Cảnh báo thói quen phó mặc đôi mắt của con cho cửa hàng kính
Phó Giáo sư Nguyễn Đức Anh - chuyên gia về tật khúc xạ ở trẻ em chia sẻ, trong thời gian này có rất nhiều trẻ được bố mẹ đưa tới bác sĩ vì vấn đề tật khúc xạ, đặc biệt là nhiều bé đeo sai số kính.
Nguy hiểm cho đôi mắt
PGS Nguyễn Đức Anh – Trưởng khoa Tật khúc xạ, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, cho biết việc nhiều bố mẹ muốn kiểm tra mắt cho con nhưng lại ngại đến bệnh viện vì sợ đông mà đến hiệu kính. Tuy nhiên, việc phó mặc đôi mắt của con cho cửa hàng kính vô cùng nguy hiểm vì có tới 95% cửa hàng kính mắt đều có máy đo tật khúc xạ tự động nhưng người học không đựợc đào tạo bài bản. Họ chỉ dựa vào máy đo tự động và cắt kính. Điều này có thể gây ra những hệ luỵ như cận thị giả, đo sai số kính.
Trẻ đeo kính sai về độ, kính non độ quá đều ảnh hưởng tới thị lực. Nếu đeo quá độ thì mắt điều tiết quá mức khiến trẻ không chịu đeo kính nữa. Nếu đeo lâu dài ảnh hưởng đến tâm lý, thần kinh của các cháu. Đeo non độ cũng không thể nhìn rõ được.
Ngoài ra, lựa chọn gọng kính cũng phải phù hợp với trẻ. Kính của trẻ phải cân đối, nếu mắt kính to quá, tâm nhìn sẽ không đúng.
PGS Đức Anh cho rằng trẻ cần khám và xem gọng có phù hợp với khuôn mặt không. Việc khám, lựa chọn kính đòi hỏi người có trình độ, chuyên môn, chứ không phải bán kính là xong.
Ngược lại, PGS Đức Anh cũng cho biết có nhiều phụ huynh cho con đi kiểm tra mắt thấy bác sĩ tư vấn phải đeo kính đã lo lắng, sợ hãi vì nghĩ trẻ đeo kính hỏng mắt, xấu nên không cho trẻ đeo kính dẫn đến tăng độ cận. Từ những bé vài tháng trước độ cận chỉ dưới 2 độ nhưng sau đó đã tăng lên rất nhiều.
Vì vậy, PGS Đức Anh khuyến cáo phụ huynh phải thay đổi tư duy, bởi không phải theo ý kiến của bố mẹ mà phải theo thực tế.
PGS Nguyễn Đức Anh khám tật khúc xạ cho trẻ em. |
Không chỉ khiến trẻ tăng tật khúc xạ mà việc e dè đeo kính dẫn đến việc học của trẻ, trẻ không tự tin. Không chỉ cắt kính không đúng chỉ định, nhiều cha mẹ còn tin vào các quảng cáo thuốc nhỏ mắt chữa cận thị, PGS Đức Anh cho biết hiện chưa có thuốc chữa khỏi được cận thị.
Việc một số cơ sở thời gian gần đây có quảng cáo về thuốc nhỏ mắt chữa cận thị không cần phẫu thuật là thông tin không chính xác. Trên thế giới cũng có những nghiên cứu về việc dùng thuốc chữa cận thị nhưng mới chỉ dừng lại ở nghiên cứu mà chưa có kết quả cụ thể.
Dấu hiệu cần khám mắt
Trong thời gian học online, PGS Đức Anh cho biết Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 ghi nhận tỉ lệ cận thị, loạn thị gia tăng và tăng độ khúc xạ đối với các bệnh nhân đã mắc tật khúc xạ.
Trong thời gian này trẻ em phải dành nhiều thời gian hơn để học trực truyến trên các thiết bị điện tử và ít có thời gian hoạt động ngoài trời. Việc nhìn chằm chằm vào màn hình suốt nhiều giờ, trong ngày khiến nguy cơ cận thị tăng cao. Và lúc không học thì trẻ cũng không thể ra ngoài chơi, điều này khiến nhiều trẻ lại chọn cách giải trí bằng cách điện thoại, máy tính bảng hay laptop.
Để giảm thiểu nguy cơ mắc tật khúc xạ cũng như kiểm soát sự tiến triển của các tật khúc xạ, PGS Anh khuyến cáo nên cho trẻ học online bằng máy tính, thiết bị có ánh sáng tốt, không dùng điện thoại hay ipad… Trẻ nên học 30 – 45 phút phải cho trẻ nghỉ mắt và dạy trẻ nhìn xa để mắt nghỉ ngơi.
Ngoài ra, bố Mẹ có thể cho con sử dụng kính lọc ánh sáng xanh thông minh. Phụ huynh luôn nhắc nhở con về tư thế, không nên để trẻ nằm hay nằm nghiêng khi học bài, xem phim hay sử dụng điện thoại.
PGS, TS Nguyễn Đức Anh khuyến cáo, khi thấy trẻ các các dấu hiệu lác mắt, sụp mi, xem tivi gần, nháy mắt liên tục, nhức, mỏi mắt, khó nhìn xa hoặc nheo mắt khi nhìn xa thì nên đi thăm khám tại cơ sở y tế chuyên khoa mắt để có thể can thiệp bằng đeo kính hoặc phẫu thuật.
Thực tế nhiều trẻ được cha mẹ đưa đến viện trong giai đoạn muộn, thậm chí có trẻ nhược thị không thể can thiệp.
Trẻ đã có tật khúc xạ nên định kỳ 6 tháng/khám hoặc theo hẹn lịch khám của bác sĩ điều trị. Trẻ mạnh khỏe nên đều đặn một năm thăm khám thị lực một lần.
K.Chi