Cấp cứu bệnh nhân sỏi đường mật gây tắc mật
Bệnh nhân N.T.M nữ 51 tuổi (địa chỉ Minh Cường - Thường Tín - Hà Nội) vào viện vì đau vùng hạ sườn phải, sốt cao liên tục 39-40 độ C, vàng da và niêm mạc vàng sậm do sỏi túi mật, sỏi gan.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nông nghiệp Hà Nội, bệnh nhân bị biến chứng do sỏi túi mật. Bệnh nhân có tiền sử đã “mổ mở 02 lần" vì bệnh lý sỏi đường mật trong và ngoài gan.
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng tỉnh tiếp xúc chậm, mệt mỏi nhiều, sốt cao liên tục 39-40 độ C kèm gai rét, rét run. Mạch nhanh 100-110lần/phút, Huyết áp 140/90 mmHg. Xét nghiệm BC 17G/L,N 92%, PCT 23,8, Bil TP/TT 138/132 mmol/l, GOT/GPT 324/238. Siêu âm ổ bụng và cắt lớp vi tính ổ bụng cấp cứu kết quả giãn toàn bộ đường mật trong và ngoài gan, nhiều sỏi trong gan và sỏi OMC KT 33x22mm, thâm nhiễm viêm quanh OMC và hạ sườn phải.
Bệnh nhân được chẩn đoán: “Nhiễm trùng nặng đường mật do sỏi đường mật trong và ngoài gan, sỏi OMC gây tắc mật cấp nguy cơ dọa sốc mật".
Hội chẩn liên chuyên khoa Hồi sức tích cực - Ngoại Tổng hợp – Chẩn đoán hình ảnh được thiết lập ngay lập tức xử lý cấp cứu. Thống nhất dẫn lưu đường mật cấp cứu dưới XQuang số hoá xoá nền để giải áp đường mật cho bệnh nhân.
Can thiệp dẫn lưu đường mật hiệu quả ra ngay tại phòng can thiệp khoảng 100ml dịch mủ đường mật. Sau dẫn lưu 2 giờ ra thêm 200ml dịch vẩn đục mủ đường mật.
Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo trong quá trình can thiệp và rất dễ chịu. Hiện tại bệnh nhân sau can thiệp tạm ổn định và được điều trị theo dõi sát tại Khoa Hồi sức tích cực.
BS Lương Thành Đạt – Khoa Ngoại Tổng hợp bệnh viện đa khoa nông nghiệp khuyến cáo: Sốc nhiễm trùng đường mật là một biến chứng cực kỳ nguy hiểm đối với bệnh nhân mắc phải bệnh lý về đường mật. Bệnh nếu không được cấp cứu kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Trong vòng 6 giờ từ khi có biểu hiện sốc phải giải áp đường mật, nếu không bệnh nhân có thể tử vong vì sốc nhiễm trùng.
Bệnh nhân được bác sĩ cấp cứu kịp thời. |
Dẫn lưu đường mật tạo điều kiện thuận lợi cho việc can thiệp xử lý các nguyên nhân khác như sỏi đường mật, sỏi túi mật, viêm túi mật, viêm tụy cấp, hẹp đường mật do ung thư đường mật,…. Nhờ vậy bệnh nhân không phải trải qua nhiều lần phẫu thuật mổ mở và cho kết quả tốt nhất, hạn chế xâm lấn và thời gian nằm viện cũng như chi phí điều trị.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quang Cừ - Bệnh viện Đa khoa An Việt cho biết sỏi túi mật là do sỏi từ túi mật di chuyển xuống ống túi mật hoặc ống mật chủ luôn gây cảm giác bứt rứt. Do cơ trơn của túi mật hoặc ống mật chủ giãn hay co thắt để tống sỏi nên có thể gây cơn đau quặn gan.
Cơn đau quặn gan thường xảy ra sau khi ăn hoặc ăn nhiều chất béo hoặc bị chấn thương vùng bụng. Vị trí đau thường ở mạn sườn hoặc vùng bụng trên.
Cơn đau thường dữ dội làm bệnh nhân đứng ngồi không yên, ra mồ hôi nhiều, sắc mặt trắng bệch, buồn nôn và nôn. Thời gian cơn đau ngắn, ít khi vượt quá vài giờ. Khi sỏi di chuyển lại về túi mật hoặc xuống tá tràng thì hết đau, có lúc do giãn cục bộ đường mật thì đau cũng giảm.
Còn trường hợp sỏi trong gan thường có màu vàng xanh hoặc dạng sỏi bùn. Trung tâm viên sỏi có thể tìm thấy xác trứng giun. Sỏi có thể thấy ở cả gan phải và gan trái, có thể thấy nhiều viên. Bệnh nhân có thể thấy các triệu chứng như sốt, vàng da, sợ lạnh từng đợt.
Bác sĩ Nguyễn Quang Cừ chia sẻ về sỏi mật. |
Chức năng gan có thể bị tổn thương nhưng chức năng túi mật vẫn bình thường. Biến chứng của nó tương đối nguy hiểm: viêm mủ đường mật, áp xe gan, xuất huyết đường mật…
BS Cừ cho biết ở Việt Nam thường gặp là sỏi đường mật (chiếm 95%) và hay gây viêm đường mật.
Khi bị sỏi đường mật trong gan gây đau bụng, sốt, sợ lạnh, gan to và đau, túi mật to.
Khi bị sỏi mật, không nên chủ quan mà cần thường xuyên thăm khám. Những người có tiền sử sỏi mật vẫn cần tư vấn của bác sĩ để tránh sỏi tái hình thành và gây biến chứng.
Khánh Chi