Cánh tài xế mách nhau cách vượt qua "giấc ngủ trắng" khi lái xe đường dài
"Giấc ngủ trắng" gặp phải khi đang lái xe có lẽ là nỗi ám ảnh kinh hoàng với mỗi tài xế.
Với những người lái xe đường dài, chắc hẳn ai cũng đôi lần bị cơn buồn ngủ bất ngờ ập đến. Nhất là khi lái xe buổi trưa, chiều muộn hay lái xe đêm, khi cơ thể mệt mỏi, nhịp sinh học trong cơ thể báo tới ngưỡng cần được nghỉ ngơi nhưng tài xế vẫn cố lái xe.
Vậy khi cơn buồn ngủ ập tới, bạn sẽ làm gì để giúp cơ thể tỉnh táo, lái xe tới đích an toàn? Nhất là khi đang lái xe đường dài trên cao tốc mà chưa tới trạm dừng nghỉ?
Câu hỏi đó đang được chia sẻ trên mạng xã hội, thu hút hàng nghìn bình luận và chia sẻ kinh nghiệm của các bác tài xế.
Có nhiều người chia sẻ các tình huống từng gặp phải và cách vượt qua:
"Em đã bị giấc ngủ trắng 1 lần. May quá giật mình tỉnh giấc. Thế là vừa cấu đùi, hướng hết cửa gió điều hoà vào mặt vừa chạy (em chạy chở chuyên gia và đang chạy cao tốc nên không thể dừng) lúc đó là 8h sáng, cao tốc Thái Nguyên. Chạy láng tý thì lên vỉa giữa. Lúc đó chỉ mong có xe nào tạt đầu cho căng não để tỉnh";
"Thực ra có lần tôi chạy đêm cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nói thật buồn ngủ ghê gớm. Uống nước, lấy nước xoa mặt, hạ kính xuống một lúc, lấy cả điếu thuốc ra để cầm múa máy trước mặt với ngửi cho đỡ buồn ngủ, mò kẹo cao su nhai....các kiểu làm. Nói chung là phải luôn múa máy tay và cổ để cho cắt cơn buồn ngủ và tránh bị ngủ vô thức sau đó đến trạm là dừng rửa mặt làm lon bò húc, điếu thuốc....";
"Tôi cũng đã từng rơi vào trạng thái giấc ngủ như vậy trên đường chạy xe máy từ Đà Lạt về TP. HCM. May mắn khi xe chạy khỏi mặt đường nhựa xuống lề đường gồ ghề khiến tay lái rung lên giúp tôi bừng tỉnh vội vàng đánh lái vào phần đường xe chạy. Khi đó không biết mình đã rơi vào giấc ngủ mất mấy giây, nhưng nếu không gặp may để bừng tỉnh kịp thời, chắc khó lòng mà ngồi đây viết những dòng này. Kể từ đó, mỗi lần đi xe, cảm thấy buồn ngủ là lập tức tôi vào quán nước nghỉ ngơi cho thật tỉnh rồi mới đi tiếp. Chúc các bạn lái xe an toàn";
"Mình cũng bị 1 lần vào khoảng 2h chiều. Đi ăn giỗ về, uống 1,2 lon bia gì đó. Trời nắng, cả xe 4,5 người ngủ hết. Hên có bố vợ ngồi ghế phụ. Đi khoảng 40km, được 20km thì rơi vào giấc ngủ trắng này. Hên có bố vợ la lên phát, giật phắt người, lúc đó xe đã lạng qua đường bên kia, đối đầu 1 xe Ford Everest. Rất may luôn là trả lái về kịp, từ đó hễ đi xa là không bao giờ uống bia. Và khi buồn ngủ là dừng lại ngủ chút bất kể đang đi đâu, chở ai. Thật cảm ơn ông trời và ông bố vợ";
"Tốt nhất là ngủ 20-30 mươi phút. Có lần em chạy đêm buồn ngủ tự nhiên thấy có người nằm giữa đường giật mình phanh cháy lốp. Nhảy xuống xem thì chả có gì, thực ra lúc đó do buồn ngủ quá thành ảo giác thôi. Thế nên thấy buồn ngủ thì đừng cố";
"Dân lái xe gọi là "ngủ trong bụng". Mắt vẫn mở trừng trừng, thậm chí miệng vẫn lảm nhảm những câu vô nghĩa, nhưng ý thức thì không còn".
Có rất nhiều, rất nhiều câu chuyện kể về các tình huống gặp phải khi đang lái xe bỗng bị ngủ gật. Đây đều là những trường hợp may mắn thức tỉnh kịp thời. Trong thực tế đã có không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà nguyên nhân ban đầu là do tài xế ngủ gật.
Vậy làm cách nào để giúp cơ thể tỉnh táo, vượt qua những cơn buồn ngủ đó?
Có vô vàn cách giúp các bác tài vượt qua cơn buồn ngủ nhất thời như uống nước tăng lực, ăn ớt hay mù tạt thật cay, ăn miếng chanh thật chua, mở nhạc sàn thật to và mở cửa cho gió lùa vào, tự đánh cấu véo thật đau... Có nhiều kinh nghiệm tưởng như hài hước nhưng lại mang tới hiệu quả tức thời:
"Lái xe đường dài thì nên mang theo vài trái ớt cay, khi buồn ngủ thì lấy ra nhai cho đến khi cay đủ đô rồi lấy bánh ngọt ăn hoặc uống nước ngọt để cân bằng trở lại. Cách này rất hiệu quả trong trường hợp khẩn cấp trong khi chưa tìm được chỗ nghỉ ngơi. Một kinh nghiệm cá nhân lái xe hơn 25 năm đường dài";
"Cứ tấp vào làn bật khẩn cấp rồi rửa mặt, lấy búa lấy mỏ lết xuống đi kiểm tra bánh xe. Lấy mấy cục đá nhỏ ở kẽ lốp xe, ngồi đủ lâu là sẽ tỉnh. Chắc chắn rửa mặt sẽ không tỉnh đâu, em phụ xe đi với cả trăm tài xế nên nhiều kiểu lắm, thấy cái này ổn áp";
"Em hay cắn vào tay, 1 tay lái xe rồi đưa tay còn lại lên miệng cắn, càng đau càng tỉnh. Nhưng đó là chữa cháy tạm thời thôi, không gì giúp tỉnh táo bằng 1 giấc ngủ 10-15 phút. Thậm chí là dừng xe ngả ghế nhắm mắt (nhưng không ngủ được) cũng giúp cơ thể tỉnh táo hơn sau 10-15 phút";
"Làm tuýp mù tạt. Bao giờ buồn ngủ nhấm ít là tỉnh như sáo";
"Em ngậm hụm nước trong mồm. Khi nào đang lái mà thấy nước chảy ra khỏi mồm thì nghĩa là buồn ngủ rồi. Tấp xe vào lề chợp mắt 5-10 phút là lại tỉnh như sáo ngay";
"Nhanh nhất là lấy tẩu thuốc dí vào chân. Bác nào mà vẫn buồn ngủ được thì chịu thua";
Vậy nhưng, đây chỉ là cách làm để tạm thời vượt qua cơn buồn ngủ trước mắt mà thôi. Cách tốt nhất để các bác tài xế có một hành trình lái xe an toàn đó chính là có một chế độ sinh hoạt lành mạnh, khoa học và tuân thủ đúng luật giao thông:
"Về nguyên tắc thì không được đậu xe dừng ngủ trên đường cao tốc để đảm bảo an toàn cho các phương tiện khác. Nhưng trường hợp bất khả kháng thì nhớ đậu sát vào lề, mở xi nhan và tìm vật để báo hiệu từ xa. Có chở theo người không biết lái xe thì nhờ họ ra làm dấu cho xe khác tránh. Khi nào tỉnh rồi hẵng đi tiếp";
"Khuyến cáo lái xe an toàn đã quy định rõ: không lái xe liên tục quá 4 tiếng. Một ngày lái không quá 8 tiếng. Trước khi đi xa thì ngủ tối thiểu 7 tiếng trong ngày trước đó. Thì sẽ chẳng có cơn buồn ngủ nào hết. Đừng cố vắt kiệt sức mình";
"Nếu không kiếm được trạm dừng nghỉ hay cây xăng, điểm dừng đổ nào an toàn thì đành tấp xe vào lề, bật đèn khẩn cấp rồi đặt báo thức, chợp mắt 10-20 phút chắc chắn sẽ tỉnh lại được. Không bao giờ được cố lái xe khi cơ thể mệt mỏi và buồn ngủ".
Nhịp sinh học của mỗi người mỗi khác, do đó các tài xế trước khi tham gia giao thông tốt nhất nên có cơ chế nghỉ ngơi hợp lý, khoa học để có sức khỏe tốt nhất, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Lam Giang