Cậu bé 9 tuổi lên võ đài mang theo ước mơ thoát nghèo
Không chỉ theo đuổi đam mê, võ sĩ 9 tuổi ở Thái còn bước lên sàn đấu cùng với hy vọng giúp gia đình thoát nghèo.
Dù mới 9 tuổi, nhưng cậu bé Pornpattara ‘Tata’ Peachaurai đã trở thành một võ sĩ Muay Thái. Số tiền cậu bé kiếm được trong những lần lên võ đài thi đấu trở thành nguồn thu nhập chính của cả gia đình.
Cậu bé Tata chia sẻ: “Em đã lên võ đài 20 trận và giành được chiến thắng 15 trận để thua 5 trận. Mẹ em nói rằng, nếu em có thể tiếp tục nghiệp võ sĩ như chị gái, một ngày nào đó em có thể mua nhà, ô tô và kiếm tiền giúp mẹ”.
Số tiền mà Tata kiếm được từ các trận thi đấu đã hỗ trợ kinh tế cho gia đình và thậm chí là trả hết khoản nợ cho mẹ đẻ.
“Vào thời điểm hiện tại, nguồn thu nhập chính của gia đình chúng tôi đến từ Tata. Số tiền từ trận thi đấu gần nhất của Tata đã giúp tôi trả hết nợ”, bà Sureeporn Eimpong, mẹ của Tata cho hay.
Hàng ngày, người mẹ của Tata vẫn bán quà vặt trên quán vỉa hè. Còn người chị gái 16 tuổi của Tata cũng đã là thành viên của đoàn võ sĩ trẻ quốc gia của Thái Lan. Do đó, cả gia đình hy vọng Tata có thể phát triển sự nghiệp trở thành một võ sĩ Muay Thái chuyên nghiệp.
“Chị của cháu là một võ sĩ và cháu hy vọng mình có thể giống chị”, cậu bé Tata nói.
Trận đấu gần nhất mà Tata tham gia đã cách đây 5 tháng do dịch Covid-19 hoành hành buộc chính phủ Thái Lan cấm tổ chức các giải thi đấu thể thao.
“Trong giai đoạn đầu của làn sóng Covid-19, gia đình tôi cố gắng sống dựa vào số tiền tiết kiệm mà Tata từng kiếm được. Nhưng giờ, chúng tôi đã cạn tiền và cũng không có khách tới mua đồ mà tôi bán. Nhưng tôi tin dịch Covid-19 sẽ biến mất dù phải mất thời gian dài nữa”, bà Eimpong nói.
Ở Thái Lan, những trận đấu Muay Thái mà võ sĩ là trẻ em đã trở nên phổ biến. Thái Lan hiện có khoảng 300.000 võ sĩ dưới 15 tuổi và các em chỉ được phép thi đấu nếu nhận được sự đồng thuận từ cha mẹ.
Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế cho rằng việc thi đấu của các võ sĩ trẻ em cần bị cấm. Nguyên nhân là bởi trong quá trình thi đấu, các em rất dễ dính chấn thương phần đầu và gây tổn thương não bộ.
“Đấm bốc có thể gây chấn thương não và đây là chuyện mà chúng ta dễ nhận thấy ở các cựu võ sĩ. Các võ sĩ có nguy cơ bị mất trí nhớ, mất khả năng kiểm soát cơ, mắc bệnh Parkinson và chứng nhược cơ năng. Các triệu chứng sẽ xuất hiện tùy thuộc vào mức độ tổn thương của từng võ sĩ. Nhiều người nghĩ rằng không có chuyện 100% võ sĩ bị như vậy, nhưng thực tế dựa trên các nghiên cứu thì nguy cơ mà các võ sĩ phải đối mặt là rất lớn và họ còn có thể bị tàn tật”, ông Adisak Plitponkarnpim, Giám đốc Viện Phát triển Gia đình và Trẻ em quốc gia thuộc Đại học Mahidol nhận định.
Vào năm 2018, một võ sĩ nhí 13 tuổi ở Thái Lan đã tử vong do chấn thương não trong lúc đang thi đấu trên võ đài. Đây cũng là mùa giải mà Tata tham dự.
“Trong quá trình thi đấu, cháu từng bị trầy xước da nhiều lần và phải dùng đá lạnh đề chườm”, Tata nói.
“Mỗi lần Tata bị thương, tôi đều cảm thấy rất đau lòng. Tôi biết được những đau đớn con phải chịu khi đứng trên võ đài, nhưng khi đứng ở dưới nhìn con thi đấu, tôi đều cố giấu đi nỗi lo sợ. Tôi cảm thấy lo lắng cho con, nhưng đó là niềm đam mê của con và tôi hoàn toàn ủng hộ sở thích của con”, bà Eimpong tâm sự.
Ngồi ghế quan tài uống cà phê ở Thái Lan
Nhiều khách hàng có được trải nghiệm đặc biệt khi vừa uống cà phê vừa ngồi trên chiếc ghế quan tài tại quán cà phê nằm trong khuôn viên ngôi chùa ở Thái Lan.
Minh Thu (lược dịch)