậc thang cheo leo giữa hai hẻm núi Na Uy
Thiết kế độc đáo của cây cầu mới bắc qua hẻm núi bên dưới là dòng nước chảy xiết tạo cảm giác như đang lơ lửng trên không "có một không hai" ở Na Uy.
Toàn cảnh cây cầu bậc thang bắc qua hèm núi ở Na Uy |
Cây cầu vượt thác Vøringsfossen vô cùng ấn tượng, sớm trở thành điểm thu hút khách du lịch vì đem lại tầm nhìn tuyệt đẹp nhìn ra cảnh quan ngoạn mục gần Eifjord ở Hardanger, miền tây Na Uy.
Kiến trúc sư Carl-Viggo Hølmebakk là người chịu trách nhiệm thiết kế cho cây cầu bậc thang độc đáo. Sau 1 thập kỷ thực hiện từ lúc thai nghén ý tưởng đến khi thi công, cuối cùng cây cầu đã ra mắt và sẵn sàng phục vụ du khách.
Cây cầu gồm 99 bậc thang nối hai bên của thung lũng Måbødalen tuyệt đẹp. Nhìn có vẻ đơn giản, nhưng phải những du khách dũng cảm mới có thể bước qua toàn bộ gần một trăm bậc thang và tận hưởng cảnh quan ngoạn mục như lơ lửng giữa không trung với bên dưới là dòng nước chảy xiết của thác Vøringsfossen.
Cây cầu bậc thang bắc qua hèm núi mang lại cảm giác đi giữa không trung |
Theo tờ CNN, cây cầu chỉ là một phần trong một loạt những thay đổi phát triển mới xung quanh thác nước nhằm mục đích biến địa điểm nổi tiếng trở nên hấp dẫn hơn nữa đối với du khách.
Carl-Viggo Hølmebakk chia sẻ: "Cây cầu là trái tim của dự án, kết nối hai bờ sông và thác nước với nhau".
Hølmebakk và nhóm công sự muốn tạo ra thiết kế kết hợp giữa thiên nhiên và con người. Trước đó, họ đã nghiên cứu kỹ lưỡng cảnh quan địa phương, thậm chí họ sử dụng thiết bị kỹ thuật số để quét địa hình, đảm bảo thiết kể không phá hỏng môi trường thiên nhiên.
Chỉ những khách du lịch dũng cảm ưa mạo hiểm mới đủ gan bước qua hai hẻm núi |
Tạo hình cây cầu giống như một lối đi bộ lơ lửng giữa không trung lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian Na Uy và truyền thống lãng mạn của đất nước.
Nhóm thực hiên cho biết việc xây dựng không hoàn toàn dễ dàng. Bên cạnh việc sử dụng các phương pháp xây dựng thông thường, họ phải sử dụng đến trực thăng và máy bay leo núi.
Hơn nữa, do công trình ở trên núi cao, địa hình di chuyển khó khăn, nên chỉ có thể thực hiện trong mùa hè khô ráo ngắn ngủi.
Một số ý kiến cho rằng, cây cầu cản trở vẻ đẹp tự nhiên của cảnh quan nhưng kiến trúc sư cho biết họ cố gắng thiết kế hợp lý và lối đi mang đến cách di chuyển an toàn hơn cho những du khách ưa mạo hiểm.
Đến năm 2022, người ta sẽ đưa vào hoạt động một quán cà phê trong khuôn viên, nơi lý tưởng để khách tham quan hít thở tận hưởng không khí trong lành vùng núi rừng Na Uy.
Hoàng Dung (lược dịch)