Câu chuyện về ngôi làng Nhật Bản không có trẻ sơ sinh trong suốt 25 năm
Theo CNN, trong ¼ thế kỷ không có trẻ em được sinh ra, cùng với việc người trẻ rời quê và người già qua đời đã dẫn tới sự sụt giảm mạnh dân số trong làng Kawakami. Cách đây 40 năm, dân số của làng là 6.000 người, giờ đây chỉ vỏn vẹn 1.150 người. Nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang và nhiều nơi bị động vật hoang dã xâm chiếm.
Kawakami chỉ là một trong số nhiều thị trấn và làng mạc nhỏ của Nhật Bản bị lãng quên vì sự chuyển dịch của người trẻ ra thành phố. Hơn 90% dân số Nhật Bản đang sống ở các khu vực đô thị như Tokyo, Osaka và Kyoto.
Điều này dẫn tới hệ quả thiếu lao động trầm trọng ở các khu vực nông thôn, tình trạng này có thể sẽ càng tồi tệ hơn trong những năm tới khi lực lượng lao động hiện tại già đi. Năm 2022, số người làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp ở Nhật Bản giảm xuống còn 1,9 triệu người so với 2,25 triệu người 10 năm trước.
‘Thời gian cạn dần’
“Không còn nhiều thời gian để sinh đẻ,” Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio phát biểu trong buổi họp báo gần đây. Viện dẫn các dữ liệu nhân khẩu học, Thủ tướng đã cảnh báo vào đầu năm nay rằng Nhật Bản “đang trên bờ vực không thể duy trì các chức năng xã hội”.
Năm 2022, Nhật Bản ghi nhận số ca sinh thấp kỷ lục, 799.728 ca. Tỷ lệ sinh của quốc gia này (số trẻ trung bình mà phụ nữ sinh ra trong độ tuổi sinh sản) cũng giảm xuống còn 1,3; ở xa dưới mức 2,1 cần thiết để duy trì ổn định dân số. Trong hơn một thập kỷ, số ca tử vong cũng vượt xa số ca sinh đẻ.
Trong khi lực lượng lao động đang bị thu hẹp thì các nhà lãnh đạo của đất nước này cũng không thể phớt lờ nhiệm vụ tài trợ lương hưu và chăm sóc sức khỏe cho người già – nhóm dân cư đang tăng dần lên ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Đối với nhiều người trẻ, sinh con là việc quá đắt đỏ bởi lối sống đô thị bận rộn, chi phí sinh hoạt ngày càng tăng và thời gian làm việc dài khiến họ có ít thời gian để lập gia đình. Bên cạnh đó, việc sinh con cũng khiến phụ nữ gặp khó khăn để quay trở lại làm việc như trước.
Nhật Bản hi vọng sẽ giải quyết được vấn đề bằng việc đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích. Chính quyền ở các đô thị đang bắt đầu trợ cấp cho việc đông lạnh trứng để phụ nữ có cơ hội mang thai thành công cao nếu họ quyết định sinh con sau này.
Những cặp đôi mới trở thành cha mẹ nhận được hàng ngàn đô la “tiền thưởng cho em bé” để trang trải chi phí y tế. Những người độc thân sẽ được nhà được tài trợ dịch vụ hẹn hò cung cấp bởi AI.
Tia hi vọng
Trở lại với gia đình cậu bé Yokobori, chị Miho và anh Hirohito chuyển đến làng Kawakami từ khoảng một thập kỷ trước. Họ đến mà không biết rằng hầu hết cư dân ở đây đều đã qua tuổi nghỉ hưu. Trong những năm qua, họ đã chứng kiến sự ra đi của những người lớn tuổi và sự mai một dần của truyền thống cộng đồng lâu đời.
Tuy nhiên, tia hi vọng nhỏ nhoi có thế thấy rõ trong câu chuyện của bố mẹ Yokobori. Sự ra đời của Kentaro là phép màu không chỉ vì cậu là em bé đầu tiên được sinh ra ở ngôi làng mà còn vì bố mẹ cậu đã chuyển từ thành phố về nông thôn, đi ngược lại với xu hướng hàng thập kỷ qua.
Một số khảo sát gần đây chỉ ra rằng ngày càng nhiều thanh niên như chị Miho và anh Hirohito đang xem xét việc bỏ phố về quê. Họ nhận ra sức hấp dẫn của cuộc sống ở nông thôn, bị thu hút bởi chi phí sinh hoạt thấp, không khí trong lành và lối sống ít căng thẳng.
Miho và Hirohito quyết định chuyển về nông thôn sau thảm họa động đất, sóng thần tại Nhật Bản 12 năm trước. Gạt bỏ nỗi bất an, vợ chồng Yokobori quyết định bỏ việc ở thành phố và chuyển đến một ngôi nhà đơn sơ trên núi. Họ đã mở một nhà nghỉ chỉ phục vụ bữa sáng, anh Hirohito học cách chế biến gỗ và chuyên sản xuất thùng gỗ tuyết tùng cho các nhà máy rượu sake. Miho ở nhà làm nội trợ. Họ nuôi gà, trồng rau, chặt củi và chăm sóc Kentaro.
Câu hỏi lớn đối với cả làng Kawakami cũng như các khu vực khác ở Nhật Bản, đó là "Sự ra đời của Kentaro có phải là dấu hiệu cho thời kỳ tốt đẹp hơn sắp tới hay chỉ là điều kỳ diệu trong một xã hội đang già đi?".
Hoài Thanh