Câu chuyện đẹp về "cô giáo xương thủy tinh" dạy miễn phí cho học sinh trường làng
Nhắc đến cô gái Nguyễn Thị Ngọc Tâm, người dân thôn Trại 4, xã Yên Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định nhớ ngay đến cô gái đã 30 tuổi chỉ nặng vỏn vẹn 15kg nhưng có nghị lực phi thường.
Hơn chục năm qua, Tâm vẫn miệt mài truyền dạy tri thức cho hàng trăm trẻ em trong xã và những vùng lân cận.
Nguyễn Thị Ngọc Tâm (SN 1990, thôn Trại 4, xã Yên Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) mắc căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh nên từ khi chào đời đến nay, cô phải chịu nhiều đau đớn do căn bệnh này gây ra.
Lúc mới lọt lòng mẹ, một chân của Tâm bị quặt ngược lên bụng không thể duỗi thẳng. Đến năm 2 tuổi mới được phẫu thuật, lúc này chân đã có thể duỗi nhưng Tâm vẫn không thể đi lại bình thường như bao đứa trẻ khác.
Không chỉ mắc bệnh xương thủy tinh, Tâm còn mắc nhiều bệnh khác liên quan đến tim, phổi, phế quản, dạ dày khiến sức khỏe cô mỗi ngày một yếu. Vì thế nên 30 tuổi nhưng cân nặng chưa đầy 15kg. Tất cả những sinh hoạt cá nhân hay di chuyển Tâm đều phải nhờ ông bà, cha mẹ giúp đỡ.
"Cô giáo" Nguyễn Thị Ngọc Tâm |
“Số lần bị gãy xương mình không nhớ hết được vì quá nhiều, chỉ cần hoạt động mạnh một chút là xương cũng bị gãy. Nhiều hôm vừa đến bệnh viện bó bột về đến nhà thì gãy xương chỗ khác, cuộc sống của mình là những chuỗi ngày gắn với việc gãy xương”, Tâm kể.
Tâm cũng cho biết, hàng ngày đều phải uống thuốc, không chỉ một loại mà rất nhiều loại vì Tâm bị nhiều căn bệnh khác nhau. Chưa kể những hôm Tâm ốm phải tiêm 3-4 mũi thuốc một ngày và phải ngủ trong tư thế ngồi.
Tuy thể xác bị bệnh tật hành hạ là vậy nhưng nghị lực vượt lên số phận của Tâm khiến nhiều người phải nể phục.
Khi đến tuổi đi học, Tâm ao ước được đến trường như các bạn cùng trang lứa nên ông bà ngoại và cha mẹ Tâm hiểu và tạo điều kiện giúp Tâm đến trường.
Với bản tính thông minh cộng thêm sự cần cù không phụ lòng ông bà, cha mẹ, thầy cô, 9 năm đi học Tâm luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường Tâm luôn phấn đâu và ao ước sẽ trở thành cô giáo.
Thế nhưng thật đáng tiếc là con đường học tập của Tâm phải dừng lại khi Tâm bước vào cấp 3, nhà xa trường 15km nênTâm phải chấp nhận nghỉ học ở nhà vì sức khỏe yếu và phần cũng vì đường xa nên gia đình cũng sợ Tâm gặp nguy hiểm khi di chuyển đến trường.
Để giúp ích cho đời, cũng là thực hiện ước mơ được làm cô giáo của mình, Tâm quyết định mở lớp học miễn phí ngay tại nhà để kèm cặp các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 8 gần nhà hoặc những ai cần Tâm giúp đỡ.
"Cô giáo" Tâm miệt mài dạy miễn phí cho học sinh trường làng. |
Thời gian qua, bất kể mưa gió, ốm đau, Tâm vẫn kèm cặp các em học sinh học cấp 1, cấp 2 trong làng giúp các em củng cố được kiến thức trên lớp và hướng dẫn giúp các em có phương pháp học tập hiệu quả nhất.
Trung bình mỗi ngày Tâm đều dạy 2 ca sáng và chiều. Buổi sáng Tâm dạy cho các em học cấp 1, buổi chiều Tâm dạy cho học sinh cấp 2 mỗi ca khoảng từ 10-15 em. Cao điểm nhất là vào mùa hè, số học sinh cũng đông hơn nên Tâm phải dạy thêm một ca vào buổi tối.
Tất cả Tâm đều dạy miễn phí cho các em học sinh. Nhiều phụ huynh đề nghị được ủng hộ một chút để “cô giáo” có tiền trang trải nhưng Tâm từ chối.
Làm “cô giáo” có thể nói là uớc mơ lớn nhất của Tâm nhưng biết căn bệnh mình mang không có cách nào chữa khỏi nên từ nhỏ Tâm đã chấp nhận sống chung với nó và hiện thực hóa ước mơ theo cách của riêng mình. “Không quan trọng sống bao lâu, quan trọng là phải sống ý nghĩ”, Tâm nói.
Hoàng Thanh